Kinh tế

Đại gia ‘ôm đất vàng’: Một đợt rà soát lộ gần 4.000 tỷ sai phạm

Hơn 3.815 tỷ đồng sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại 21 dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Trong khi “cái áo” pháp lý chưa hoàn thiện, hình thức đổi đất lấy hạ tầng một thời im ắng giờ lại “trăm hoa đua nở” với nhiều bất cập khiến cơ quan quản lý bối rối và đang tìm cách siết chặt.

Dễ bị biến tướng, bóp méo

Khai mạc Hội thảo Cơ chế Đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 19/10, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã cảnh báo: Hình thức đổi đất lấy hạ tầng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất vàng, ở vị trí đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.

Không chỉ là cảnh báo mà trên thực tế, bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước, cho hay, từ kết quả kiểm toán, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.815 tỷ đồng đối với 21 dự án BT, tương đương 12,5% giá trị được kiểm toán (3.815 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).

Nhiều nhà đầu tư hạ tầng lớn đang dành sự quan tâm cho các dự án BT (ảnh minh họa)

Rõ ràng, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm sát như Thanh tra Chính phủ, KTNN không phát hiện ra các sai phạm trên, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã bị thất thoát.

Một dẫn chứng khác cho thấy, tại Hà Nội, thanh tra Chính phủ thanh tra 15 dự án BT, cả 15 dự án đều có sai phạm, ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có tới 14 dự án là chỉ định thầu, để lọt nhiều nhà đầu tư yếu kém.

Vì thế, theo ông Nguyễn Đình Hòa, Phó giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán (KTNN), như một hệ lụy tất yếu, thất thoát trong dự án BT sẽ là thất thoát kép. Thất thoát thứ nhất, vì BT chủ yếu là chỉ định thầu, đưa ra chào do không có cạnh tranh nên không phản ánh giá trị theo đúng giá thị trường. Thất thoát thứ hai là thất thoát từ đất đai.

Dự án BT xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư, với 41km đường, mặt cắt làn đường 40m, 4 làn xe từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín) là một điển hình. Nhà nước trả cho Cienco 5 các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Song, sau 9 năm thực hiện, chủ đầu tư mới xây dựng được 12km đường. Thế mà, đất đai đã giao hết cho chủ đầu tư, và Cienco 5 đã bán đất Thanh Hà cho một chủ đầu tư khác.

Ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam, cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, là thiếu một khung pháp lý. Đến nay, các dự án BT được quy định ở khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại đang tồn tại khá nhiều khoảng trống pháp luật và khoảng chồng chéo pháp luật.

Các quy định về hình thức đầu tư BT vẫn còn lép trong các văn bản pháp luật. BT chỉ có 1 câu, 1 dòng trong các điều của Nghị định nên người ta dựa vào đó để lách - ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, nhận xét.

Chính khoảng trống pháp luật về xác định giá trị vẫn tồn tại, quyền quyết định giá trị lại trao cho Bộ Tài chính, phương thức này tạo nên nguy cơ tham nhũng rất lớn - ông Tú lo ngại.

Nguyên nhân nữa là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết là chỉ định thầu. Việc lập dự án, thiết kế và phê duyệt là nhà đầu tư tự làm. Trong quá trình thi công không giám sát chặt chẽ, quyết toán không kịp thời. Việc xác định giá đất vẫn làm đau đầu cơ quan quản lý.

Dự án phải đấu thầu, đất phải đấu giá

Qua quá trình kiểm toán, ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, đã nhận thấy nhiều bất cập. Ông dẫn chứng: Mặc dù trên văn bản pháp luật, với hình thức đầu tư BT, Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất. Song, thực tế hiện nay có trường hợp thanh toán bằng tiền, thanh toán bằng cả nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thậm chí cả vốn vay, trong khi vốn của chủ đầu tư rất nhỏ.

Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và đã phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Gamuda Land thực hiện theo hình thức BT.

“Chúng ta lại chưa quy định tỷ lệ vốn của chủ đầu tư, dẫn tới tình trạng nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực vẫn được triển khai các dự án đầu tư”, ông Trọng nói.

Ông lo ngại, rất nhiều mảnh đất đẹp, đắc địa được định giá thấp hơn rất nhiều mà lẽ ra phải đưa ra đấu giá. Mà thực tế ở các quận, huyện khi đấu giá đất, giá trúng có khi còn cao gấp 15-20 lần so với mức giá đưa ra.

Vì thế, TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng, hình thức đầu tư BT đã triển khai 10-20 năm nay rồi, việc thiếu một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện đang làm cho thị trường thiếu minh bạch, gây ra nhiều hệ lụy,... Toàn bộ quy trình hiện nay chưa chuẩn, cần xem xét lại.

“Nên chăng, Nhà nước phải đứng ra đặt hàng. Nhà nước phải chủ động tất cả các khâu, từ dự toán, đấu thầu,... Không nên để các chủ đầu tư chủ động, bởi họ sẽ xây dựng cơ sở dự toán không tốt, đội vốn lên rất nhiều, nhất là khi ý định của nhà đầu tư không sáng láng, rõ ràng”, ông Thanh đề xuất.

Nên đảm bảo minh bạch công khai, cương quyết đưa vào luật: Dự án là phải qua đấu thầu, giao đất là phải qua đấu giá, như thế mới đảm bảo giá đất theo đúng thị trường. Kiểm tra, giám sát, kiểm toán cũng nên đi vào ngay từ khi hình thành đến khi quyết toán dự án.

Đại diện Bộ KH-ĐT, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - đơn vị xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức công tư, cho hay, tới đây, chắc chắn sẽ có một chương riêng về hình thức đầu tư BT. Các ý kiến tại hội thảo là những đóng góp thiết thực để cơ quan này khắc phục “cái nền chưa chắc chắn còn nhiều lỗ hổng”, theo lời bà Lê.

Tuy nhiên, tại một hội thảo lớn như vậy liên quan đến xây dựng cơ chế pháp luật cho đầu tư BT, theo lời chủ tọa, mặc dù KTNN đã mời đại diện các Bộ: Tài nguyên - Môi trường, KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng,... nhưng không đơn vị nào gửi văn bản đóng góp ý kiến. Các đại diện của Hà Nội, TP.HCM, những địa bàn có nhiều dự án đầu tư BT, cũng vắng mặt.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Đại gia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok