Mê tín, vô nhân đạo
Sau khi phơi bày những góc khuất của thế giới ngầm, bán trinh cho đại gia“giải đen”, chúng tôi liền kiếm cớ “rút lui” bằng cách xin hẹn buổi gặp sau.
Những ngày sau đó, cả phía tú bà lẫn các đại gia liên tục nhắn tin, gọi điện để chèo kéo “sơn nữ” trong vai người bán trinh cố gắng hoàn tất giao dịch vì đại gia sắp có phi vụ làm ăn lớn. Những hứa hẹn về cuộc sống sung túc nếu biết “chiều lòng” các đại gia tiếp tục được tung ra để “dụ con mồi”.
Khi những góc khuất trần trụi được tiết lộ, nhiều độc giả sự phẫn nộ với những con người có tri thức, tiềm lực tài chính, thậm chí có vị trí nhất định trong xã hội.
Sự mê tín “giải đen” đôi khi cũng chỉ là cái cớ để tìm đến một thú vui xác thịt bệnh hoạn. Điều này không thể chấp nhận, bởi thành công của mỗi người đến từ tài năng, uý tín, kinh nghiệm…chứ không nằm ở việc chiếm “cái ngàn vàng” của người con gái. Do đó, chỉ những kẻ làm ăn bất chính mới tin vào những chuyện mê muội, huyễn hoặc.
Dưới góc độ đạo đức, nhân cách con người, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định với PV Người Đưa Tin Pháp Luật: “Thời xa xưa, người ta thường dùng gái đồng trinh để thực hiện những hành thức nhẫn tâm. Xem người phụ nữ như một công cụ để “hiến tế”...
Đó hoàn toàn chỉ là quan niệm mê tín. Có lẽ cũng chính từ đó, những hủ tục tàn nhẫn ấy đã “rơi rớt”, còn sót lại ở một số người, tạo ra niềm tin mê tín len lỏi trong một số cá nhân như vậy. Có thể nói, đó là 1 tín ngưỡng mang tính dã man, vô nhân đạo. Và những người mua trinh thực sự là hành vi vô nhân đạo”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. |
Ông Vĩ thẳng thắn nói: “Bên cạnh đó, tôi đánh giá, lý do “mua trinh để giải đen” mà các vị đại gia kia đề cập, vốn chỉ là lý do bao biện cho bản năng “thú tính” của những người đàn ông.
Chưa hết, với 1 người làm ăn mà bất chấp coi lợi nhuận, lời lãi của bản thân cao hơn cả nhân phẩm của người khác, sẵn sàng hy sinh nhân phẩm người khác để làm lợi cho bản thân, thì quả thực không còn điều gì đáng sợ hơn. Những hành vi của cả người mua và người bán đều phải lên án và loại bỏ khỏi xã hội".
Cần công khai danh tính người mua dâm
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay hoạt động mua bán dâm, môi giới mại dâm được thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, nhằm trốn tránh sự phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng. Người phạm tội hoạt động rất chuyên nghiệp, xảo quyệt.
Đặc biệt những giao dịch mua bán dâm, môi giới mại dâm đều được tiến hành qua mạng internet, mạng xã hội và và các chương trình phần mềm cài đặt trên thiết bị điện tử, kỹ thuật số. Do đó những tú ông, tú bà không cần phải lộ mặt mà chỉ cần trao đổi gián tiếp qua các ứng dụng điện thoại, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi muốn xác định đối tượng phạm tội.
Để có thể “bắt tận tay, day tận trán” những đối tượng này, ngoài việc sử dụng nghiệp vụ trinh sát, mật phục, cơ quan điều tra còn phải áp dụng cả những biện pháp kỹ thuật công nghệ cao, mất nhiều thời gian, công sức hơn.
Luật sư Giang Hồng Thanh. |
Thêm vào đó, việc người mua dâm hiện nay thường không bị công khai danh tính cũng khiến tệ nạn này chưa được phòng, chống một cách quyết liệt.
Bên cạnh đó, hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm được xác định là hành vi môi giới mại dâm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 328 Bộ luật Hình sự, phạt tù, tùy theo mức độ vi phạm.
Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Lê Minh Đức (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: "Hiện không có quy định nào cấm công khai danh tính của người mua bán dâm.
Hành vi này đang bị cả xã hội lên án, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, làm băng hoại đạo đức, là mầm mống phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình".
“Nếu pháp luật chưa có chế tài hình sự xử lý người mua bán dâm thì cũng nên công khai tên của những người mua bán dâm để nhằm răn đe, hạn chế tình trạng này”.
Luật sư Đức mở rộng thêm, nhiều hành vi như vi phạm giao thông, sai phạm trong lĩnh vực thuế, y tế, đăng ký kinh doanh… chưa đến mức độ xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính thì cũng đã bị rất nhiều cơ quan báo chí phản ánh trên mặt báo. Cũng như hành vi mua, bán dâm thì người bán dâm chỉ là một chủ thể trong việc này.
“Ở một số địa phương, người vi phạm giao thông còn bị ghi tên công khai trên một bảng tin để cho mọi người trong phường cùng xem và rút kinh nghiệm. Đây cũng là một hình thức răn đe, giáo dục rất tốt. Vậy tại sao mua bán dâm lại không nêu?”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: nguoiduatin.vn