Kinh tế

Đại gia Dương Thị Bạch Diệp là ai?

Bà Diệp là người thứ 6 sở hữu xe sang Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 7 và là một trong những đại gia bất động sản đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM với Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương.

Cơ quan điều tra xác định cựu Phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã mắc sai phạm trong vụ bà Diệp lừa hoán đổi tài sản công nói trên, gây thiệt hại 352 tỷ đồng. Vụ án trước đó được ra quyết định khởi tố từ đầu năm 2019.

Đại gia bất động sản thập niên 90

Không đình đám như các đại gia ngày nay, bà Bạch Diệp nổi tiếng trong giới bất động sản TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bà là người thứ 6 tại Việt Nam sở hữu xe siêu sang Rolls Royce Phantom với giá 1,4 triệu USD vào năm 2008. Đây cũng là chiếc Rolls Royce Phantom có giá trị cao nhất khi đó.

Bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: M.D.

Bà Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 1971 và có nhiều năm công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng, Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại Thương (thời điểm đó) tại TP.HCM.

Một trong những thương vụ bất động sản đầu tiên của nữ doanh nhân này diễn ra vào năm 1984 khi bà mua một căn chung cư cũ tại số 72 Ký Con, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) cải tạo lại để bán với giá cao.

Từ những thương vụ mua cũ, cải tạo, bán mới chung cư, bà Diệp chuyển sang những sản phẩm bất động sản lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng…

Năm 2014, trong lần chia sẻ với báo chí, nữ doanh nhân cho biết giá trị tài sản của mình có thời điểm lên tới 10.000 tỷ thông qua các bất động sản và tài sản cá nhân.

Một số dự án bất động sản, khách sạn 5 sao thuộc sở hữu của bà phải kể tới Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)...

Đến năm 2019 (trước thời điểm bà Diệp bị tạm giam để điều tra vụ án trên), bà Diệp là đại diện pháp luật của 4 công ty, 2 trong đó đã dừng hoạt động. Hai công ty vẫn hoạt động đến nay là Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH Nam Nam Phương.

Trong đó, Công ty Nam Nam Phương được thành lập từ năm 2004, trụ sở chính tại số 28 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1 do bà Diệp làm giám đốc.

Công ty Diệp Bạch Dương được thành lập từ tháng 4/2002, trụ sở chính tại 179Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3. Doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ, do bà Diệp góp 57,54%, cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Châu Hà nắm 42,46% (tính đến 2019).

Khoản nợ xấu nghìn tỷ

Với việc kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà Diệp cũng như doanh nghiệp của mình phải thực hiện nhiều hợp đồng tín dụng với ngân hàng để có dòng tiền đầu tư dự án.

Một số khoản vay trong đó đã trở thành nợ xấu và đang nằm trong vụ án điều tra của Bộ Công an, nổi tiếng nhất là vụ Công ty Diệp Bạch Dương vay 81.000 lượng vàng tại Agribank chi nhánh TP.HCM năm 2008.

Cụ thể, tháng 10/2008, Công ty Diệp Bạch Dương đã vay 14.000 lượng vàng SJC của Agribank TP.HCM để mua căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3. Khoản vay này có hạn trả nợ là tháng 10/2009, nhưng công ty đã đề nghị và được Agribank đồng ý gia hạn nợ đến tháng 10/2010. Tuy vậy, đến tháng 1/2011 công ty mới trả xong nợ.

Xe sang Rolls Royce Phantom biển tứ quý 7 của bà Dương Thị Bạch Diệp lăn bánh trên đường phố TP.HCM. Ảnh: T.Đ.

Trong giai đoạn từ tháng 12/2008 đến tháng 1/2009, Công ty Diệp Bạch Dương đã vay thêm 67.000 lượng vàng SJC thông qua 3 hợp đồng tín dụng tại Agribank, cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.

Theo Agribank TP.HCM, tổng số tiền công ty này trả nợ từ khi vay đến thời điểm chuyển đổi dư nợ sang tiền VNĐ là hơn 6.000 lượng vàng. Toàn bộ dư nợ gốc còn lại hơn 66.600 lượng được 2 bên thống nhất chuyển đổi sang tiền VNĐ trị giá 2.928 tỷ đồng. Sau một vài lần thanh toán, nợ gốc và lãi đến ngày 30/4/2017 lần lượt là 2.912 tỷ và 1.848 tỷ đồng.

Đại diện ngân hàng cho biết số nợ lãi phát sinh nói trên do từ thời điểm vay vốn công ty Diệp Bạch Dương mới trả lãi vay đến ngày 5/1/2010, thời gian chưa trả lãi đến 30/4/2017 lên tới 7 năm 4 tháng. Vì vậy, số nợ lãi còn tồn đọng chưa trả là hơn 9.100 lượng vàng và 1.514 tỷ đồng, tương đương 1.848 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Diệp Bạch Dương cho rằng việc quy đổi dư nợ sang VNĐ tại thời điểm giá vàng cao khiến công ty khó khăn trong việc trả nợ.

Công ty này đề xuất một số phương án trả nợ gốc theo dư nợ chuyển đổi là 2.928 tỷ nhưng xin miễn toàn bộ lãi vay. Tuy nhiên, đến nay 2 bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết và đã chuyển đổi thành nợ xấu.

Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra vi phạm của Agribank TP.HCM trong việc giải ngân cho Công ty Diệp Bạch Dương vay hơn 3.700 tỷ đồng dư nợ đến ngày 31/12/2012.

Mới đây, Bộ Công an đã tách vụ án Agribank TP.HCM cho Công ty Diệp Bạch Dương vay vàng để điều tra riêng. Theo cơ quan điều tra, hiện với dư nợ 5.244 tỷ đồng trong khi tài sản đảm bảo chỉ có giá 2.168 tỷ, Agribank TP.HCM không có khả năng thu hồi hàng nghìn tỷ và có dấu hiệu mất vốn.

Bán siêu xe, ra nước ngoài định cư
Không chỉ vướng vào các khoản nợ ngân hàng, doanh nghiệp của bà Diệp còn thường xuyên phát sinh các khoản nợ thuế hàng chục tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM.

Trong đó, giữa năm 2019, Cục Thuế TP.HCM đã bêu tên Công ty Diệp Bạch Dương là một trong những doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất địa bàn thành phố. Trong đó, công ty này nợ tới 36 tỷ đồng tiền thuế và nhiều lần bị bêu tên nhưng chưa chịu thanh toán.

Trong suốt thời kỳ 2014 - 2019, trước hàng loạt tin tức bất lợi về nợ nần, bà Diệp luôn tự tin vào khả năng thanh toán của mình.

"Ngoài tài sản trên giấy tờ gần 10.000 tỷ đồng, doanh thu chính lâu nay của tôi còn từ cho thuê nhà và một phần tiền của cá nhân và con gái cho công ty mượn vốn để hoạt động", bà Diệp nói năm 2014.

Thậm chí, nữ đại gia còn cho biết ngay trong năm đó sẽ bán bớt tài sản tại Việt Nam, nghỉ ngơi và dự định cuối năm 2015 qua định cư với con, cháu ở nước ngoài.

Về chiếc siêu xe biển số tứ quý 7, nữ doanh nhân gốc Bình Định cho biết vài năm sau khi mua xe, bà dần ít sử dụng vì quá nhiều điều tiếng xung quanh. Năm 2014, chủ nhân cho biết xe chủ yếu nằm trong garage ở nhà riêng trên đường Lê Văn Hưu.

"Sau khi giải quyết mọi việc, làm thủ tục ra nước ngoài định cư, tôi sẽ tiến hành đấu giá chiếc xe này lấy tiền làm từ thiện", bà Diệp nói khi đó.

Liên quan tới vụ án hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM, kết luận điều tra cho biết năm 2007, Trung tâm này xuống cấp nên đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương hợp tác đầu tư và nâng cấp.

Bà Diệp sau đó đề nghị hoán đổi khu đất 185 Hai Bà Trưng (địa chỉ của Trung tâm ca nhạc nhẹ) bằng việc xây dựng trụ sở mới tại khu đất 57 Cao Thắng (quận 3, TP.HCM). Đề nghị này được phía Trung tâm ca nhạc nhẹ chấp thuận.

Tháng 2/2008, bà Diệp làm đơn xin hoán đổi 2 khu đất trên nhưng UBND TP.HCM không chấp nhận.

Trong thời gian này, bà Diệp thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Agribank TP.HCM để vay vàng nhưng không thông báo cho Trung tâm ca nhạc nhẹ.

Sau khi được chấp thuận hoán đổi 2 tài sản trên, bà Diệp lại mang quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank), nhưng không rút thủ tục thế chấp tài sản 57 Cao Thắng tại Agribank TP.HCM để bàn giao cho Trung tâm ca nhạc nhẹ.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của bà Diệp đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok