Thảo luận về nội dung này, đa số các ĐBQH đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Các đại biểu cũng cho rằng, việc Việt Nam tham gia công ước nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và hướng tới chuẩn mực cao nhất của thế giới, trong thị trường hiện đại đó có thị trường rất quan trọng, rất đặc biệt đó là lao động. Theo đó, thị trường lao động không phải được điều chỉnh bởi một cá nhân mà còn bởi cơ chế thương lượng tập thể giữa 2 bên tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động.
Do đó, tham gia vào công ước này chính là chúng ta xây dựng khung khổ pháp luật nhằm bảo đảm cho quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ cho các tổ chức cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng.
|
Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao về chủ trương gia nhập Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, hồ sơ gia nhập Công ước số 98 đã cơ bản đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết gia nhập Công ước 98, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đến thời điểm này không chỉ là sự cần thiết mà chúng ta phải gia nhập sớm Công ước số 98 vì 4 lý do:
Một là, đáp ứng vai trò thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế.
Hai là, bảo đảm thực thi thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU.
Bốn là, Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã gia nhập đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 đòi hỏi Việt Nam chúng ta phải tuân thủ theo Điều 2 của Công ước 98.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật bảo đảm tương thích với Công ước số 98, ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị: Chính phủ làm rõ hơn về quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn quy định về tài chính của Công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 2 Công ước số 98 hay không? Bởi, theo đại biểu, việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng 2% trên tổng quỹ tiền lương so với Điều 2 Công ước số 98 là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn.
Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tại khoản 1 Điều 5 của Luật Công đoàn quy định: "Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập và gia nhập công đoàn". Theo phân tích của ĐB Bùi Sỹ Lợi, quy định này không có sự phân biệt, tách bạch rõ từng loại lao động. Người lao động bình thường và các nhóm khác cũng là người lao động nhưng lại đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động. Điều này được hiểu là trong doanh nghiệp, cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều là người lao động và là đoàn viên công đoàn.
Quy định này có bị coi là hành vi chi phối của người sử dụng lao động với tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 2 Công ước 98 hay không? Tức là chủ sử dụng lao động vừa là đoàn viên công đoàn nhưng có quyền được xét kỷ luật đoàn viên công đoàn của mình. Điều này được coi là hành vi chi phối của người sử dụng lao động, ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.
Cho rằng, Công ước số 98 không liên quan trực tiếp đến Luật Công đoàn nhưng là “cặp song sinh” với Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và quyền được tổ chức. Vì vậy, theo đại biểu, nếu gia nhập Công ước 98 thì phải sửa Luật Công đoàn.
Từ phân tích trên, ĐB Bùi Sỹ Lợi nêu kiến nghị, tại thời điểm này, Công ước số 98 cơ bản tương thích với Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nhưng nếu sửa Bộ luật Lao động thì có thể có một số nội dung hoàn toàn không còn tương thích với 2 Bộ luật này và một số pháp luật khác có liên quan như: các nội dung về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và trình tự, thủ tục đình công. Do đó, Chính phủ cần có kế hoạch xem xét để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng Luật Tố tụng lao động để bảo đảm hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua Tòa án là chủ yếu bởi đây là vấn đề đã được công đoàn đề nghị rất lâu. Ngoài ra, cần phải đẩy nhanh tiến độ gia nhập 2 Công ước còn lại, đó là Công ước số 87 và Công ước số 105, ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị.
Tác giả: Hà An
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử