Du lịch

Đặc sắc Lễ hội Pháo hoa mừng chiến thắng nơi phố núi

Hàng năm, vào ngày mùng 2/2 âm lịch, người dân địa phương và du khách gần xa lại tổ chức, trẩy hội Pháo hoa – Lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Đây là lễ hội mừng chiến thắng khao quân của vị tướng Nùng Trí Cao sau khi đánh tan quân xâm lược, trấn ải biên thùy ở thế kỷ XI.

Múa rồng tại Lễ hội Pháo hoa thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng)

Nét đặc sắc nhất của hội Pháo hoa là màn tranh cướp đầu pháo, đội nào tranh được đầu pháo sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc cả năm và đem lại vinh dự cho xã mình.

Lễ hội Pháo hoa tại thị trấn Quảng Uyên được diễn ra trong 2 ngày (1 - 2/2 âm lịch) được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có ba phần là lễ khai quang, lễ tế thần và lễ rước thần. Lễ khai quang cho rồng (xin mở mắt cho rồng) được chuẩn bị từ chiều 29 tháng giêng.

Đến sáng mồng 2 tháng 2 âm lịch là lễ tế thần sáng, ban tổ chức đọc chúc văn trước đông đảo quần chúng nhân dân cầu xin 100 vị thần linh thiêng tại miếu Bạch Linh, đứng đầu là con rồng. Cuối cùng là lễ rước thần, gồm 4 đoàn kiệu, trong đó có kiệu rước ảnh Bác Hồ.

Tại miếu Bách Linh, đoàn tổ chức sẽ làm thủ tục thắp hương, sau đó dâng lễ lên các vị thần gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả để dâng hương, tế lễ. Lúc này, cụ cao niên có uy tín đọc chúc văn với sự chứng kiến của đông đảo quần chúng để cầu xin các vị thần linh, đứng đầu là con rồng phù hộ cho mọi người mạnh khỏe, may mắn, mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Sau đó, đoàn tiếp tục đi đến đền thờ Nùng Trí Cao và đền thờ Trần Hưng Đạo để làm lễ rồi mới rước rồng đi khắp các tuyến phố, các cơ quan trong khu vực thị trấn để chào mừng.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham gia

Ngay từ sáng sớm ngày mùng 1, tại khu vực sân vận động thuộc thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) dòng người đi trẩy hội tấp nập khắp các ngả đường đến Lễ hội Pháo hoa. Vào ngày này, các cụ cao niên khoác lên mình bộ quần áo truyền thống màu chàm, còn trẻ nhỏ theo cha mẹ mặc những bộ trang phục đẹp nhất để tham gia trẩy hội.

Ngày hội cũng là dịp gặp gỡ, hò hẹn của những đôi nam thanh, nữ tú; tổ chức hát các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian: đẩy gậy, kéo co, đi guốc ván, đánh cờ, thi đấu thể thao bóng rổ, cầu lông, bóng bàn... tất cả đều thu hút các tầng lớp nhân dân đến tham dự, vui chơi tại lễ hội.

Sau phần lễ, phần hội được tổ chức tại sân vận động thị trấn với nhiều chương trình, nội dung đặc sắc. Mỗi đội đại diện cho xã của mình gồm 17 xã, thị trấn đều quay một con lợn quay - đặc sản không thể thiếu của người dân địa phương.
Trong lễ hội, những màn múa hát giao duyên của đồng bào các dân, các điệu then tính, sli, lượn, giang, dá hai của các nghệ nhân văn nghệ quần chúng ở địa phương với bộ trang phục truyền thống dân tộc đã thu hút đông đảo du khách tham dự, thưởng thức.

Cụ Hoàng Văn Nam (72 tuổi) ở thị trấn Quảng Uyên cho biết: “Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên đã có từ nghìn năm nay. Khi chúng tôi còn nhỏ, ông bà kể lại Quảng Uyên là đất long chầu, hổ phụng, nhiều vị thần linh đến phù hộ đời sống người dân. Vì vậy, bà con nơi đây nhờ con rồng để cầu mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu và bình an cho mọi người. Nhân dân địa phương đời đời vẫn mang ơn vị tướng giỏi Nùng Trí Cao đã dẹp tan quân xâm lăng. Đời trước truyền đời sau, việc tổ chức lễ hội đã đi sâu vào tiềm thức, đời sống người dân chúng tôi”.

Đến buổi trưa ngày mùng 2/2 âm lịch, không khí lễ hội càng nhộn nhịp, mọi người đều tụ hội, chen chúc chật kín tại sân vận động chứng kiến những màn múa rồng. Tiếng trống, thanh la và tiếng hò reo, cổ vũ của du khách vang lên. Rồng thiêng nghiêng mình rồi vụt bay lên những vòng rộng khắp sân vận động, rồi lại lượn xuống, cuộn tròn 3 vòng đớp lấy hòn ngọc. Hai bên là đội múa lân, uyển chuyển, vui nhộn. Hàng nghìn con mắt, khuôn mặt vui tươi dõi nhìn rồng bay lên không trung lượn mấy vòng rồi lại lượn xuống.

Kịch tính, đặc sắc nhất là phần thi đấu tranh đầu pháo (vòng cầu phúc, may mắn màu đỏ), ai cũng hào hứng, hồi hộp chờ đợi. Theo tương truyền, người cướp đầu pháo là người tài giỏi, được Nùng Trí Cao lựa chọn để vào quân binh. Kiệu đầu pháo hoa được đưa ra, khi pháo hoa được đốt cháy cho vòng đầu pháo đỏ bay lên, hơn 40 thanh niên khỏe mạnh, cường tráng của các xã bước vào tranh đầu pháo. Cuộc thi đấu sôi nổi, quyết liệt vòng pháo được chuyển tay qua nhiều đội, đọ sức, đọ tài.

Được biết, từ năm 2008, Hội Pháo hoa Quảng Uyên được phục dựng lại theo đúng tính chất dân gian xa xưa, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương, thu hút được đông đảo công chúng đến với lễ hội.

Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên mang ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới, mở đầu cho mùa sản xuất nông nghiệp mới của cộng đồng, để cầu phúc, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng được bội thu. Lễ hội tồn tại trong tâm thức bao thế hệ người dân địa phương và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương để khám phá và cảm nhận những nét tinh túy, đặc sắc trong văn hóa các dân tộc Cao Bằng.

Tác giả bài viết: N.Vĩnh – M.Phượng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok