Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được áp dụng cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp cùng Bộ KH&ĐT, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề, hôm 26/9, tại TP Nha Trang.
Cần kiểm soát chặt về môi trường
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa - ông Phạm Quốc Đạt, cho rằng, về vấn đề sử dụng đất, dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định là 99 năm.
“Theo tôi có lẽ là hơi dài mà 50 năm thì hơi ngắn nên tôi đề nghị mức trung gian là 70 năm thì cũng phù hợp với thẩm quyền của Thủ tướng. Trong trường hợp muốn vượt quá cái này thì cũng nên đề nghị giao lại thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ”, ông Phạm Quốc Đạt nêu ý kiến.
Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hôm 26/9 |
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa cho rằng, trong dự thảo luật mới đề cập đến tổ chức của cơ quan tư pháp tố tụng mà chưa đề cập đến các tư pháp về hành chính như quốc tịch, hộ tịch: khai sinh, kết hôn, chứng tử…
“Cái này nó liên quan đến vai trò, tác động của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với các công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị hành chính như thế nào”, ông Đạt nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu cho biết, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một khuôn khổ pháp lý để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư, tạo ra sự phát triển về kinh tế - xã hội. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến Quốc hội sẽ quyết định luật này tại kỳ họp thứ V (tháng 5/2018). |
Về vấn đề môi trường, tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần có các tiêu chí về môi trường nghiêm ngặt.
“Trong toàn bộ hồ sơ trình lên của các nhà đầu tư thì cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vừa rồi chúng ta cũng có quy định, luật cũng có quy định nhưng mà báo cáo đánh giá tác động môi trường chúng ta coi nhẹ và gây nên rất nhiều hậu quả”, ông Đạt cảnh báo.
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - ông Nguyễn Hồng Vân thắc mắc, khi ra dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì sẽ tác động đến các luật khác như thế nào? “Ở đây xem hồ sơ, chúng tôi chưa thấy báo cáo đánh giá tác động”, ông Vân nói.
Ngoài ra, ông Vân thắc mắc, có những khu vực tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho nước ngoài thuê đất rất dài (dự kiến 99 năm) thì khi người dân về “thăm thân”, “giẫy mả”… có cần cấp hộ chiếu không?
“Tôi cho rằng, cần suy nghĩ thêm tác động của nó đến người dân, về nét văn hóa, về phong tục, tập quán, truyền thống”, ông Nguyễn Hồng Vân nói.
Bắc Vân Phong có thế mạnh gì?
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này đang nghiên cứu xây dựng phương án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích của huyện Vạn Ninh, với diện tích khoảng 111.000 ha. Trong đó, mặt đất khoảng 56.000 ha, mặt nước 55.000 ha, diện tích có thể xây dựng là 20.000 ha. Số đơn vị hành chính là 12 xã, 1 thị trấn, với dân số hơn 131.000 người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì buổi lấy kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt |
Trước đó, phương án Khánh Hòa đã đưa ra trình TƯ xem xét thì tổng diện tích chỉ khoảng 66.000 ha, trong đó có 19.000 ha đất liền và 47.000 ha mặt nước với 7 đơn vị hành chính xã, thị trấn.
Theo đó, dự kiến số vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cấp thiết khoảng 10.980 tỷ đồng. Hiện nay, Khánh Hòa đang thuê đơn vị nước ngoài tư vấn lập quy hoạch tổng thể.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Bắc Vân Phong là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á. Là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Từ Vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Vịnh Vân Phong có diện tích lớn, độ sâu trung bình từ 20-27m, tương đối kín và chắn gió tốt.
Nói về đánh giá của chuyên gia nước ngoài, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vị trí khu vực Bắc Vân Phong còn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia lớn như Mỹ, Châu Âu, UAE, quần đảo Cayman… tổ chức khảo sát và đánh giá cao khả năng hội đủ các điều kiện lý tưởng về địa lý để xây dựng, phát triển một Đặc khu hành chính - kinh tế từ năm 2012.
Tác giả: Viết Hảo
Nguồn tin: Báo Dân trí