Ngày 10/1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa làm việc với Quận ủy Ngũ Hành Sơn.
Tại đây, ông Lê Trung Chinh, Bí thư Quận ủy cho hay, địa bàn có 12 km bờ biển nhưng người dân qua các thế hệ gắn bó hàng trăm năm với biển, giờ hầu như không được hưởng lợi từ biển vì đất thành phố đã bán cho các doanh nghiệp xây dựng resort. "Thành phố nên xem xét những dự án chậm triển khai thì thu hồi để làm bãi tắm, công trình công cộng cho dân", ông Chinh nói.
Giải đáp kiến nghị thu hồi các dự án, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho biết dọc biển quận Ngũ Hành Sơn có 33 dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng. Khác với quận Sơn Trà, đất ven biển của Ngũ Hành Sơn đã giao hết cho doanh nghiệp.
"Người dân thiệt thòi vì bị ngăn cách với biển bởi hàng loạt dự án, kiến nghị của quận Ngũ Hành Sơn là xác đáng", ông Nam nói.
Ông Lê Trung Chinh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn nêu nhiều kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Giám đốc Sở Tài nguyên thông tin, việc giao hết đất ven biển cho doanh nghiệp được thực hiện từ năm 2006 đến 2013. Đến nay hầu hết dự án đã triển khai, một số chậm thì xin gia hạn. Theo quy định, nếu sau gia hạn 2 năm mà doanh nghiệp không triển khai dự án, chính quyền được thu hồi đất.
Vẫn theo ông Nam, từ năm 2006 đến 2016 việc gia hạn các dự án chậm triển khai bị thả nổi. "Bây giờ muốn thu hồi đất thì theo quy định phải kiểm tra và yêu cầu phía doanh nghiệp gia hạn, nếu họ không gia hạn trong vòng 15 ngày mới có quyền thu hồi. Hiện có 4 dự án chưa gia hạn nhưng các doanh nghiệp cũng đang làm thủ tục về việc này", ông nói.
Dự án chậm triển khai là cơ hội "sửa sai"
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn cho biết, việc cho phép các dự án gia hạn là theo Luật đầu tư. Khi hết thời hạn, Sở sẽ kiểm tra để lập kế hoạch thu hồi. Ông Sơn nêu quan điểm, thành phố cần kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai để lấy đất phát triển không gian công cộng.
Mở lối xuống biển nhỏ ở những điểm tiếp giáp giữa hai dự án với nhau, như cách thành phố đang làm hiện nay, theo ông ông Sơn là không phù hợp, mà cần mở rộng từ các trục đường chính kết nối với biển mới tạo động lực phát triển du lịch và các khu vực dân cư phía trong.
"Nhiều chuyên gia cho rằng thời gian qua các nhà đầu tư đã đánh cắp không gian cộng cộng ven biển của người dân mà không nộp một đồng thuế nào hết. Nên chúng ta phải có biện pháp tạo ra không gian công cộng cho người dân địa phương, phải làm quyết liệt", ông Sơn nói.
Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu thu hồi các dự án chậm triển khai làm nơi công cộng cho dân. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặt câu hỏi: "33 dự án kín hết 12 km bờ biển của dân mà chúng ta không có biện pháp quản lý và điều chỉnh quy hoạch thì cứ chấp nhận sai hay sao?". Tự trả lời câu hỏi này, ông cho rằng doanh nghiệp chậm triển khai dự án chính là cơ hội để thành phố sửa sai.
"Giao đất đồng nghĩa với giao cả bờ biển như thế này thì hỏng", ông Nghĩa nói và yêu cầu Sở Tài Nguyên Môi trường rà soát dự án chậm triển khai để điều chỉnh quy hoạch, đưa các mục đích sử dụng công cộng ven biển cho dân. "Nếu không chúng ta chậm tiếp một bước và không gỡ được", ông nói thêm.
Trước khi bước vào phòng họp, Bí thư Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nhìn vệt bờ biển ngay tại danh thắng bị bịt kín bởi các tấm che tạm bợ của một dự án chậm triển khai, ông chỉ đạo thành phố phải kiên quyết thu hồi để giữ lại bờ biển tại vị trí này.
"Trước đây người dân và du khách nhắc đến Đà Nẵng là nhắc ngay đến danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nhưng Ngũ Hành Sơn mà không có biển thì không còn là Ngũ Hành Sơn nữa. Nên dự án ven biển đối diện với ngọn Thủy Sơn (một trong năm ngọn núi của Ngũ Hành Sơn) dứt khoát phải được giữ lại. Chúng ta sẽ làm một con đường ven biển 3-5m chỉ để đạp xe, đi bộ và xuống tắm biển", ông Nghĩa nói và giao cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm thông báo cho nhà đầu tư để tiến hành các thủ tục thu hồi.
Nên làm lối đi bộ thay vì mở rộng đường Võ Nguyên Giáp
Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh cũng kiến nghị thành phố cho mở rộng tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp ở ven biển, với lý do đây là trục chính nối Đà Nẵng và Hội An, hai bên đường có nhiều khách sạn và khu resort, mùa hè người dân và du khách tắm biển đông dẫn đến kẹt xe.
"Tuyến đường này đã làm một số hầm chui, lắp camera theo dõi an ninh nhưng cần phải mở rộng để đảm bảo an toàn giao thông", ông Chinh nói.
Phía trước danh thắng Ngũ Hành Sơn có một dự án đã triển khai và một dự án chậm triển khai đang đứng trước việc thu hồi. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc mở rộng tuyến đường ven biển này là chưa phù hợp. Không phải cứ xây dựng hạ tầng là giải quyết vấn đề về giao thông, mà phải có quy hoạch tổng thể, phân luồng từ xa để giảm tải ùn tắc.
Đồng quan điểm, Bí thư Trương Quang Nghĩa nói việc mở rộng đường Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp là không dễ, mà vấn đề hiện tại là phải tổ chức giao thông lại cho phù hợp. Thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch và trong đó sẽ có điều chỉnh về giao thông.
"Chúng ta nên nghiên cứu làm hầm xuyên qua đường, hoặc làm cầu vượt phía trên dành cho người đi bộ. Làm sao để đến năm 2020 không còn người đi bộ qua tuyến đường du lịch này nữa, khi đó vừa đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, vừa bớt cảnh ách tắc giao thông", ông Nghĩa nói.
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress