Xã hội

Đà Nẵng: Cần làm rõ dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng mua máy thở ở 2 bệnh viện lớn

Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của ngành y tế là mua sắm các trang thiết bị, mục đích cuối cùng để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ có chất lượng và đúng với giá trị thực.

Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị y tế công thời gian qua, hiện tượng đội giá mua sắm từ những quyết định thiếu trách nhiệm của người đứng đầu, hay sự vi phạm nghiêm trọng các quy định trong luật Đấu thầu của từng ê-kíp thực hiện gói thầu đã gây ra những hậu quả đáng buồn.

Bài học của vụ Việt Á, vụ bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Tim Hà Nội, CDC Hải Dương, CDC Hà Nội… vẫn còn đó.

Theo nghiên cứu tìm hiểu, 2 bệnh viện là bệnh viện Đà Nẵng và bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng trong năm 2020 đã mua sắm máy thở thông qua hình thức đấu thầu có giá khác nhau và chênh lệch so với giá nhập khẩu hàng tỷ đồng.

Cụ thể, trong gói thầu của bệnh viện Đà Nẵng, chiếc máy giúp thở đa năng Model: Carescape R860; hãng sản xuất: GE Healthcare (Datex Ohmeda) – Mỹ được mua với giá là 685.000.000 đồng/cái. Còn theo tư liệu PV có được, giá nhập khẩu về đến Việt Nam chỉ 13.200 USD (khoảng 309.705.000 đồng/máy), thấp hơn 375.295.000 đồng/máy. Thời điểm nhập khẩu gần với thời điểm thực hiện gói thầu.

Bảng so sánh giá do PV thực hiện

Với số lượng 10 máy được mua sắm tại gói thầu thì số tiền chênh lệch là 3.752.950.000 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ, bảy trăm năm mươi hai triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Quyết định số 41/QĐ-BVĐN ngày 4/2/2020 do Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân phê duyệt.

Gói thầu này được Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân phê duyệt theo Quyết định số 41/QĐ-BVĐN. Đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần Thiết bị y tế Ánh Sao với giá trúng thầu 6.850.000.000 đồng. Tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu cũng khá thấp, chỉ đạt 0,72% (tức 50.000.000 đồng so với giá dự toán).

Bệnh viện Đà Nẵng mua máy giúp thở đa năng Carescape R860 với giá 685.000.000 đồng/máy.

Tháng 12/2020, bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng mua 10 máy thở kí hiệu Carescape R860, xuất xứ ở Mỹ, đơn giá là 860.000.000 đồng/1 cái. Thiết bị được mua sắm theo Quyết định số 1746/QĐ-BVPSNĐN, Giám đốc bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng TS.BS Trần Đình Vinh ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam.

Gói thầu có giá dự toán 8.850.000.000 đồng (Bằng chữ: Tám tỷ, tám trăm năm mươi triệu đồng), giá trúng thầu 8.200.000.000 đồng (Bằng chữ: Tám tỷ, hai trăm triệu đồng).

Quyết định số 1746/QĐ-BVPSNĐN ngày 9/12/2020.

Nếu so với giá nhập khẩu như đã nói ở trên, số tiền chênh lệch là 550.295.000 đồng/máy, bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có thể mua “đắt” 5.502.950.000 đồng (Hơn 5,5 tỷ đồng) khi mua với số lượng 10 máy.

Cần lưu ý rằng, giá thiết bị y tế cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo, vận chuyển, truyền thông...

Để làm rõ nguyên nhân của sự chênh lệch giá máy thở, PV đã liên hệ 2 bệnh viện này tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện “thổi giá”, “đẩy giá” để trục lợi, chia chác như câu chuyện đáng buồn từng xảy ra ở một số đơn vị y tế công lập khác. Nhưng để minh bạch việc sử dụng nguồn vốn ngân sách trong lĩnh vực mua sắm công, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần xem xét lại việc thẩm định giá trang thiết bị.

Nếu giá mua sắm là đúng thì cũng là cách để “minh oan” cho chủ đầu tư, nhà thầu trong những nghi ngờ của dư luận. Còn nếu sai, phát hiện sớm sẽ xử lý kịp thời và thỏa đáng, tránh việc nguồn ngân sách bị đục khoét.

Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tác giả: Vũ Hạnh - Thuận Nguyễn

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok