Kinh tế

Đà Nẵng cần làm gì để trở thành trung tâm nguồn nhân lực và thiết kế vi mạch bán dẫn toàn cầu?

Không có nhiều lợi thế về quỹ đất, Đà Nẵng nên định hướng phát triển thành trung tâm về nguồn nhân lực cũng như thiết kế vi mạch bán dẫn toàn cầu; tập trung thu hút đầu tư hình thành những trung tâm R&D hàng đầu về thiết kế vi mạch.

Tập trung vào thiết kế vi mạch

Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 9 vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện".

Đặc biệt, trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác mới về bán dẫn nhằm hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững, linh hoạt cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ TT&TT), TP. Đà Nẵng có môi trường tuyệt vời để thu hút nhân tài thế giới, ngoài ra có thể xây dựng địa phương này trở thành một trung tâm nguồn nhân lực và thiết kế vi mạch bán dẫn toàn cầu.

TP. Đà Nẵng có thể trở thành một trung tâm nguồn nhân lực và thiết kế vi mạch bán dẫn toàn cầu. Ảnh: T.V

Theo đó, TP. Đà Nẵng là một trong những trung tâm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) lớn của Việt Nam và khu vực, nhiều doanh nghiệp CNTT; lực lượng lao động CNTT trình độ tiên tiến, nhiều trường đại học đào tạo CNTT.

Hiện, Đà Nẵng có hệ thống cơ sở đào tạo CNTT như: Đại học Bách khoa, Đại học Duy Tân, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Sư phạm, ĐH Đông Á hay Cao đẳng Công nghệ thông tin, Cao đẳng FPT Polytechnic…

Với diện tích nhỏ, dân số ít, Đà Nẵng không nên chọn cách tiếp cận như TP. HCM, Bắc Ninh là thu hút các công ty nước ngoài thành lập nhà máy sản xuất bán dẫn.

Từ đó, TS Tuyên đề xuất, địa phương này tập trung vào những thị trường ngách như: Analog, IC; lựa chọn phân khúc và thị trường và công nghệ phù hợp; định hướng hình thành những phòng nghiên cứu, phát triển (R&D) về thiết kế vi mạch…

Để trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn toàn cầu, Đà Nẵng phải sẵn sàng, chủ động đón đầu làn sóng các "đại bàng" Mỹ như: Qualcomm, Synopsys, Marvell, Nvidia đến Việt Nam.

"Địa phương phải tìm cách mời gọi các doanh nghiệp trên về Đà Nẵng để xây dựng chương trình đào tạo; đàm phán sử dụng các phần mềm thiết kế vi mạch của họ để nhanh chóng có đội ngũ nhân lực làm được thiết kế vi mạch", TS Tuyên nói.

Để thu hút đội ngũ kỹ sư CNTT nước ngoài đến Đà Nẵng làm việc, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông cho rằng, Đà Nẵng cần định hướng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch về bán dẫn của khu vực; nơi hấp dẫn của các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào trung tâm thiết kế vi mạch; thu hút đội ngũ chuyên gia nhà khoa học của các nước tiên đến, đặc biệt là Mỹ.

Chủ động đón sóng đầu tư những "ông lớn" ngành bán dẫn

Từ 17/9 - 23/9, đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm này, nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam đã kí ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới về bán dẫn.

Trong đó, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Synopsys (công ty thuộc S&P 500 - dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn) về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

TP. Đà Nẵng là một trong những trung tâm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin lớn của Việt Nam và khu vực. Ảnh: T.X

Synopsys còn ký kết hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT) về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

TS Tuyên nhìn nhận, những động thái trên là nền tảng, cơ hội rất lớn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp quan trọng của toàn cầu này. Bởi Hoa Kỳ đang là siêu cường về bán dẫn thế giới, có nhiều lao động trình độ cao; các công ty lớn của Hoa Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa, cơ cấu lại chuỗi cung ứng, mở rộng đầu tư.

"Những đơn vị này khó mở rộng sản xuất trong nước vì chi phí tại Hoa Kỳ cao, cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, khi mở rộng chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đa dạng hóa thị trường đầu tư, lựa chọn các điểm đến mới ngoài những thị trường quen thuộc như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc", TS Tuyên cho hay.

Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ - Việt Nam trở thành "Đối tác Chiến lược Toàn diện", nhiều "ông lớn" trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển tại thị trường mới Việt Nam.

"Hiện, 75% chip bán dẫn vẫn đang là loại chip 28nm và cao hơn, thị trường này vẫn còn nhiều dư địa, doanh thu lớn và Việt Nam có thể tiếp cận những công nghệ về loại chip bán dẫn này", TS Tuyên thông tin.

Ở Việt Nam, công nghiệp điện tử bán dẫn đang hiện diện ở 3 trung tâm gồm: khu vực phía Bắc là các vệ tinh xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang; khu vực phía Nam có TP. HCM và một trung tâm khác ở miền Trung là Đà Nẵng.

Việt Nam đứng trong top 10 nước về xuất khẩu các thiết bị liên quan đến điện tử, máy tính, năm 2022, Việt Nam đứng thứ 2 về di động, thứ 8 về các thiết bị về máy tính…

"Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang giảm, thậm chí năm 2023, chúng tôi dự báo sẽ tăng trưởng âm do gặp vấn đề về tăng trưởng công nghiệp điện tử bán dẫn", TS Tuyên nói.

Đáng nói, công nghiệp điện tử bán dẫn Việt Nam chủ yếu tập trung trong khối doanh nghiệp FDI và những khâu có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói… Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn có những yêu cầu đặc thù như: vốn, đất đai… Vì vậy, muốn trở thành một mắt xích quan trọng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu phải xem xét lại lợi thế và có quy hoạch định hướng cho lĩnh vực này.

"Việt Nam vẫn chưa sản xuất bất kỳ chất bán dẫn nào trong nước, ngay cả những con chip "make in Vietnam" đầu tiên cũng được sản xuất tại nước ngoài", TS Tuyên chia sẻ thêm.

Tác giả: NGUYỄN TRI

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok