Trong bức thư viết tay, ông Đan cho biết, mình theo dõi sát vụ án này và khẳng định việc truy cứu trách nhiệm hình sự ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc và Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Vũng Tàu – Maria là oan sai.
Chiếc ca nô bị nạn trên vùng biển huyện Cần Giờ
Ngày 4/9/2013, ông Vũ Văn Đảo bị PC44 - Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM, khởi tố tạm giam về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo điều 214, Bộ luật hình sự.
Theo ông Đan, nguyên nhân: “Do ông Đảo có hành vi làm giám đốc công ty đóng ra con canô BP 12-04-02 chở quá người gây tai nạn ngày 2/8/2013 trên biển Cần Giờ, làm 9 người chết”.
“Có lẽ do áp lực trước tai nạn nghiêm trọng phải tìm ra người chịu trách nhiệm. Vì tài công cũng tử vong, không thể khởi tố, nên PC44 đã khởi tố “nhầm” sang ông Vũ Văn Đảo là người sản xuất tàu”, ông Đan viết.
Theo phân tích của cựu thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an Bà Rịa – Vũng Tàu, ca nô BP 12-04-02 đã được bán cho Biên phòng Vũng Tàu, Đăng kiểm Hải quân đã cấp giấy kiểm định. Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc không phải là chủ sở hữu làm sao có quyền điều động? Làm sao có thể mắc tội danh điều động phương tiện theo điều 214, Bộ luật hình sự.
Ngày 30/10/2013, Cục Hàng hải Việt Nam có báo cáo kết luận nguyên nhân vụ tai nạn chìm ca nô ở huyện Cần Giờ do: Ca nô chở người quá 2,5 lần cho phép, hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép, tài công điều khiển chưa phù hợp với tình huống thực tế.
Đây là lỗi của người điều khiển phương tiện, lẽ ra sau gần 2 tháng tạm giam Vũ Văn Đảo, khi có kết luận này phải đình chỉ vụ án và thả Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc. Nhưng cơ quan điều tra vẫn cố tình không hiểu, vẫn giam đến 9 tháng mới tạm tha. Sau đó vẫn ra kết luận điều tra, VKS vẫn ra cáo trạng truy tố.
Nhưng Tòa án TP.HCM không xử, 2 lần trả hồ sơ. Ngày 17/7/2015 trả hồ sơ lần 2 có yêu cầu giám định xem ca nô có bảo đảm an toàn không? Sau đó thì PC44 tạm đình chỉ vụ án, chờ kết luận giám định.
Ngày 19/11/2015, kết luận giám định của Bộ GTVT đã không kết luận là ca nô không an toàn. “Như vậy thì quá đủ căn cứ để đình chỉ vụ án”, ông Đan nêu.
Người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn khi ông Vũ Văn Đảo đang vướng vòng tố tụng 3 năm nay mà không có hồi kết.
Theo cựu thủ trưởng cơ quan điều tra, ông Vũ Văn Đảo đã nhiều lần yêu cầu PC44 đình chỉ vụ án, nhưng càng yêu cầu càng tuyệt vọng.
“Tôi thấy chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lên tiếng mới đủ mạnh để phá vỡ sự im lặng của cơ quan cảnh sát điều tra, của anh Phan Anh Minh – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PV) về vụ này”.
Vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM đến nay đã kéo dài hơn 3 năm và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Sau khi tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can để giám định tư pháp, khi có kết quả giám định, cơ quan điều tra vẫn không phục hồi điều tra vụ án, hay đình chỉ bị can.
Nhiều tổ chức, nhiều chuyên gia pháp luật lên tiếng về nghi vẫn oan sai trong vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.
Họ gửi thư, kiến nghị đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nhưng đến nay tất cả vẫn chìm trong im lặng./.
Diễn biến vụ án:
- Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu - Maria bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
- Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.
- Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.
- Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.
Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.
- Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.
- Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.
Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.
- Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.
Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định.
- Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định vụ án.
- Sau kết luận giám định đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM vẫn đang “treo án”.
Tác giả bài viết: Việt Đức