Pháp luật

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế: Tử hình là mức án nghiệt ngã

Sau khi Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, bị cáo Phạm Trung Kiên đã ngậm ngùi cho biết tử hình vẫn một mức án nghiệt ngã và xin được HĐXX xem xét giảm án.

Chiều ngày 21/7, tiếp tục phần đối đáp tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu, HĐXX đã cho phép bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế tiếp tục nêu ý kiến để bào chữa về hành vi và mức án đề nghị của mình.

Theo đó, bị cáo này tiếp tục khẳng định mình không tìm cách gây khó khăn, cản trở quá trình cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp nhằm yêu cầu các doanh nghiệp phải chi tiền cho mình.

Phạm Trung Kiên cho biết trong thời gian tổ chức các chuyến bay giải cứu, lãnh đạo các Bộ trong Tổ Công tác 5 Bộ có một trong chung trên nền tảng Viber.

Mỗi lần Bộ Ngoại giao gửi văn bản xin ý kiến các Bộ khác về việc cấp phép chuyến bay, Thứ trưởng Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) đều trực tiếp nhắn tin thông báo trên nhóm, đề nghị các Bộ quan tâm, sớm có văn bản trả lời. Đến thời hạn trả lời, Thứ trưởng Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng lại nhắn tin để giục các Bộ nếu chưa có văn bản trả lời.

“Như vậy, gần như bị cáo không thể làm tác động để làm chậm tiến độ giải quyết việc cấp phép chuyến bay, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”, Kiên giải thích.

Về việc nhận tiền của các doanh nghiệp, Kiên vẫn khẳng định rằng mình không có hành vi yêu cầu doanh cầu doanh nghiệp phải đưa tiền với mức chi cụ thể.

Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên tòa.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Phạm Trung Kiên cho biết trong ngày hôm nay và ngày mai (21 và 22/7) gia đình bị cáo sẽ đóng hết toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả còn thiếu, đảm bảo khắc phục đủ 42,6 tỷ đồng mà Kiên đã nhận hối lộ.

Bên cạnh đó, Kiên cho biết trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bị cáo thường xuyên đi công tác, cùng lãnh đạo Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng chống dịch ở nhiều địa phương, sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Quá trình công tác trước đó cũng đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của nhiều Bộ, ngành khác nhau.

Về nhân thân, Kiên cho biết có bố đẻ là thương binh, từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Bố vợ là thương binh, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Đặc biệt, Kiên cũng cho rằng mình cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trong quá trình điều tra vụ án và xét xử.

Trên cơ sở đó, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị HĐXX xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ để giảm án so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát.

“Tử hình vẫn là một mức án nghiệt ngã trong cuộc đời, bị cáo mong HĐXX khoan hồng để bị cáo có cơ hội để trở về. Còn bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình và xin nhận lỗi trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Kiên ngậm ngùi nói.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của các luật sư cho bị cáo Phạm Trung Kiên. Theo đó Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố với Phạm Trung Kiên, trong đó có đề xuất mức án tử hình.

Cơ quan công tố cho rằng hành vi của các bị cáo nói chung, trong đó có Phạm Trung Kiên đã làm mất đi tính nhân đạo của những chuyến bay đưa công dân về nước, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Nhà nước, phản bội sự cố gắng của cả đất nước.

Việc các luật sư đặt vấn đề số tiền 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ là lớn hay nhỏ phụ thuộc vào “hoàn cảnh mỗi người” và không lớn nếu chia cho 30.000 kiều bào hồi hương, đại diện Viện Kiểm sát bày tỏ "thật sự rất phẫn nộ", do các quan điểm của luật sư thể hiện sự thờ ơ vô cảm với nỗi đau của đồng bào trong dịch bệnh, với mất mát của nhân loại toàn thế giới.

Về việc các luật sư cho rằng Phạm Trung Kiên không có chức vụ quyền hạn rõ là gì trong Bộ Y tế để gây ảnh hưởng lên quyết định duyệt hay không duyệt chuyến bay, không phải thư ký thứ trưởng, do đó không thảo mãn đủ các yếu tố tội Nhận hối lộ, cơ quan công tố khẳng định Kiên là người có chức vụ quyền hạn và trực tiếp tham gia một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. Nếu Kiên không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, khi có phê duyệt của Thứ trưởng nhưng giữ lại, không đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao thì vẫn ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp phép.

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok