Vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân sốc tim rất nặng, huyết áp tụt thấp và mạch rời rạc. Sau 5 phút nhập viện, dù được hồi sức tích cực ngay nhưng người bệnh xuất hiện ngừng tim, các bác sĩ kích hoạt quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn. Cứ sau mỗi lần cấp cứu, tim chỉ đập được 3-5 phút rồi lại ngừng trong gần một tiếng.
Ê kíp y bác sĩ chức mừng bệnh nhânhồi phục. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Gia đình có ý định xin cho người bệnh về, song các bác sĩ khuyên "còn nước còn tát". Sau 6 lần cấp cứu ngừng tim, một cuộc hội chẩn đã diễn ra giữa các chuyên khoa. Người bệnh được chuyển thẳng lên phòng can thiệp tim mạch với tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn tối đa, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều rất cao.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tổn thương nặng 3 thân động mạch vành, trong đó có nhánh động mạch vành phải tắc hoàn toàn. Bệnh nhân được đặt stent khẩn trương tái thông dòng máu cấp nuôi cho tim và đặt máy tạo nhịp tạm thời. Tuy nhiên, sau can thiệp người bệnh tiếp tục ngừng tim lần thứ 7, bác sĩ cấp cứu ngừng tim trong 10 phút. Khi có tim đập trở lại, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị.
Sau 24 giờ liên tục hồi sức tích cực, những tín hiệu của sự sống phục hồi dần. Các thuốc vận mạch được giảm liều, chức năng thận dần hồi phục. Đặc biệt, khi dừng thuốc an thần bệnh nhân bắt đầu có đáp ứng đau khi kích thích.
Sau 3 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, kết thúc lọc máu. Ngày thứ 5, tình trạng hô hấp, huyết áp ổn định, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không có di chứng thần kinh nào mặc dù thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.
Tác giả: Thùy Dung (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn