Ngày 14/5, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử ông Phan Minh Nguyệt (56 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển Nông nghiệp Hà Nội - HADICO) về tội Tham ô tài sản, theo Điều 278 và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281, Bộ Luật hình sự 1999.
Bà Nguyễn Thị Huyền Hảo (41 tuổi, cựu kế toán trưởng HADICO) cũng bị xét xử về hai tội danh trên. Các bị cáo Đỗ Văn Hảo (63 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc HADICO), Dương Thị Chinh (55 tuổi, cựu kế toán chi nhánh HADICO), Đặng Thị Thanh Tâm (56 tuổi, cựu giám đốc xí nghiệp vườn quả Từ Liêm - chi nhánh HADICO) bị cáo buộc phạm tội theo Điều 281.
Riêng bị cáo Nguyễn Trọng Hùng (36 tuổi, nguyên giám đốc công ty Bắc Hà - chi nhánh HADICO) bị cáo buộc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999.
Theo cáo buộc, khi là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc HADICO (2005-2014), ông Nguyệt đã chỉ đạo cấp dưới Hảo, Tâm, Văn Hảo phá dỡ dãy nhà kho tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm để xây 114 gian nhà cùng 14 gian ki-ốt và cho thuê trái phép.
Số tiền do HADICO và xí nghiệp vườn quả (bà Tâm làm giám đốc) đã thu về gần 47 tỷ đồng. Ông Nguyệt đã chỉ đạo kế toán trưởng để ngoài sổ sách gần 18 tỷ đồng từ khoản tiền thu này để chi tiêu việc chung của công ty và cá nhân.
Cũng theo cáo buộc, ông Nguyệt chỉ đạo cấp dưới thu tiền trái phép từ nguồn cho thuê nhà ở tại Khu tập thể Lĩnh Nam và để ngoài sổ sách, kế toán 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, ông này còn yêu cầu các đơn vị thành viên tiết kiệm chi phí trong triển khai một số dự án để nộp về HADICO hơn 2,3 tỷ đồng và để ngoài sổ sách.
Tổng số tiền ông Nguyệt chỉ đạo thu, nhận từ ba nguồn trên là hơn 51 tỷ đồng.
Theo VKS, ngoài việc chỉ đạo kế toán Hảo để gần 18 tỷ đồng ngoài sổ sách, ông Nguyệt còn sử dụng cho cá nhân hơn 18 tỷ đồng từ tiền tạm ứng cho 12 người trong HADICO (những người này nhận tạm ứng hơn 30 tỷ đồng từ nguồn thu trên). Trước khi bị truy tố, đưa ra xét xử, gia đình bị cáo đã nộp hơn 34 tỷ đồng.
VKS cáo buộc, hiện ông Nguyệt còn chưa khắc phục cho HADICO gần sáu tỷ đồng.
Cũng trong thời gian giữ chức tại HADICO, ông Nguyệt đã chỉ đạo kế toán trưởng Hảo, Hùng (giám đốc công ty Bắc Hà) lập khống, hợp thức chứng từ rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất, bình ổn giá để chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng. Khi những vi phạm có dấu hiệu bị phát giác, ông Nguyệt đã chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng mua bán hàng hóa giả tạo để vay tiền ngân hàng và gom góp tiền cá nhân để hoàn lại cho HADICO hơn 25 tỷ đồng.
Trước khi bị truy tố, xét xử, số tiền ông Nguyệt còn chiếm đoạt là 14,9 tỷ đồng và hiện được gia đình bị cáo khắc phục toàn bộ.
Bị cáo Phan Minh Nguyệt tại tòa sơ thẩm. |
Cựu phó giám đốc Sở Nông nghiệp phủ nhận tham ô
Trước tòa, ông Nguyệt thừa nhận có sai phạm trong dự án xây dựng khu nhà ở, ki-ốt cho thuê ở Từ Liêm, song đó là xuất phát từ nhu cầu thực tế của cán bộ công nhân viên của HACICO.
Khai về sai phạm trong dự án khu nhà Thanh Trì, ông Nguyệt cho rằng đó là ý kiến đồng nhất của cả tập thể. Theo ông, HACICO đã họp và thống nhất cho cải tạo khu nhà ở tại Thanh Trì.
Tuy nhiên, khi chủ tọa chất vấn việc xây dựng có được phép hay không, ông Nguyệt cho rằng "lâu ngày không nhớ".
Các khoản tiền thu được từ cho thuê, ông Nguyệt khai chi phần lớn cho các phòng nghiệp vụ của HADICO để thực hiện các dự án do công ty đang tham gia thời điểm đó. Ông thừa nhận là người cho phép ứng tiền, song khai “không chi tiêu vào việc gì cá nhân”.
Ông Nguyệt cũng phủ nhận việc cáo buộc để gần 18 tỷ đồng thu được từ thuê nhà ngoài sổ sách. Song chủ tọa giải thích: "Bị cáo nhận thức thế này, tự lập sổ cá nhân, nội bộ công ty tự theo dõi là không đúng pháp luật và đó là hành vi để ngoài sổ sách". Mặt khác, chủ tọa cho hay, việc tạm ứng phải dựa trên các quy định pháp luật không chứ không phải là dựa vào các nhu cầu.
Về khoản tiền công ty Bắc Hà do Hùng chuyển, ông Nguyệt phủ nhận đó là hành vi tham ô. Theo bị cáo, khoản tiền đó là nhu cầu cần vốn của HADICO nên có thể lấy vốn từ chỗ này hay chỗ kia trong các đơn vị thành viên. Ông nói, tiền chuyển từ đơn vị thành viên về HADICO được dùng để trả nợ và thực hiện các dự án công ty đang tham gia.
Giữ vai trò thứ hai trong vụ án, bà Nguyễn Thị Huyền Hảo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại hành vi tham ô như cáo buộc. Theo bị cáo, biết việc để ngoài sổ sách khoản tiền gần 18 tỷ đồng thu từ cho thuê nhà là sai phạm, song bà làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Bà Hảo cũng biết việc ứng tiền là sai song khi đó được ông Nguyệt nói công ty có nhiều dự án đang triển khai, cứ tạm ứng xong, rồi sẽ hoàn lại cho HADICO. Vì vậy, khi các phòng, ban của HADICO trình lên, bà Hảo đã duyệt và đưa ông Nguyệt ký. "Khi duyệt có căn cứ không?", chủ tọa hỏi, "Thấy hợp lý thì bị cáo vẫn ứng để họ nhận tiền", bà Hảo trả lời.
Bị cáo Hảo đề nghị tòa xem xét cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ số tiền hơn 47 tỷ đồng thu từ thuê nhà vì "chỉ sai ở phần thu để ngoài sổ sách gần 18 tỷ đồng".
Về khoản hơn 40 tỷ đồng của các đơn vị thành viên chuyển, theo bà Hảo, tiền này do các xí nghiệp quyết định và đó là quyền của họ. Bị cáo giải trình, tất cả các khoản tạm ứng từ nguồn tiền này đều có đối chiếu công nợ giữa HADICO và các xí nghiệp. "Tôi nghĩ việc đó giống như rút tiền và trả lại, nên đề nghị tòa xem xét lại tội danh tham ô", bà Hảo trình bày.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong hai ngày.
Tác giả: Việt Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress