Ngày 24-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 đã bước vào phần thẩm vấn.
Bị cáo Trần Tùng tại phiên toà. Ảnh: Phương Nguyễn |
Tại phiên toà, bị cáo Trần Tùng, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, khai trong quá trình công tác có quan hệ với Vũ Hồng Nam (cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã bị xét xử trong giai đoạn 1) và Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh, đã bị xét xử trong giai đoạn 1). Trước khi tổ chức các chuyến bay từ nước ngoài về Thái Nguyên thời điểm dịch COVID-19, Tùng có gặp Lê Văn Nghĩa để trao đổi các thủ tục để cách ly ở Thái Nguyên và trao đổi về giá tiền trọn gói cách ly cũng như số tiền chênh lệch.
"Con số trọn gói là 17-18 triệu đồng/người nhưng ghi theo hợp đồng là 10-12 triệu. Sau đó, Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, đến và tham gia vào việc đưa công dân về cách ly tại Thái Nguyên" - bị cáo Tùng khai.
Theo lời cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, Quyên có gặp Nghĩa để trao đổi về việc nhận đủ số tiền trọn gói là 18 triệu đồng/người từ Lê Văn Nghĩa. Sau đó, Quyên sẽ tổ chức các hoạt động cách ly.
Sau khi tổ chức các chuyến bay về nước, Trần Tùng nhận được từ Trần Thị Quyên hơn 2,9 tỉ đồng. Trên thực tế, Lê Văn Nghĩa chuyển cho Quyên hơn 11 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 6 tỉ đồng theo hợp đồng, hơn 4 tỉ đồng không theo hợp đồng.
Quyên chuyển cho Tùng hơn 2,4 tỉ đồng qua tài khoản ngân hàng của em trai và bạn của cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ này; còn hơn 1,98 tỉ đồng, Quyên đưa cho một số cá nhân và sử dụng phục vụ cách ly.
Tiếp đó, khi bị xét hỏi về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi phối hợp với doanh nghiệp - Công ty Fujitravel Nhật Bản do bà Bùi Thị Kim Phụng làm đại diện để tổ chức các chuyến bay đưa người từ Nhật Bản về Việt Nam, bị cáo Trần Tùng thừa nhận đã sai. Theo đó, công ty do bà Phụng làm đại diện chỉ có trụ sở ở Nhật Bản, nhưng trong các hợp đồng đưa người về nước là Công ty Én Việt tổ chức.
Việc thỏa thuận giá trọn gói mỗi công dân về nước cũng giống với công ty của ông Nghĩa (17-18 triệu đồng/người, song giá ghi trên hợp đồng chỉ là 11-12 triệu đồng/người). Với hành vi này, Trần Tùng lợi dụng chức vụ quyền hạn khi phối hợp với chủ doanh nghiệp thực hiện 7 chuyến bay, để hưởng lợi 3,27 tỉ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trần Tùng thừa nhận những lần cầm tiền và cho rằng, khi đó bị cáo không nhận thức được việc cầm tiền là sai. "Tổ chức cho công dân ở nước ngoài về cách ly tại Thái Nguyên, bị cáo thấy đây là cơ hội để kiếm tiền"- bị cáo Trần Tùng khai.
Bên cạnh đó, bị cáo cũng thừa nhận rằng trước khi thực hiện các công việc tổ chức cho công dân ở nước ngoài về Thái Nguyên cách ly, bị cáo có đi khảo giá các đơn vị khác, trên cơ sở đó tính toán để đưa ra con số, sao cho có thể kiếm lời. Vì vậy, bị cáo đã đưa ra con số để sau khi trừ đi các chi phí, dôi ra số tiền để có thể thành của riêng.
Liên quan đến vụ án, bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, thừa nhận việc cầm tiền theo chỉ đạo của Trần Tùng, nhưng không thỏa thuận chuyện tiền nong. Sau khi nhận tiền từ ông Nghĩa, bà Quyên sử dụng chi phí cách ly, số còn lại chuyển cho bị cáo Trần Tùng.
Theo lời bị cáo Quyên, được hưởng 300 triệu đồng, do bị cáo Tùng trả. Còn một khoản 300 triệu đồng định chi cho các anh em làm công tác thực hiện việc cách ly nhưng chưa chi và bị cáo đã nộp lại số tiền trên.
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: Báo Người lao động