Trong nước

Cựu Bộ trưởng chỉ căn nguyên yếu kém nằm… ngoài báo cáo

Lãnh đạo đương nhiệm của Bộ KH-ĐT không giải đáp được xác đáng những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được huy động hỗ trợ. Ông Vinh chỉ ra một nguyên nhân mà Bộ KH-ĐT “chưa dám đề cập trong báo cáo”.

Chiều 2/10, UB Kinh tế và UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo UB Kinh tế, UB Tài chính - Ngân sách chủ trì phiên giải trình.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong 9 tháng đầu năm 2016 và 9 tháng năm 2017 chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó tập trung vào 5 nhóm chủ yếu: quy định trình tự, thủ tục đầu tư công chặt chẽ hơn; thủ tục đầu tư xây dựng sau khi giao kế hoạch còn mất nhiều thời gian; thủ tục thanh quyết toán vốn có nhiều đặc thù; công tác giải phóng mặt bằng và năng lực quản lý; thời tiết mưa nhiều, bão lũ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tuy nhiên, những lý do được liệt kê không làm các đại biểu hài lòng vì đó mới chỉ là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan nào được đề cập.

Và dù đánh giá lạc quan về việc thực hiện luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại đề nghị sửa luật sau khi nêu 11 điểm vướng mắc.

Bày tỏ sự “hoang mang”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: “Chúng ta thấy rõ triển khai Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn có lúng túng, giải ngân chậm, có vi phạm của một số bộ và địa phương. Vậy đề nghị Bộ trưởng nói rõ nguyên nhân do đâu: do luật hay do việc tổ chức thực hiện? Nếu có hạn chế trong việc thực hiện thì trách nhiệm thuộc về ai, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đến đâu, của bộ, ngành, địa phương khác đến đâu?”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông thay Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi nhưng những kiến giải ông Đông đưa ra cũng không làm Phó Chủ tịch Quốc hội thỏa mãn. Ông Hiển đành nhờ nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích thêm.

Ông Vinh cho biết, sau khi nghỉ hưu, gặp nhiều người có thực tiễn trong công tác này thì ông hiểu ra, luật Đầu tư công ra đời trong bối cảnh đầu tư công dàn trải, mỗi năm khởi công mới mấy chục nghìn dự án, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nên một quy định được đưa ra trong luật là phải xác định được nguồn vốn mới quyết định đầu tư dự án, không còn chuyện “địa phương cứ làm dự án và hi vọng chạy được tiền”.

Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ KH-ĐT chỉ dự được phần đầu phiên giải trình.

Việc địa phương bố trí một ít vốn đối ứng cho mỗi dự án rồi lên trung ương “xin” làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng, vì thi công dự án chủ yếu là vay ngân hàng.

Với những quy định đó, luật đã giúp khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải. Năm 2017, cả nước chỉ có khoảng 11.000 dự án triển khai mới so với con số năm 2015 là hơn 29.000 dự án.

Tuy nhiên, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một lý do khiến việc giải ngân vốn chậm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chưa dám đề cập đến trong báo cáo”.

Đó là, việc luật Đầu tư công đặt ra những nguyên tắc ưu tiên trong bố trí vốn như trả nợ xây dựng cơ bản; đối ứng cho các dự án ODA, PPP... sau cùng mới tới dự án khởi công mới khiến các địa phương “lúng túng”, vì nguồn lực có hạn, mà trả nợ hết thì không có tiền khởi công mới. Bởi vậy, mới có chuyện địa phương lần lữa, dành phần trả nợ ít thôi, còn để chuyển sang các dự án khởi công mới.

Bộ trưởng KH-ĐT nhiệm kỳ trước Bùi Quang Vinh cho rằng có nguyên nhân Bộ "chưa dám đề cập trong báo cáo" mà đó là lý do khiến các địa phương lúng túng trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Dù chưa hẳn đã… thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhận định tích cực khi kết lại phiên giải trình: Việc ban hành Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến hết sức quan trọng và có ý nghĩa, tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất hoàn chỉnh để giám sát tính hiệu lực, hiệu quả của đầu tư công. Đây cũng là vấn đề mang tính lịch sử, chỉ ra được thẩm quyền, trách nhiệm, ngăn chặn được đầu tư phân tán, dàn trải, tùy tiện, duy ý chí...

Việc giảm nợ đọng xây dựng cơ bản rất nhanh cũng được Phó Chủ tịch đánh giá cao, bởi thời điểm ông là Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách, nợ trái phiếu Chính phủ có thời điểm lên tới trên 600.000 tỷ đồng, cao hơn hiện tại rất nhiều.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch vẫn lưu ý hạn chế thấy rõ trong việc phân giao vốn chậm (đến hết quý III của năm mà vẫn còn 194.000 tỷ đồng chưa được phân giao); giải ngân vốn chậm (thời điểm này mới giải ngân được 46% kế hoạch năm); vẫn có địa phương, bộ, ngành vi phạm; luật mới được 3 năm đã phải chỉnh sửa.

Để xảy ra tình trạng này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải thấy trách nhiệm của mình ở đây.

Ông Hiển cũng lưu ý, việc sửa Luật Đầu tư công cũng được yêu cầu phải thận trọng, bởi có khi điểm mắc lại không nằm ở luật này mà ở các luật khác.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok