Trong tỉnh

Cưỡng chế tại Cty CP May Thanh Hóa: Thêm một quyết định thông tin không chính xác

Liên quan đến việc ra quyết định cưỡng chế "khó hiểu" đối với công trình vi phạm của Cty CP May Thanh Hóa, mới đây UBND TP Thanh Hóa lại tiếp tục ra một quyết định khác. Điều đáng nói trong văn bản này lại có những điểm thông tin không chính xác.

Báo Công lý ngày 30/6/2018 có bài viết “Thanh Hoá: Quyết định cưỡng chế khó hiểu, phớt lờ sai phạm của doanh nghiệp” phản ánh việc vi phạm kéo dài không được xử lý dứt điểm tại Công ty Cổ phần May Thanh Hóa, có địa chỉ tại số 119 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

Bài báo đã nêu rõ những điểm “khó hiểu” liên quan đến Quyết định số 2750/QĐ-CCXP của UBND TP Thanh Hóa ban hành ngày 13/4/2018 về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình của Công ty Cổ phần May Thanh Hóa.

Mới đây UBND TP Thanh Hóa tiếp tục ra một quyết định khác có liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên điều đáng nói, trong quyết định này vẫn có những điểm không chính xác và bất hợp lý.

Phần diện tích đất vi phạm được UBND TP.Thanh Hóa ra quyết định cưỡng chế

Theo đó, ngày 4/6/2018, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân đã ra Quyết định 4404/QĐ-UBND phê duyệt phương án cưỡng chế, điều động các lực lượng chức năng với hàng trăm con người, phương tiện tham gia thực hiện, thời gian thực hiện cưỡng chế trước ngày 19/6/2018. Đối với Công ty Cổ phần May Thanh Hóa - đơn vị đã chấp hành và tiến hành nộp phạt theo quy định, thậm chí còn có văn bản yêu cầu các cấp chính quyền UBND TP Thanh Hóa hỗ trợ “cưỡng chế” chính các công trình vi phạm mà mình đang quản lý.

Tuy nhiên phương án cưỡng chế mà Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đưa ra đã chưa thể thực hiện được và nguyên nhân được biết là do “chưa xây dựng xong phương án bảo vệ cưỡng chế”.

Tiếp đó, vào ngày 27/6/2018, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa lại tiếp tục ban hành Quyết định 5214/QĐ-PDPACC sửa đổi, quyết định phương án, điều động lực lượng tham gia cưỡng chế đối với Công ty Cổ phần May Thanh Hóa, theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường Lam Sơn và Trưởng phòng Tư pháp TP Thanh Hóa. Quyết định được ban hành là vậy nhưng tới nay vẫn chưa có quyết định nào được thực thi và điều này một lần nữa lại khiến dư luận thắc mắc, đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn.

Văn bản điều chỉnh, quyết định phương án, điều động lực lượng tham gia cưỡng chế đối với Công ty Cổ phần May Thanh Hóa

Cũng trong Quyết định 5214/QĐ-PDPACC tại Điều 1 đã nêu: “Quyết định cưỡng chế đối với Công ty Cổ phần May Thanh Hóa. Đại diện pháp luật ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc Công ty”. Tuy nhiên theo thông tin tra cứu từ Cục Thuế Thanh Hóa, chủ sở hữu/người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần May Thanh Hóa là ông Nguyễn Hữu Ninh và Giám đốc là ông Lưu Trọng Mạnh; không có ai tên “Lê Văn Mạnh” như văn bản đã nêu.

Và trong những văn bản trước đó của UBND TP Thanh Hóa (gồm Quyết định số 8290/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 2750/QĐ-CCXP), tên của người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần May Thanh Hóa chính xác là “Lưu Trọng Mạnh” - như thông tin lưu trong hồ sơ tra cứu của Cục Thuế Thanh Hóa.

Điều này cho thấy, rõ ràng, Quyết định 5214 của UBND TP Thanh Hóa đã “nhầm lẫn” đối tượng phải thi hành biện pháp xử lý vi phạm, hay nói đúng hơn là đã thông tin không chính xác.

Quyết định cưỡng chế khó hiểu của UBND TP.Thanh Hóa

Từ những vấn đề trên, câu hỏi đặt ra là các Quyết định mà UBND TP Thanh Hóa có được coi là đúng quy định pháp luật hay không? Đặc biệt, việc Quyết định 5214/QĐ-PDPACC “nhầm lẫn” đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm sẽ được xử lý ra sao? Và liệu còn có bao nhiêu văn bản cũng nằm trong tình trạng tương tự các văn bản đã nêu ra? Việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chủ trương chung của tỉnh Thanh Hóa, khi mà những năm gần đây UBND, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều quyết định, áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính công để thu hút đầu tư. Đề nghị UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa và HĐND TP Thanh Hóa vào cuộc làm rõ.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok