Kinh tế

Cuối năm, Việt Nam thành "điểm tập kết" rau quả và bánh kẹo Thái Lan, Trung Quốc

Cuối năm, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến, trong đó nhiều mặt hàng như rau củ quả, bánh kẹo, sữa và chế phẩm thức ăn tăng mạnh. Thị trường cung cấp lớn nhất mặt hàng trên cho Việt Nam là hai nước láng giềng: Trung Quốc, Thái Lan.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu tháng 11 tiếp tục tăng, trong đó nhiều mặt hàng như bánh kẹo, sữa, nguyên liệu sản xuất tăng nhanh khiến cho xuất siêu giảm xuống chỉ còn 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức xuất siêu cùng kỳ năm 2015.

Rau quả Thái Lan, Trung Quốc đổ dồn về Việt Nam dịp cuối năm


Với đà nhập khẩu tăng mạnh trong các tháng cuối năm, năm 2016 Việt Nam khó có thể giữ vững mục tiêu xuất siêu 3 tỷ USD, chứ chưa nói đến mục tiêu kỳ vọng xuất siêu từ 3,5 đến 4 tỷ USD trong năm 2016 như nhiều dự đoán hồi đầu năm.

Riêng tháng 11/2016, xuất khẩu đạt 16,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD, nhập siêu đạt 200 triệu USD. Đà xuất siêu có giảm so với tháng trước song xu hướng nhập siêu từng tháng đã và đang đẩy thành tích xuất siêu cả năm xuống thấp hơn.

Trong những tháng cuối năm, các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong số mặt hàng tiêu dùng là sữa, ngũ cốc, rau quả, bánh kẹo. Riêng tháng 11, người Việt đã chi 101 triệu USD để nhập sữa và sản phẩm từ sữa, khiến kim ngạch mặt hàng sữa, chế phẩm sữa 11 tháng đạt 975 triệu USD. Với đà này, Việt Nam có thể phải chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng sữa, chế phẩm từ sữa trong năm nay. Đây là con số tăng đột biến, cho thấy nhu cầu sữa ngoại, sản phẩm từ sữa tại Việt Nam rất lớn.

Mặt hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc cũng có tốc độ nhập khẩu tăng cao, riêng tháng 11, nhập khẩu mặt hàng này đạt hơn 43 triệu USD, tăng gần 40% về giá trị so với tháng trước, khiến 11 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 240 triệu USD (hơn 5.400 tỷ đồng).

Đặc biệt, nhập khẩu rau củ quả trong tháng 11/2016 cũng tăng tương đối với khoảng 84 triệu USD (1.900 tỷ đồng). Như vậy, trong 1 tháng chúng ta phải chi hơn 63 tỷ đồng mỗi ngày để nhập rau củ và hoa quả ngoại. Giá trị nhập khẩu rau củ và hoa quả tăng trên 44% trong 11 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 815 triệu USD.

Xét về các thị trường nhập khẩu, trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc với khoảng 26 tỷ USD, dù giảm hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây vẫn là thị trường Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu khá nặng nề.

Riêng mặt hàng hoa quả, bánh kẹo, 11 tháng đầu năm Việt Nam chi hơn 195 triệu USD nhập rau củ quả, 11 triệu USD nhập bánh kẹo từ Trung Quốc. Nước này cũng là thị trường cung cấp lượng rau quả, bánh kẹo lớn thứ 2 của Việt Nam trong thời gian qua.

Ở một thị trường nhập khẩu đáng quan tâm khác là Thái Lan, 11 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi 356 triệu USD để nhập khẩu rau củ quả của nước này, kim ngạch nhập khẩu tăng gấp gần 2 lần so với kim ngạch nhập khẩu cùng kỳ năm 2015 (189 triệu USD) để nhập mặt hàng tương tự.

Tính về tỷ lệ, rau quả nhập từ Thái đang chiếm gần 45% thị trường rau quả nhập khẩu của Việt Nam. Rõ ràng, Việt Nam đã và đang là đích đến của không chỉ hàng điện tử Thái mà còn cả những mặt hàng rau, củ quả của nước này, cạnh tranh trực diện với rau củ quả trong nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok