Thế giới

Cuộc trở về tìm cha mẹ ruột của bé gái Trung Quốc bị bỏ rơi trong thùng các tông

Lily được tìm thấy trong thùng giấy với vài bộ quần áo, nửa hộp sữa và mảnh giấy ghi cô bé chào đời cách đó một tuần.

Lily được một cặp vợ chồng ở bang Pennsylvania nhận làm con nuôi. Ảnh: SCMP.

Gần 17 năm sau ngày được tìm thấy bị bỏ lại trong hộp các tông, Lily Xiazhen Broach trở về một thành phố nhỏ của Trung Quốc từ nước Mỹ xã xôi để tìm cha mẹ ruột. Lily hiện là nữ sinh trung học ở bang Pennsylvania. Cô là một trong nhiều bé gái Trung Quốc được các gia đình phương Tây nhận làm con nuôi và khi trưởng thành trở về tìm lại gốc gác của mình suốt nhiều năm qua.

Cuối tháng trước, nữ sinh 16 tuổi cùng cha mẹ nuôi trở lại Daye, nơi cách đây 17 năm cô bị bỏ lại. Trong suốt 4 ngày ở lại thành phố này, Lily và cha mẹ nuôi đi dọc các con đường để phát tờ rơi ghi thông tin về cô. Cả nhà cũng tới một ngôi làng, nơi được cho là quê hương của Lily, nhưng không có tin tức gì. Họ cho biết không kỳ vọng quá nhiều trong chuyến trở về lần này.

Tuy nhiên với Lily, chuyến đi vẫn rất quan trọng và cô cảm thấy phấn khích với trải nghiệm ấy.

"Đó là cách giúp Lily hiểu hơn về nơi con bé sinh ra", SCMP dẫn lời bà Susan Craft, mẹ nuôi Lily, nói. "Thật tuyệt vời khi chuyến đi cho con gái tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người ở nơi con sinh ra và lớn lên. Họ có thể là hàng xóm và bạn bè của con bé".

Lily cho hay câu chuyện của cô thu hút sự chú ý của báo chí sẽ không chỉ làm tăng cơ hội tìm thấy gia đình mà còn giúp những người khác có hoàn cảnh như cô tìm thấy nguồn cội của mình.

Rạng sáng ngày 7/9/2000, Lily được phát hiện bị bỏ lại trong một chiếc hộp đặt trên lối đi lát đá gần văn phòng nội vụ địa phương. Trong hộp, người ta tìm thấy một tờ giấy ghi Lily chào đời từ 7 ngày trước.

Ji Zhenzhu, nhân viên phòng nội vụ, đã bế bé lên và đưa tới một trại mồ côi. Khoảng 16 tháng sau, Lily, khi ấy có tên tiếng Trung là Guo Xiazhen, được Craft và chồng, ông Jim Broach, nhận nuôi. Craft là nhân viên quản lý dữ liệu tại một bệnh viện, còn chồng cô là giáo sư hiện làm việc tại Đại học bang Penn.

Ngoài giờ học ở trường, Lily còn được học sáo, múa ballet và trượt băng nghệ thuật. Ảnh: SCMP.

Lily hạnh phúc với cuộc sống hiện tại ở Mỹ. Ngoài việc học tại trường, cô bé còn học thổi sáo, múa ballet hay trượt băng nghệ thuật. Cuộc sống luôn bận rộn với các hoạt động nhưng Lily luôn háo hức "về nguồn". Càng lớn, Lily càng thấy vẻ bề ngoài của mình khác với cha mẹ nuôi. Khi Lily hỏi về điều này, cha mẹ cô kể rằng con được nhận nuôi từ Trung Quốc.

"Hồi nhỏ, tôi đã nghĩ một phần tính cách và khía cạnh bản thân mình là ở Trung Quốc. Vì điều đó, tôi luôn cảm thấy việc đi để biết về bố mẹ ruột, về di sản, văn hóa và nơi chôn nhau cắt rốn rất quan trọng với tôi", Lily nói.

Theo bà Craft, Lily sống một cuộc sống tuyệt vời nhưng con vẫn muốn biết mình giống ai và chuyện gì đã xảy ra. Lily không muốn trì hoãn việc tìm kiếm cha mẹ ruột vì "trí nhớ của mọi người sẽ mờ dần theo thời gian". Trong chuyến trở về Trung Quốc, Lily được Chen Yijing, du học sinh ở bang Pennsylvania, cùng người thân của Chen giúp đỡ. Nhiều người dân địa phương đã liên hệ với gia đình Lily, với mong muốn tìm lại được người thân thất lạc, trong số đó có một phụ nữ trẻ. Cô hy vọng Lily là đứa con gái mất tích đã lâu của mình.

Bà mẹ ấy kể, con gái cô bị đưa đi rồi bị ông bà bỏ rơi. Từ đó, việc mất đi đứa con bé bỏng trở thành nỗi ám ảnh với cô suốt hai thập kỷ qua. Tuy nhiên có một chi tiết thiếu trùng khớp là năm sinh của Lily và bé gái được nhắc tới. Đứa con của bà mẹ đau khổ sinh năm 1997, còn Lily chào đời ba năm sau đó.

Gia đình Lily gặp thêm một ông bố bỏ rơi hai con gái và hy vọng Lily có thể là một trong hai em bé ấy. Nhưng một lần nữa, Lily lại thất vọng khi hai bé gái được bỏ lại ở trại trẻ mồ côi, còn cô được tìm thấy gần văn phòng nội vụ địa phương. Lily cũng gặp lại Ji Zhenzhu, người đầu tiên phát hiện ra em, để nói lời cảm ơn. Cái tên Trung Quốc của Lily cũng có một phần tên của ân nhân này. Lily sinh vào tháng 7 khi thời tiết vẫn còn nóng nên trại trẻ mồ côi chọn tên Xia có nghĩa là mùa hè để ghép thành tên Xiazhen cho cô bé.

Giống như nhiều đứa trẻ khác ở trại trẻ, Lily mang họ Guo của giám đốc. Lily nhất định sẽ trở lại Trung Quốc để tiếp tục cuộc tìm kiếm. Cha nuôi cô là một nhà di truyền học nên ông có thể thu thập các mẫu ADN tại phòng thí nghiệm của mình. Gia đình Lily ủy quyền cho một người bạn tại Daye để lấy mẫu máu từ những người có thể là cha mẹ cô bé và gửi về Mỹ kiểm tra.

"Tôi không ghét bố mẹ đẻ. Họ có lý do để làm chuyện đó, nhất là ở thời điểm chính sách một con vẫn còn hiệu lực", Lily tâm sự. "Họ bỏ tôi lại với một vài bộ quần áo và nửa hộp sữa, gần văn phòng nội vụ địa phương, thay vì những nơi khác. Tôi cảm ơn họ vì điều này".

Lần trở về Trung Quốc tìm bố mẹ đẻ, Lily gặp lại Ji Zhenzhu, người đầu tiên phát hiện ra cô bé bị bỏ rơi năm nào. Ảnh: SCMP.

Từ khi Trung Quốc bắt đầu cho phép nhận con nuôi quốc tế cách đây ba thập kỷ, hơn 110.000 trẻ đã trở thành con trong các gia đình phương Tây và phần lớn trong số ấy là trẻ em gái. Nhiều em nhỏ được nhận nuôi đã trở về Trung Quốc để tìm lại bố mẹ ruột.

Một trong số đó có Marinna Tang Yi Echel, hiện ở bang Texas. Marinna bị bỏ rơi lúc mới chào đời tại Thượng Hải cách đây 20 năm. Tháng 1 năm ngoái, cô về đó để tìm người thân nhưng chuyến đi cũng không mang lại kết quả.

Ren Yuan, giáo sư Viện nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Phục Đán, Trung Quốc, cho hay, phần đa những đứa trẻ bị bỏ rơi là gái, do quan niệm truyền thống "trọng nam khinh nữ". Nhiều người trong số các bé chào đời có khiếm khuyết. Echel là một ví dụ khi sinh ra đã không có bàn tay trái. Một số nhà nhân khẩu học được báo chí liên hệ từ chối nói về sự liên quan giữa chính sách một con của quốc gia này và số trẻ em gái bị bỏ rơi do tính nhạy cảm của vấn đề.

Tác giả: Hà Phương (Theo SCMP)

Nguồn tin: ngoisao.net

  Từ khóa: tìm , tìm cha mẹ , thất lạc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok