Trong nước

Cuộc sống mới của đồng bào Khơ-me ở khu tái định cư

Không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở, khu tái định cư huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau còn có nhiều điều kiện thuận lợi tạo động lực giúp bà con phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần.

Từng bước vươn lên

Tháng 8/2017, chúng tôi có dịp trở về vùng quê có nhiều đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống thuộc ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Những gương mặt hân hoan và tiếng cười rộn rã của đồng bào vốn có hoàn cảnh sống khó khăn đã khiến chúng tôi thực sự ấn tượng.

Khu tái định cư với đầy đủ tiện nghi, điện, nước, đường giao thông... rất thuận tiện cho sinh hoạt của bà con.

Con đường bê tông rộng hơn 3m với 2 hàng cây to phủ bóng mát dẫn chúng tôi vào khu tái định cư (ấp 7, xã Tân Lộc), nơi đây tập trung hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống.

Theo chính quyền xã Tân Lộc, trước khi vào ở trong khu tái định, đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Nhờ có sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân tộc đã tạo động lực mạnh mẽ giúp bà con đang từng bước được cải thiện cuộc sống.

Theo tìm hiểu của PV, ấp 7 là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống. Đặc biệt, khu tái định cư có 86 hộ, bình quân mỗi hộ được cấp 100m² đất nền. Tiền hỗ trợ cất nhà là 40 triệu đồng, nhà nào có điều kiện góp thêm sẽ cất được nhà khang trang hơn.

Ngồi bệt trên nền gạch bông trong căn nhà mới, bà Hữu Thị Đẹt nhớ lại: "Mấy chục năm qua, gia đình chỉ sống trong nhà lá tạm bợ. Mỗi khi mưa to gió lớn, cả nhà phải "chạy" qua hàng xóm trú, đợi hết mưa lại về".

Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí tại khu tái định cư.

“Trước đây, ước mơ lớn nhất của gia đình là có một căn nhà để che nắng che mưa, chui ra chui vào và thờ tự ông bà đã khuất… Bây giờ, cả gia đình đã bắt đầu tập trung làm ăn, phát triển kinh tế… Tôi tin rằng, với điều kiện hiện tại, không bao lâu nữa, chúng tôi sẽ có cuộc sống ổn định”, bà Đẹt nói.

Chia tay bà Đẹt, chúng tôi đi thăm hỏi vài hộ lân cận để hiểu thêm về đời sống mới của họ tại khu tái định cư. Ông Danh Bộ nói với vẻ mặt phấn khởi: “Mừng lắm mấy chú ơi! Trước kia, phải làm thuê, làm mướn nơi xứ lạ, quê người, gia đình hai bên đều nghèo nên lúc tôi cưới vợ, ra riêng không có đất sản xuất, không có nhà để ở, phải sống cảnh ở trọ, ở đậu, ở nhờ… Bây giờ có được căn nhà kiên cố, gia đình sum họp, quây quần bên nhau, con tôi được đi học đàng hoàng… Quả thật, trước đây dù có nằm mơ, chúng tôi vẫn không dám nghĩ sẽ có được điều kiện sống như hiện nay”.

Dạo một vòng trên con đường bê tông, chúng tôi tìm đến trường hợp đặc biệt của gia đình ông Liêu Son đến từ xã Tân Phú. Ông Son là hộ nghèo, tuổi cao, không có sức lao động, không đất sản xuất. Nay, gia đình ông Son được Nhà nước hỗ trợ cấp cho căn nhà tại khu tái định cư an hưởng tuổi già…

“Ở tuổi gần đất xa trời, được sống trong căn nhà ấm cúng, khang trang, đối với vợ chồng tôi là điều không dám nghĩ tới”, ông Son ngậm ngùi.

Khu tái định cư chỉ cách trường khoảng 100m và nằm cạnh quốc lộ nên đồng bào Khơ-me có điều kiện chăm lo cho con cái học tập tốt hơn.

Còn chị Kim Thùy Trang bày tỏ, khi biết gia đình sắp được xét hỗ trợ đất ở, hai vợ chồng đã nỗ lực làm lụng, tích góp một ít vốn để mở tiệm tạp hóa nho nhỏ. Chị ở nhà buôn bán thu nhập cầm chừng, còn chồng đi bán đồ tươi, thợ hồ, đời sống đã khá hơn trước rất nhiều.

“Trước đây, chồng làm hồ, tôi đi lột tôm mướn, ở nhờ đất của người ta. Giờ có cái nhà, mượn vốn bán tạp hóa cũng có đồng ra, đồng vô. Tuy nhiên, ở đây, bà con làm mướn, làm thuê mà phải đi xa mới có việc. Nhiều nhà phải đóng cửa lâu lâu mới về. Chị em muốn buôn bán, chăn nuôi mà chưa có vốn”, chị Trang chia sẻ.

Ông Hữu Hoàng Ðoan, Trưởng ban Nhân dân ấp 7 thông tin, đa phần bà con đồng bào dân tộc Khơ-me vào ở khu tái định cư đều không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định.

“Từ khi được vào ở trong khu tái định cư, bà con rất vui mừng, ai cũng nỗ lực phấn đấu làm ăn phát triển kinh tế, đời sống. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương kết hợp công ty thủy sản ở tỉnh đến tận nơi đưa rước công nhân, góp phần tích cực giải quyết công ăn việc làm của người dân”, ông Đoan cho biết.

Nhiều điều kiện thuận lợi

Khi nhận thông báo sẽ được hỗ trợ đất ở khu tái định cư, bà con rất mừng. Thế nhưng, họ cũng có phần e ngại, không biết điều kiện sống khi vào khu tái định cư sẽ như thế nào.

Học sinh trường tiểu học Tân Bình vui mừng nhận những phần quà ý nghĩa đầu năm học mới.

Lúc được bàn giao nhà, bà con hết sức phấn khởi, bởi điều kiện nơi đây rất tốt. Cụ thể, khu dân cư nằm gần Quốc lộ 63 (Cà Mau – Kiên Giang), gần trường THCS và tiểu học…

Đặc biệt, khu dân cư nằm cạnh chùa Cao Dân, một ngôi chùa hệ phật giáo Nam tông Khơ-me nên rất thuận tiện cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc.

Bà Hữu Thị Đẹt nói: “Mừng lắm chú ạ, ở gần chùa, cứ mỗi khi lễ hội, chùa đều phát loa khá lớn. Vì vậy, việc các nhà sư, ban Quản trị, ban Hoằng pháp thuyết giảng về truyền thống dân tộc, chúng tôi cũng nghe rõ và ít nhiều hiểu được sinh hoạt truyền thống văn hóa của đồng bào Khơ-me”.

Anh Trương Minh Kỳ phấn khởi nói: “Lúc trước ở tận vùng sâu của huyện Thới Bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi tưởng con mình sẽ thất học. May mắn, khi vào khu tái định cư cạnh trường học, con tôi đã được đến trường".

Anh Trương Minh Kỳ đã có được cuộc sống ổn định như mơ ước.

Trao đổi với PV, ông Hữu Xà Rinh, Bí thư Chi bộ ấp 7 cho hay, khu dân cư cách trường phổ thông Dân tộc Hữu Nhem, huyện Thới Bình và điểm trường tiểu học Tân Bình không đầy 100m nên con em có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đến trường, nâng cao trình độ dân trí…

Hầu hết bà con ở khu tái định cư đều nhận thức đúng đắn sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, luôn chấp hành tốt chủ trương, pháp luật và chăm lo con em học tập.

Tác giả: Nguyễn Linh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok