Thế giới

Cuộc sống huyền bí của bộ tộc ngoại giáo cổ xưa nhất châu Âu

Suốt một năm trời, nhiếp ảnh gia Ikuru Kuwajima đã khám phá mọi điều ở vùng đất Mari El bí ẩn trong rừng sâu, từ phép thuật cho đến những hoạt động huyền bí của người dân nơi đây.

Phóng viên ảnh Ikuru Kuwajima tiến vào rừng sâu thuộc địa phận nước Cộng hòa Mari El, Liên bang Nga, cách Moscow khoảng 850 km về phía đông, để ghi lại cuộc sống nơi đây. Gần một nửa dân số Mari định cư ở khu vực này, phần còn lại sống rải rác trên khắp nước Nga. Trong ảnh là hai cô gái Mari đang đeo mặt nạ bảo vệ giữa trời đông giá lạnh.

Bộ tộc Mari là một trong những nhóm sắc tộc thiểu số lâu đời nhất tại Liên bang Nga. Dù hầu hết người Mari hiện nay theo Chính thống giáo Nga, một số ít vẫn còn giữ lại truyền thống ngoại giáo (còn gọi là Pagan giáo) của họ. Nhờ vậy mà những phép thuật và nghi lễ huyền bí của bộ tộc này vẫn được lưu truyền.

Ngoại giáo là từ được dùng để chỉ những tôn giáo khác nhau thuộc một số nền văn hóa cổ đại như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Scandinavia… xuất hiện trước khi Thiên Chúa ra đời. Trong ngoại giáo của người Mari, con người và thiên nhiên liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Thiên nhiên được coi là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp và chừng nào còn trân quý thiên nhiên, con người sẽ luôn luôn được giúp đỡ.

Người Mari cũng tin vào "keremet" hay còn gọi là á thần (nửa người nửa thần). Khoảng thế kỷ 11, các sắc tộc trong nước Nga bắt đầu được tập hợp lại trước sự bành trướng của đạo Cơ đốc. Nhiều người Mari chấp nhận theo Cơ đốc giáo, một số từ chối và trốn về phía đông. Họ đã duy trì ngoại giáo của người Mari đến ngày nay.

Theo truyền thống, các lễ cầu nguyện của người Mari được tổ chức trong làng. "Họ sẽ mang một con bò to ra làm vật tế. Mỗi thần cai quản một cây thiêng: Có vị là cây bạch dương lớn, có vị là cây bồ đề. Những cây thiêng này còn được gọi là "onapu", được liên kết với nhau bằng sợi đai dài làm từ vỏ bồ đề có nhúng máu của vật tế. Sau khi cầu nguyện, họ sẽ đốt dây đai này", một người Mari cho biết.

"Trước đây, các gia đình tổ chức lễ cầu nguyện trong rừng. Ngày nay, nghi lễ này được thực hiện tại nhà".

Người Mari sùng kính sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, trong đó có động vật. Một số loài như ngỗng có vai trò quan trọng trong thần thoại Mari. Trong khi hững loài to lớn như bò, gấu thường là vật tế cho các vị thần.

Khí hậu tại vùng đất của Cộng hòa Mari thuộc loại khí hậu lục địa, với mùa đông phủ tuyết và mùa hè ngắn. Ở nơi đây, các nhà khoa học đã phát hiện những tư liệu khảo cổ học từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Các nhà khảo cổ cho rằng những bộ lạc Mari cổ xưa có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 5 thậm chí lâu đời hơn.

Volga, con sông dài nhất châu Âu, chảy qua khu vực này. Hiện có hơn 700 hồ, ao, đầm lầy trong phạm vi diện tích 100 km vuông của cộng hòa Mari El.

Cuộc sống trong rừng sâu của người Mari hoàn toàn cách biệt với thế giới hiện đại. Nhiếp ảnh gia Kuwajima nói khi ở đây, anh có cảm giác thời gian như ngưng lại và "đồng hồ đã bị đóng băng". Kuwajima nói âm thanh của gió và những tán cây bu-lô đung đưa là hình ảnh đọng lại trong tâm trí anh về cuộc sống của người Mari.

Nhiếp ảnh gia Kuwajima thông thạo 3 thứ tiếng Nhật, Nga, Anh. Ông từng sống và làm việc ở Đông Âu, Trung Á. Những tác phẩm của Kuwajima từng được trưng bày trong các triển lãm nổi tiếng như Central Asian Pavilion ở Venice, Italy năm 2013.

Người Mari sống tại Cộng hòa Mari El đã dũng cảm và quyết tâm gìn giữ truyền thống văn hóa và tôn giáo của mình. Với ý chí đó, bộ tộc này còn được gọi là "những người ngoại đạo cuối cùng của châu Âu".

Tác giả bài viết: An An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok