Đó là câu chuyện cảm động của vợ chồng cụ Nguyễn Cảnh Tùng (76 tuổi) và Phạm Thị Hoàn (74 tuổi, ngụ xóm 2, xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
Hai mảnh đời bất hạnh
Ngày cụ Tùng cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc gánh chịu bất hạnh khi cụ không có đôi mắt. Dù đau đớn, thương xót con nhưng cha mẹ cụ cũng đành bất lực, xem đó như một số phận vì không có cơ hội cứu chữa. Cụ Tùng lớn lên trong bóng tối.
Năm 33 tuổi, qua mai mối, cụ Tùng và cụ Hoàn nên nghĩa vợ chồng. Cụ Hoàn có hoàn cảnh éo le hơn. Sinh ra vốn bình thường khỏe mạnh nhưng trong một lần bị sốt rét biến chứng, đôi chân của cụ không thể đi lại bình thường.
Vì mẹ qua đời sớm, bố lấy vợ hai, gia đình lại nghèo khó nên cụ không có cơ hội chữa trị. Đôi chân biến dạng, co quắp. Mọi sinh hoạt của cụ dựa vào đôi tay. Hàng ngày cụ di chuyển trên hai chiếc ghế bằng gỗ, cao khoảng 7cm.
Cụ Tùng chia sẻ có khi bát cơm phải sẻ đôi nhưng ăn vẫn ngon miệng
Ngày hai cụ về chung một nhà, nhìn cô dâu chú rể cười tươi đón khách, chẳng ai cầm nổi nước mắt. Họ thương cho hai số phận bất hạnh, đã mù, què rồi còn lấy nhau thì biết nương tựa và đâu mà sống, rồi con cái sau này có được lành lặn, khỏe mạnh.
Bát cơm trắng chia đôi
Chẳng lâu sau đó, bố mẹ chồng của cụ Hoàn cũng lần lượt qua đời vì già yếu. Trong nhà, chỉ còn hai vợ chồng cụ Tùng sớm tối thui thủi bên nhau.
Để có tiền trang trải cuộc sống qua ngày, cụ Hoàn dù không đi lại được nhưng hàng ngày vẫn cố gắng lê đôi chân ra đồng mót sắn, mót khoai, trồng thêm rau củ, nuôi con gà, vịt trong vườn để ăn. Họ nhờ anh em, hàng xóm mang ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. Đến buổi, cụ bà lại về chăm lo cơm nước.
“Mang tiếng đi mót khoai mót sắn nhưng khi ra đồng, người ta thấy tôi như vậy nên cho cũng nhiều, người mớ khoai, bắp ngô, người thì cân gạo… cũng đủ cho hai vợ chồng ăn qua ngày một cách tằn tiện”, cụ bà chia sẻ.
Chờ đợi suốt 5 năm rồi cuối cùng hạnh phúc cũng chịu mỉm cười với cặp vợ chồng bất hạnh khi họ đón chào cô con gái đầu lòng lành lặn, khỏe mạnh. Dù bị mù mắt nhưng hàng ngày, cụ ông vẫn ở nhà trông con để cụ bà làm việc.
Cuộc sống cứ vậy lặng lẽ trôi đi, cô con gái duy nhất của 2 cụ bây giờ đã yên bề gia thất. Vợ chồng cụ có thêm ba đứa cháu ngoại.
“Tôi là đôi chân của bà ấy. Còn bà ấy là đôi mắt của tôi. Cứ mỗi lần tôi muốn đi đâu chưa quen lối thì bà nắm tay dẫn đường, ngồi theo dõi, hướng dẫn cho tôi đi. Những lúc bà muốn lên xuống bậc thềm tôi đều nắm lấy tay, chân nâng đỡ cho bà. Hay những lúc bà muốn lấy nước ngoài sân, tắt công tắc điện, phơi bộ quần áo… tôi đều làm được.
Vợ chồng tôi cứ chậm chậm, từ từ như vậy, dù nghèo khó nhưng không bao giờ to tiếng, nặng lời với nhau. Thậm chí, những lúc chỉ có một bát cơm trắng, hai vợ chồng chia đôi, ngồi ăn với bột canh vẫn thấy ngon miệng”, cụ Tùng chia sẻ.
Hiện tại, mức thu nhập chính phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền một triệu đồng/ tháng mà hai cụ nhận được từ tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà nước dành cho người tàn tật. Cụ Hoàn già yếu nên cũng không còn có thể ra đồng, trồng rau, làm việc như trước.
vợ chồng già tàn tật
Căn nhà đơn sơ của hai cụ
Thương hoàn cảnh, năm 2016, nhóm Thiện nguyện Yên Thành (huyện Yên Thành) đã chung tay kêu gọi được một số tiền hỗ trợ lắp cho hai cụ đường ống dẫn nước từ giếng vào tận bếp để thuận lợi cho việc sinh hoạt. Họ còn mua tặng cụ Hoàn một chiếc xe lăn để cụ dễ dàng đi lại.
Chia sẻ cuộc sống vợ chồng cụ Tùng cho PV Emdep.vn, chị Nguyễn Thị Nhung, hàng xóm cạnh nhà 2 cụ cho biết. “Dù nghèo, tàn tật nhưng hai cụ sống tình cảm lắm, yêu thương nhau hết mực. Hàng ngày ông làm đôi chân đỡ bà lên xuống xe lăn, phụ giúp bà bê những thứ nặng, lấy cho bà những thứ ở trên cao.
Còn bà thì theo dõi, dẫn đường cho ông làm những công việc đó. Họ nhường cho nhau khi có miếng thịt, con cá. Thậm chí ai cho bắp ngô cũng chia đôi người một nửa”.
Nguồn tin: Em Đẹp