Sáu mươi năm có lẻ bên nhau, cụ Lữ Văn The và cụ Moong Thị Xệt đã có cuộc hôn nhân viên mãn.
Câu chuyện tình yêu và cuộc hôn nhân hiếm có của vợ chồng cụ Lữ Văn The và Moong Thị Xệt (cùng 86 tuổi, trú bản Xốp Lau, xã biên giới Mường Ải, Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn được con suối Huồi Lau kể bằng bản nhạc róc rách đêm ngày. Cuộc hôn nhân của họ đã đi qua những thời khắc khó khăn của cả nước, từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến thời kỳ bao cấp rồi đổi mới. Sáu mươi năm có lẻ trôi qua, câu chuyện tình yêu của họ đã trở thành huyền thoại dưới chân núi Keo Lum. Nay, ở cái tuổi xưa nay hiếm, tình yêu của họ vẫn bền chặt, keo sơn như thể không gì chia cắt được.
Mùa này vùng biên xứ Nghệ chìm trong giá rét, những cơn gió hun hút thổi qua từng vách núi phất phơ lau lách. Bên bếp lửa rực hồng, cụ ông Lữ Văn The, khuôn mặt phương phi, da màu đồng hun, râu lơ thơ bạc ngồi trò chuyện với người bạn đời sáu mươi năm có lẻ của mình. Vợ ông là cụ Moong Thị Xệt, vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh lắm.
Cụ The đưa ống tẩu lên miệng, cụ Xệt lật đật lấy thanh đóm châm lửa mồi thuốc cho chồng. Hai ngón tay áp út của hai bàn tay nhăn nheo lấp lánh ánh bạc. Hai chiếc nhẫn giống nhau như đúc từ 1 khuôn ra, chỉ khác nhau chiếc to, chiếc bé.
Vợ chồng cụ The và cô cháu gái hiện cũng đã lên chức bà ngoại.
Đọc được sự ngạc nhiên trong mắt những người khách lạ, phả một hơi thuốc, cụ The cười ha hả, rung cả chòm râu bạc: “Nhẫn ta mua để hỏi cưới vợ đấy. Lâu lắm rồi, hồi đó ta còn thanh niên mà”. Câu chuyện tình yêu và triết lý hôn nhân của hai cụ già ở tuổi "thất thập cổ lai hi" khiến những người quen sống nhanh, sống gấp như chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự ở huyện đội Kỳ Sơn, chàng thanh niên Lữ Văn The tham gia công tác an ninh ở bản. Một lần lên bản Cheng làm công tác dân vận, anh thanh niên Lữ Văn The trúng tiếng sét ái tình với cô sơn nữ Moong Thị Xệt. Ngày đó, đường sá đi lại còn khó khăn lắm. Mỗi lần đến thăm người yêu, Lữ Văn The phải băng qua mấy quả núi cao chót vót với gần trọn 1 ngày đường để đến bản Cheng trên đỉnh Keo Lum.
Sau 3 năm trèo đèo lội suối, Lữ Văn The quyết định cầu hôn. Một ngày đẹp trời của 63 năm về trước, chàng The cầm theo 2 chiếc nhẫn đến gặp người yêu “mình làm vợ tôi nhé, đói khổ có nhau”. Thế là hai người thành vợ, thành chồng.
Cặp nhẫn cưới bằng bạc đã đồng hành cùng cuộc hôn nhân không cãi vã, giận hờn mà chỉ có yêu thương và thấu hiểu của vợ chồng cụ The.
Hai ông bà về định cư ở bản Xốp Lau rồi sinh con đẻ cái, cả thảy 7 đứa con, cả trai lẫn gái. Ở bản làng vùng cao này, đủ ăn đã là may mắn lắm. Cụ Xệt làm công tác an ninh ở nơi từng là điểm nóng của tình trạng vượt biên trái phép với sự hoạt động của nhiều toán phỉ, nhiều ổ nhóm ma túy. Bởi vậy, là cái tai, cái mắt của bộ đội biên phòng, của lực lượng công an, công việc của cụ The không thể không nói là nguy hiểm. Mà ở cái thời ấy, cũng như những cán bộ thôn bản khác, ông làm bằng nhiệt huyết, bằng trách nhiệm dẫu chẳng được mấy đồng phụ cấp. Mọi việc lớn bé trong nhà cứ dồn hết trên đôi vai của cụ bà.
Công điểm khó khăn, nhà lại đông con, ấy vậy nhưng người ta không bao giờ nghe tiếng bấc, tiếng chì phát ra từ căn nhà sàn giữa bản. Ở đó, bếp lửa đỏ quanh năm, dẫu bữa ăn chỉ có rau rừng, chuối dại với một ít cơm tẻ, còn đâu như ngày nào cũng phải ăn sắn trừ bữa. Mỗi ngày, cụ Xệt vẫn cần mẫn nên rẫy, trồng cây lúa, cây sắn, lo toan việc nhà để chồng yên tâm công tác cho đến khi nghỉ theo chế độ.
“Làm phụ nữ phải thu vén gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Đàn ông phải làm việc lớn, làm việc xã hội chứ”, chúng tôi lĩnh hội triết lý của cụ Xệt qua lời phiên dịch của cô cháu gái Cụt Thị Hồng Mai, hiện cũng đã lên chức bà ngoại.
Nửa thế kỷ gắn bó với nhau rồi lần lượt lên chức ông bà, cụ, kỵ, hai người vẫn dính với nhau như đôi sam. Đôi nhẫn cưới bằng bạc chưa bao giờ rời hai ngón tay áp út, dẫu hai bàn tay đã già nua, nhăn nheo. Nhưng hỏi về người bạn đời, chẳng có gì của người kia mà cụ Xệt và cụ The lại không nhớ.
Vợ chồng cụ The cùng các cháu, chắt quây quần bên bếp lửa ngày đầu năm.
Hỏi về bí quyết giữ lửa tình yêu và hôn nhân, cụ Xệt cười: “Không có bí quyết gì cả. Sáu mươi năm có lẻ, ta nhớ là hai vợ chồng chưa bao giờ cãi nhau. Ông ấy to tiếng thì ta im lặng. Phụ nữ mà, cũng có lúc cằn nhằn này nọ nhưng cũng phải lựa lời mà nói, để góp ý với nhau mà sửa chứ. Thương nhau cả đời không hết, cãi nhau, giận nhau làm gì?”.
Ở nơi núi cao rừng thẳm này, phụ nữ lấy chồng rồi lầm lũi như cái bóng của chồng. Nhiều gia đình, mỗi lời nói của người đàn ông trong nhà là mệnh lệnh đối với người phụ nữ. Thế nhưng, với cụ The thì lại khác. Ngày trẻ, được đi học cái chữ của Bác Hồ, cụ bảo, đã được khai sáng thêm nhiều lắm. “Vợ cũng vất vả để lo cho con, cho cháu mà. Bà ấy thiệt thòi không được đi học cái chữ, không biết được nhiều cái khác, chỉ quanh quẩn trên rẫy, bên bếp nhưng vợ nói cái đúng, cái hay thì mình phải nghe thôi. Mình sống còn phải làm gương cho các con, các cháu nữa chứ”, cụ The cười, đưa bàn tay nhăn nheo cầm tay vợ.
Gần 90 tuổi đời, hơn sáu mươi năm bên nhau, gia tài của hai cụ là sức khỏe và sự minh mẫn bởi cuộc hôn nhân của họ được bồi đắp bằng yêu thương, bằng sự thấu hiểu, tôn trọng và sẻ chia. Bên bếp lửa hồng ngày giá rét, hai người bạn đời mái đầu bạc trắng vẫn ngồi bên nhau, rì rầm những câu chuyện xưa cũ. “Thương nhau cả đời không hết, giận nhau, cãi nhau làm gì?”, câu nói của cụ Xệt khiến chúng tôi phải suy nghĩ.
Đầu năm mới, ai cũng chúc nhau câu hạnh phúc, thế nhưng có lẽ triết lý giữ lửa hôn nhân ấy không phải ai cũng hiểu và làm được…
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: