Sắc xanh bao phủ thị trường đầu phiên sáng 7/2 |
Sau 30 phút giao dịch đầu tiên, VN-Index đã tăng 31,54 điểm tương ứng 3,12% lên 1.043,14 điểm. VN30-Index cũng tăng 31,62 điểm tương ứng 3,14 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 3,69 điểm tương ứng 3,19% lên 119,33 điểm; HNX30-Index tăng 8,83 điểm tương ứng 3,98%.
Trên sàn HSX có 226 mã tăng so với 27 mã giảm trong khi HNX có 111 mã tăng và chỉ có 30 mã giảm giá.
Các mã ngân hàng vẫn đang dẫn đầu xu hướng phục hồi: BID tăng 1.800 đồng, VCB tăng 2.300 đồng… Có đến 29 mã trong rổ VN30 tăng giá, ngoại trừ MSN vẫn đang giảm 1.000 đồng.
Trước đó, thị trường đã có 2 phiên rơi tự do. Vốn hoá toàn thị trường bốc hơi gần 300.000 tỷ đồng. Giữa bối cảnh này, trên thị trường thậm chí còn lan truyền một biểu đồ tâm lý nhà đầu tư.
Biểu đồ thú vị về tâm lý nhà đầu tư được lan truyền trên mạng xã hội |
Sự phục hồi mạnh mẽ ngay từ đầu phiên nhờ dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường đón xu hướng tăng. Chỉ trong hơn 30 phút đã có hơn 1.000 tỷ đồng đổ vào HSX và hơn 230 tỷ đồng đổ vào HNX.
Không chỉ thị trường Việt Nam mà thị trường thế giới cũng đã cho thấy sự đảo chiều ngoạn mục. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones tăng 567 điểm, mức tăng cao nhất từ tháng 8/2015 và cao thứ 4 trong lịch sử giao dịch của sàn này.
Chứng khoán châu Á cũng tăng trở lại sau 2 ngày bán tháo. Topix và Nikkei 225 của Nhật Bản lần lượt tăng 3,2% và 3,1%; Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%; Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5%...
Xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia tối qua, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng cho biết, mặc dù thị trường giảm mạnh như vậy nhưng thanh khoản thị trường không hề sụt giảm trong 2 ngày qua, thậm chí còn rất tốt.
Giá trị giao dịch trong ngày 6/2 đạt trên 17 nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn HOSE và HNX và ngay cả trong ngày thứ 2 giảm mạnh thì nước ngoài vẫn mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và mua ròng hơn 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.
Đây là dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ với tổng giá trị trên 9.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng trái phiếu….
Trong bối cảnh như vậy, có thể nói sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài tâm lý chung của thị trường chứng khoán thế giới.
“Trong lúc này, tôi mong nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm. Nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tích cực. Do đó, thị trường vẫn được kỳ vọng phát triển bền vững trong năm nay”, ông Dũng đưa ra khuyến nghị.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí