Trong cuộc đua về dịch vụ kết nối trên xe hơi - giả dụ như đặt mua một cốc cafe ngay trên màn hình cảm ứng của ôtô - Toyota và Nissan có nguy cơ bị chậm lại bởi nguyên nhân đến từ chính thị trường nhà của họ.
Khác với Mỹ và các nước châu Âu, công nghệ kết nối trực tiếp trên ôtô không được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng. Theo số liệu thống kê của SBD Automotive, chỉ có 10% lượng xe đang lưu thông trên những tuyến đường của Nhật tích hợp tính năng này. Đây là con số thiếu ấn tượng so với 49% ở Mỹ, 31% ở châu Âu và 20% ở Trung Quốc.
Người Nhật chưa thực sự hào hứng với dịch vụ tích hợp trực tiếp trên ôtô. Ảnh: Driving. Người Nhật thất thế |
Trong bối cảnh nhu cầu về các kết nối trên xe hơi ngày càng tăng, các “ông lớn” đến từ Nhật Bản đang gặp bất lợi không hề nhỏ, ngay cả tại chính thị trường nội địa, nơi họ chiếm thị phần lớn.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh ngày càng đẩy mạnh về tính năng này, thậm chí General Motors coi đây như một nguồn doanh thu riêng của họ. Bởi tại Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu, người tiêu dùng rất thích thú với việc mua sắm, trả phí một cách nhanh gọn ngay trên chiếc xe của mình.
Nói về điều này, Masanori Matsubara - chuyên viên phân tích cấp cao ở IHS Markit cho biết: “ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản đang phải đương đầu với rủi ro lớn. Họ phải cạnh tranh trên toàn cầu với những đối thủ đến từ Mỹ và Đức, các thương hiệu đi tiên phong về nền tảng dịch vụ trên xe hơi”.
Khách hàng Nhật Bản ưa thích việc kết nối dịch vụ thông qua smartphone hơn. Ảnh: Automotiveit. |
Thay vì lựa chọn các dịch vụ được tích hợp trên bảng điều khiển, người Nhật lại thích kết nối chiếc smartphone với hệ thống của xe hơn, chẳng hạn như nghe nhạc trực tuyến.
Cơ chế này đòi hỏi dữ liệu sẽ phải thông qua các bên cung cấp dịch vụ smartphone, điển hình là Apple hay Google. Điều đó sẽ làm mất đi cơ hội lớn để các hãng xe độc lập phát triển trong lĩnh vực này. Bởi theo ước tính của McKinsey & Co, các dịch vụ vận hành trực tiếp trên xe hơi có thể tạo nên một thị trường trị giá lên tới 750 tỷ USD vào năm 2030.
Tương lai bấp bênh
Trung tâm nghiên cứu xe hơi thông minh SBD Automotive dự báo 2/3 số lượng xe hơi ở Mỹ và châu Âu sẽ sử dụng kết nối trực tiếp vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ này tại thị trường Nhật Bản chỉ chưa đầy 1/3, theo dự đoán của các chuyên gia phân tích.
“Cần phải có tác động từ người tiêu dùng” - theo lời Lee Colman, nhà phân tích ở bộ phận nghiên cứu mảng xe kết nối của SBD Automotive. “Các hãng xe sẽ không giới thiệu các dịch vụ này đến người mua trừ khi họ biết rằng khách hàng của mình thực sự muốn những dịch vụ đó”, ông chia sẻ thêm.
Chưa có sự ăn ý giữa các hãng xe Nhật và người tiêu dùng. Ảnh: Honda. |
Trong mảng dịch vụ kết nối, GM là hãng tiên phong với hệ thống OnStar trên chiếc Cadillac năm 1996. Ban đầu được sử dụng cho những tình huống khẩn cấp và đảm bảo an toàn trên xe, OnStar ngày nay mang đến cho người dùng tính năng đặt bàn tại nhà hàng, đề xuất lãi suất chiết khấu tại trạm xăng gần đó, tất cả đều thông qua bảng điều khiển tích hợp trên ôtô.
GM không tiết lộ kết quả tài chính từ việc cung cấp OnStar. Tuy nhiên, tính năng này đã mang lại một khoản thu lớn cho tập đoàn xe hơi nước Mỹ trong một thời gian dài.
Tại Trung Quốc, Lynk & Co. là một trong những thương hiệu nội địa sẽ chính thức giới thiệu công nghệ kết nối mới nhất của họ tại Triển lãm xe hơi quốc tế tại Bắc Kinh tới đây. Li Shufu, tỷ phú sở hữu hãng xe Volvo nổi tiếng, tiết lộ rằng với việc trang bị tính năng kết nối trực tiếp, hãng xe đã tiếp cận được lượng lớn khách hàng trẻ trong năm vừa qua.
Loay hoay tìm kiếm giải pháp
Theo luật mới của EU, châu Âu bắt buộc trang bị công nghệ eCall trên ôtô, bắt đầu từ tháng 4 này. Trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng, eCall lập tức thông báo tới các trung tâm cứu thương, trong trường hợp tài xế không đủ khả năng để thực hiện cuộc gọi.
Còn tại Nhật, dường như chưa có sự hối thúc của chính quyền về việc trang bị những hệ thống cấp cứu tương tự. Các hãng xe trong nước đã thất bại trong việc lôi kéo khách hàng, theo lời chuyên gia Matsubara của IHS Markit.
Nói thêm về điều này, Colman của SBD Automotive cho biết: “một hệ thống giúp người dùng tránh những tuyến đường tắc, hay những dịch vụ giúp đỡ người cao tuổi có thể sẽ trở nên thông dụng”.
“Công nghệ kết nối nào trên xe hơi của Nhật Bản thu hút nhu cầu của người tiêu dùng là câu hỏi trị giá hàng tỷ USD. Câu trả lời tùy thuộc vào chính những vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết” - trích lời của Colman.
Các hãng xe Nhật chưa tìm kiếm được giải pháp hợp lý. Ảnh: Toyota. |
Toyota đã bắt đầu cuộc đua với dịch vụ T-Connect, cung cấp cho tài xế tình hình giao thông hiện tại, đồng thời giúp họ đặt bàn tại nhà hàng một cách nhanh chóng ngay trên chiếc xe của mình. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn chưa làm hài lòng phần lớn khách hàng, theo lời Akio Yamamoto, tổng giám đốc công ty nội bộ Toyota, phụ trách mảng sáng tạo các kết nối thông minh.
“Chúng tôi đang đau đầu trong việc tìm kiếm những giải pháp cải tiến cho T-Connect. Nhưng chúng tôi cũng cân nhắc về một hướng tiếp cận khác trong trường hợp T-Connect không phù hợp với thị trường hiện nay”, ông Yamamoto chia sẻ thêm.
Sự trở lại kịp thời
Năm 2016, Toyota “bắt tay” với Microsoft trong dự án phát triển dịch vụ kết nối trên xe hơi, với mục tiêu 70% số lượng xe của hãng được trang bị công nghệ này vào năm 2020.
"Đồng hương" của Toyota, Nissan đã lên kế hoạch cung cấp kết nối thông minh cho các mẫu xe Nissan, Infinity và Datsun để bán tại các thị trường trọng điểm vào năm 2022.
Người Nhật đang dần lấy lại vị thế trong tương lai. Ảnh: Nissan. |
Còn về phía Honda, hãng xe tuy chưa công bố mục tiêu cụ thể, nhưng đã có những động thái nhất định khi hợp tác với tập đoàn SoftBank để phát triển công nghệ kết nối mới.
Để khẳng định tham vọng của các thương hiệu xe hơi Nhật Bản trên chặng đua công nghệ này, ông Takao Asami, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Nissan tự tin cho rằng bước ngoặt sẽ là khoảng năm 2020-2025. Đây là thời điểm mà người Nhật sẽ không còn ở vị thế bám đuổi những “gã khổng lồ” phương Tây trong cuộc đua công nghệ xe hơi.
Tác giả: Dương Huy
Nguồn tin: zing.vn