Nhân ái

Cuộc đời giông bão của người vợ liệt sỹ nhà báo

Chồng hy sinh nơi chiến trường, một mình tần tảo nuôi 3 đứa con, người con trai thứ thì không may mắc bệnh ung thư qua đời, người con trai út còn sống lại mang trong mình di chứng chất độc màu da cam giờ không thể nhìn thấy ánh sáng.

Ở cái tuổi gần đất xa trời bà lại bàng hoàng khi phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư quái ác. Cả cuộc đời bà như đầy giông bão, người vợ liệt sỹ nhà báo chỉ mong cho mình một phút được bình yên.

Giông bão cuộc đời

Người vợ liệt sỹ khốn khổ, cả cuộc đời không một phút bình yên mà chúng tôi muốn nhắc đến là cụ Nguyễn Thị Thủy (SN 1934, trú xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Cụ Thủy có chồng là liệt sỹ, nhà báo Lê Văn Luyện (SN 1933, hy sinh tại mặt trận Quảng Nam vào năm 1972).

Cuộc đời của cụ Thủy như chuỗi dài những ngày tháng khốn khổ đầy giông bão. Những ngày tháng hạnh phúc sau lễ cưới của người con gái xứ Nghệ chẳng kéo dài được bao khi chồng thường xuyên biền biệt nơi chiến trường. Mỗi lần gặp nhau rất ngắn ngủi.

Hiếm lắm mới có lúc cụ khỏe mạnh ra vườn giúp con dâu hái bí.
Hiếm lắm mới có lúc cụ khỏe mạnh ra vườn giúp con dâu hái bí.

Nhưng ở cái thời đó, cũng như hàng triệu người phụ nữ Việt Nam, cụ Thủy chỉ biết thay chồng cáng đáng mọi công việc ở nhà, chăm lo cho các con để chồng vững bước nơi chiến hào. Đồng đội chiến đấu bằng súng đạn, thì chồng của cụ lại chiến đấu bằng từng con chữ, ngòi bút, bức ảnh… đưa những dòng tin nhanh nhất về tình hình chiến sự nơi bom đạn ác liệt nhất đến với đồng bào cả nước.

Rồi tai họa ập đến khi cụ nhận được giấy báo tử của chồng. “Khi đó chỉ biết rằng ông ấy hi sinh ở mặt trận Quảng Nam, bao nhiêu năm qua gia đình đã đi tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa thể thấy hài cốt của ông. Tôi chỉ mong lúc nhắm mắt xuôi tay có thể đưa ông ấy trở về với quê cha đất tổ. Nhưng bây giờ thì …”, cụ Thủy nói đoạn nghẹn đi.

Anh Lê Hồng Thái - con trai út của cụ Thủy không may nhiễm chất độc màu da cam.
Anh Lê Hồng Thái - con trai út của cụ Thủy không may nhiễm chất độc màu da cam.

Người chồng hy sinh nơi chiến trường để lại cho cụ Thủy 3 đứa con thơ dại. Trong đó cậu con út là Lê Hồng Thái (SN 1968) không may nhiễm chất độc màu da cam nên từ lúc lọt lòng đã mang những khiếm khuyết trên cơ thể. Ông Thái bị hở hàm ếch, móm mất hàm răng phía trên, một tai bị điếc và một mắt bị mờ.

Giữa cái lúc khó khăn nhất của cuộc đời, cụ Thủy nén nỗi đau thương mất mát quá lớn để nuôi dạy các con nên người. Vừa là mẹ cũng sánh vai người cha trong gia đình, tần tảo sớm hôm vượt qua mọi gian khổ vất vả, cụ tự hứa với bản thân mình phải cố gắng thật nhiều để các con được sống tốt hơn.

Rồi tất cả các con đều lập gia đình ở riêng, cụ thương nhất là người con út với những khiếm khuyết của bản thân. Vì thế mọi người trong nhà đều cố gắng vun vén mọi thứ cho em có được cuộc sống ổn định hơn.

Đã 2 năm nay cụ Thủy biết mình mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Cũng vì thế sức khỏe của cụ giảm đi rất nhiều.
Đã 2 năm nay cụ Thủy biết mình mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Cũng vì thế sức khỏe của cụ giảm đi rất nhiều.

Một lần nữa, giông bão cuộc đời lại đổ ập xuống gia đình của người phụ nữ khốn khổ. Khi cách đây khoảng 5 năm người con trai thứ của cụ là ông Lê Hồng Sơn (SN 1962) không may mắc phải căn bệnh ung thư thực quản. Dù gia đình đã đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng ông Sơn đã không thể qua khỏi.

Nỗi đau vẫn còn hiện hữu thì người con trai út vốn bệnh tật triền miên lại phát bệnh và bị hỏng nốt giác mạc của con mắt còn lại. Anh em gom góp, vay mượn đưa đi chữa trị ở khắp mọi nơi nhưng cuối cùng ông Sơn vẫn không thể nhìn thấy được.

Những tấm Bằng khen của chồng là kỷ vật vô giá đối với cụ Thủy. Cụ chỉ mong một ngày có thể tìm thấy được hài cốt của chồng để đưa về với quê cha đất mẹ.
Những tấm Bằng khen của chồng là kỷ vật vô giá đối với cụ Thủy. Cụ chỉ mong một ngày có thể tìm thấy được hài cốt của chồng để đưa về với quê cha đất mẹ.

Cũng thời điểm ấy cụ Nguyễn Thị Thủy bỗng trở nên đau ốm thường xuyên. Cụ được đưa đến bệnh viện thăm khám thì gia đình mới bàng hoàng khi bác sỹ thông báo cụ bị ung thư thực quản. Cũng bắt đầu từ đó là chuỗi thời gian triền miên khổ đau của người vợ liệt sỹ phải nằm điều trị tại bệnh viện. Thi thoảng hết đợt điều trị cụ được các bác sỹ cho về nhà.

“Chắc chẳng ai khổ hơn mẹ tôi nữa. Bây giờ đến tuổi này rồi mà còn phải mang trong mình căn bệnh khủng khiếp như vậy. Hàng ngày mẹ chỉ ăn được chút cháo loãng xay nhuyễn. Rồi thường xuyên phải thuốc thang, nhìn mẹ gầy rộp đi tôi không tài nào chịu nổi, giá mà tôi có thể thay mẹ gánh hết những nỗi đau này …”, bà Lê Thị Dung (SN 1957, con gái cả của cụ Thủy) nghẹn ngào.

Cuối đời chỉ mong một phút bình yên

Trên chiếc giường nhỏ cụ Thủy nằm dài đưa ánh mắt sâu thẳm lên trần nhà được căng tạm bởi tấm bạt xanh cho đỡ dột lúc nắng mưa. Đôi tay gầy đen đi chỉ còn lại lớp da bọc lấy nắm xương. Khuôn mặt hốc hác, khô khốc, cụ buông một hơi thở dài như muốn trút bớt những gánh nặng trong lòng. Ngồi bên cạnh người con gái cũng trĩu nặng một nỗi buồn đến sâu thẳm.

Người con trai út của cụ Thủy là anh Lê Hồng Thái không may nhiễm chất độc màu da cam. Giờ anh bị mù hoàn toàn.
Người con trai út của cụ Thủy là anh Lê Hồng Thái không may nhiễm chất độc màu da cam. Giờ anh bị mù hoàn toàn.

Người liệt sỹ, nhà báo Lê Văn Luyện đã ngã xuống ở mặt trận cùng với hàng vạn đồng đội khác. Máu thịt hòa vào với đất mẹ, để Tổ quốc có được ngày thống nhất, triệu gia đình hạnh phúc. Nhưng sao nơi đây sóng gió cứ ập xuống nơi gia đình bé nhỏ này. Người vợ tảo tần ấy đến lúc xế chiều vẫn không khỏi lo toan, đến giờ vẫn phải mang trong mình căn bệnh quái ác.

Cách nhà cụ Thủy chỉ một quãng đường ngắn là nhà của người con trai út Lê Hồng Thái. Ông Thái giờ đây không thể nhìn thấy được ánh sáng, bước đi trong bóng tối và phải dò đường bằng chiếc gậy hay nhờ người vợ dẫn đường.

Những lúc trái gió, trở trời thì bà đau trong người nên được con dâu đang bóp tay cho mẹ. Còn cụ thì mong khi nằm xuống mong được đưa chồng về quê.
Những lúc trái gió, trở trời thì bà đau trong người nên được con dâu đang bóp tay cho mẹ. Còn cụ thì mong khi nằm xuống mong được đưa chồng về quê.

“Thương cho hoàn cảnh của ông ấy nên tôi cũng chẳng nề hà gì mà làm đám cưới. Cuộc sống khó khăn lắm những được mọi người giúp đỡ thì hai con trai của tôi cũng đã học xong. Chúng cũng đang cố để đi xin việc làm. Nhà chỉ còn hai ông bà, ông ấy lại mù không nhìn thấy gì, tôi vừa lo công việc gia đình lại chăm sóc cho ông ấy. Cứ thế mà bấu víu lấy nhau rồi sống cho qua ngày thôi”, chị Hoàng Thị Tâm (SN 1972, vợ ông Thái) tâm sự.

Trao đổi với phóng viên:Võ Trọng Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An chia sẻ: "Hoàn cảnh cụ Thủy cũng khó khăn lắm, có con bị bệnh oái oăm. Hằng năm với gia đình cụ Thủy chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được những suất quà nhỏ vào các dịp lễ, tết hoặc ngày thương binh liệt sỹ".

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Cụ Nguyễn Thị Thủy, trú xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Số ĐT: 01696.687.767 - Bà Hoàng Thị Tâm (con dâu út).

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok