Cuộc sống

Cuộc đời đầy nỗi đau và nước mắt của người đàn ông nghèo 7 năm 4 lần đội tang vợ con

Chỉ trong vòng 7 năm, căn bệnh ung thư quái ác đã lần lượt cướp đi mạng sống của vợ, con trai cùng hai người con dâu trong gia đình người đàn ông già Nguyễn Văn Hán (SN 1948, ngụ xóm Hồng Sơn, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

7 năm 4 lần đội tang vợ con

Ông Hán là thương binh hạng ¼, từng một thời vào sinh ra tử tại chiến trường Bình Trị Thiên. Ông có 5 người con nhưng 3 người sớm đoản mệnh vì căn bệnh ung thư máu.

Niềm hi vọng vợ chồng ông dành trọn cho hai cậu con trai còn lại. Sau bao năm cố gắng cày cuốc nuôi con, ông cũng thấy nhẹ lòng khi các con lần lượt yên bề gia thất.

Những tưởng từ đây vợ chồng ông Hán sẽ được thảnh thơi hơn, an dưỡng tuổi già, trông nom đàn cháu. Nhưng rồi tai ương liên tục giáng xuống, ngôi nhà nhỏ hạnh phúc nhanh chóng bị vỡ tan.

Chỉ trong vòng 7 năm, căn bệnh ung thư đã cướp đi 4 mạng sống của vợ, con trai út và hai người con dâu của ông. Thứ ông Hán còn lại không còn gì ngoài nỗi đau và nước mắt.

Đầu năm 2005, ông Hán như bị sét đánh ngang tai khi cầm trên tay kết quả người vợ bị ung thư vòm họng.

“Bà ấy thỉnh thoảng lại bị ho, uống bao nhiêu thuốc Tây cũng không dứt. Đến bệnh viện mới biết bà bị ung thư. Chỉ hơn một tháng sau là bà ấy đi nhanh lắm", ông Hán thở dài, nhớ lại ngày ra đi của người vợ quá cố.

Vợ mất, không còn ai bầu bạn, ông Hán chuyển hẳn sang nhà con trai út là anh Nguyễn Văn Cường (SN 1978) ngay sát vách cho bớt phần cô đơn. Nỗi đau chưa kịp nguôi thì cuối năm đó, con dâu của ông là chị Nguyễn Thị Thao (SN 1979, vợ anh Cường) qua đời vì ung thư gan. Nhìn hai di ảnh trên bàn thờ nghi ngút khói, ông Hán chỉ biết thở dài.

Ngày chị Thao mất, cô con gái út của chị chỉ vừa chập chững những bước đi đầu tiên. Vợ sớm đoản mệnh, anh Cường làm thân gà trống nuôi con. Anh vừa tay dắt tay bồng con, vừa chăm sóc cho người cha già ốm yếu.

Năm 2007, thương cảnh gà trống nuôi con, chị Trần Thị Ngân (SN 1977) về làm vợ kế anh Cường, gánh trách nhiệm chăm sóc con chồng thay người vợ quá cố. Một năm sau, họ có thêm một đứa con chung.

Hai vợ chồng cố gắng làm lụng, tích cóp nuôi đàn con khôn lớn. Nhìn ba đứa cháu khờ dại đang từng ngày lớn lên, ông Hán chỉ ước từ nay nỗi đau sẽ khép lại, gia đình được bình yên.

Thế nhưng, sống chung với nhau vẻn vẹn 3 năm thì chị Ngân bỏ lại chồng, con mà ra đi vì căn bệnh ung thư phổi.

Mới 32 tuổi, anh Cường đã trải qua hai đời vợ. Không ai dám khuyên anh đi bước nữa vì sợ gánh thêm nỗi đau. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, tang tóc nối liền nhau đã vắt kiệt sức ông Hán.


Nhìn đàn con thơ dại, anh Cường nén nỗi đau, quyết định để ba đứa con ở nhà nhờ ông Hán chăm sóc để vào miền Nam làm phụ hồ, kiếm tiền gửi về nuôi con. Một năm sau, anh trở về với hình hài thân tàn ma dại. Ông Hán chết lặng khi nghe con trai cho biết đang mang trong mình căn bệnh ung thư gan, sự sống đang được tính từng ngày.

“Khi cái chết đang cận kề, thằng Cường chỉ biết nhìn đàn con mà khóc. Chúng đã mồ côi mẹ, giờ lại tiếp tục mồ côi cha. Hàng ngày, nó cứ dặn đi dặn lại tôi là phải chăm sóc các cháu. Ngày nó mất, nhìn ba đứa cháu vật vã trên chiếc quan tài mà tôi đau như bị ai đó cầm dao cắt đi từng phần cơ thể. Chỉ trong vòng 7 năm, những người thân yêu nhất cứ lần lượt lìa xa cõi đời”, ngước đôi mắt mờ đục nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, ông Hán trải lòng.

Đàn cháu bơ vơ

Căn nhà cấp 4 cũ nát của ông Hán dù nằm sát con đường liên thôn nhưng từ lâu đã vắng người qua lại. Phía trong căn nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế nhựa, một chiếc tủ gỗ dùng làm bàn thờ. Phía trên, di ảnh của vợ và các con quá cố, nghi ngút khói hương.

Anh Cường qua đời, ba đứa trẻ thơ mồ côi cả mẹ lẫn cha. Người con trai đầu của anh Cường là Nguyễn Văn Trường (14 tuổi) đã phải nghỉ học, vào tận miền Nam làm thuê kiếm sống. Cô con gái thứ hai là Nguyễn Thúy Nhi (9 tuổi) phải gửi vào làng trẻ mồ côi (SOS) của tỉnh Nghệ An tìm nơi nương tựa. Cậu con trai út Nguyễn Mạnh Đức (6 tuổi) được bà ngoại đưa về cưu mang. Ngôi nhà nhỏ hiện tại chỉ mình ông Hán thui thủi.


Gần 70 tuổi, mang trong mình nỗi đau từ chiến tranh, ông Hán không làm gì được để có thu nhập. Cuộc sống của ông chỉ biết trông chờ vào số tiền một triệu đồng tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước dành cho các thương binh.

Đó là chưa kể đến những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, đau ốm, ông chẳng biết kêu ai ngoài vợ chồng người con trai cả. Căn nhà của ông giờ đã dột nát mà không có tiền để sửa sang lại. Những lúc mưa gió, ông Hán phải gỡ di ảnh của vợ con cất nơi khác cho đỡ mưa dột.

“Tôi chỉ trách mình tuổi già sức yếu, không có sức nuôi ba đứa cháu mồ côi, phải để chúng tan tác mỗi đứa một nơi. Chúng đã sớm phải chịu nhiều thiệt thòi. Tôi không mong gì cả, chỉ cầu mong cho chúng được sống bình yên”, người đàn ông này trải lòng.

Tác giả bài viết: Trung Hiếu/ Theo Emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok