Bà Mai rưng rưng nước mắt thắp nén nhang bên di ảnh chồng - Ảnh: Sơn Bình |
Sau khi gia đình ông Nguyễn Tùng Chinh - sinh năm 1950, nguyên chánh văn phòng Công an huyện Duyên Hải, tỉnh Cửu Long, nay là tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, nhận được quyết định đình chỉ điều tra với ông - người “29 năm mang thân phận bị can”, chúng tôi đã gặp lại những người hiếm hoi từng chứng kiến vụ việc oan sai hi hữu năm xưa.
Như đã thông tin, ông Chinh bị khởi tố, bắt giam, sau đó được tạm tha, tiếp tục mang thân phận bị can 29 năm cho đến chết mà lý do, theo cơ quan chức năng, do chia tách tỉnh nên hồ sơ bị thất lạc, những người tiến hành tố tụng liên quan đã qua đời.
Hiện các cơ quan chức năng đã hướng dẫn gia đình ông Chinh làm các thủ tục bồi thường oan sai theo luật định.
Đau xót một gia đình có công
Một chiều tháng 5, chúng tôi đến ấp Long Điền, xã Long Toàn (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) tìm nhà ông Chinh nơi cuối con đường nông thôn hẻo lánh.
Trong nhà tranh vách lá, bà Huỳnh Thị Mai - 61 tuổi, vợ ông Chinh, đang thắp nén nhang, rưng nước mắt nhìn di ảnh và Huân chương kháng chiến hạng nhất của chồng.
Theo bà Mai, chồng bà hoạt động cách mạng, sau giải phóng công tác trong ngành công an. Năm 1982, khi chồng bà là chánh văn phòng Công an huyện Duyên Hải (tỉnh Cửu Long) thì bị công an tỉnh bắt giam để điều tra hành vi tham ô tài sản.
Năm đó vợ chồng sống hạnh phúc cùng hai con, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi. Nghe tin chồng bị bắt, bà “xỉu lên xỉu xuống”.
Không có chồng ở nhà, bà phải tảo tần nuôi con bằng nghề làm ruộng, nuôi heo. Hơn năm năm trôi qua, thương cho người mẹ trẻ khắc khổ, hàng xóm bảo bà làm đơn xin cho chồng trở về bởi “tạm giam gì mà quá lâu trời”.
Nghe lời khuyên, bà gởi hai con cho hàng xóm trông coi, lặn lội đi đưa đơn cho Viện KSND tỉnh Cửu Long. Khi đến nơi trình bày vụ việc, một cán bộ nói với bà: “Nhốt ổng mà quên tới giờ luôn!”.
Hơn hai tháng sau, bà mừng không nói nên lời khi chồng về nhà mang theo lệnh tạm tha (ngày 29-1-1988) lên công an xã trình diện. Lệnh tạm tha ghi chú: “Khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can có trách nhiệm đến đúng ngày giờ quy định”.
Chiếc ghe làm bằng gỗ chắp mà ông Chinh dùng để mưu sinh khi còn sống - Ảnh: Sơn Bình |
Theo bà Mai, không còn được làm công an nữa, bà Mai phải đi mượn từng cây đục, cây cưa cho ông Chinh làm nghề thợ mộc mà ông học được trong thời gian tạm giam.
Làm thợ mộc không nuôi nổi gia đình khi bà Mai sinh thêm hai đứa con, ông Chinh tận dụng từng mảnh gỗ, chắp vá suốt một thời gian dài để đóng thành chiếc ghe làm công vận chuyển trên sông.
Đưa chúng tôi ra sau nhà, nơi còn giữ chiếc ghe cũ năm xưa, bà Mai nói trong nước mắt: “Phải làm mệt ổng mới ngủ được, còn không thì trằn trọc cả đêm ngồi vấn thuốc hút”.
Khi bà ôm chồng động viên, ông Chinh nhìn sang những đứa con nheo nhóc, gục mặt nói muốn tự tử chết nhiều lần nhưng “vì các con và bà mà mà tui ráng sống”.
Anh Nguyễn Hải Đăng, con trai lớn, 36 tuổi, mắt đỏ hoe kể tay ông Chinh luôn đầy sẹo bởi khi làm mộc, ông cứ đóng đinh trúng tay, cưa gỗ đứt tay mà cũng không biết.
Mấy lần như vậy, anh lại nhắc nhở thì ông Chinh giật mình, ngoảnh mặt đi vấn thuốc hút, rồi cứ lẩm bẩm: “Sao đến giờ còn chưa trả tự do cho tao?”.
Hỏi bà Mai lúc còn sống ông Chinh có tâm sự về nỗi oan ức ra sao, bà Mai kể chồng bà khẳng định chỉ có người trong công an huyện mới đủ khả năng lấy tài sản trong tủ, còn ông là người giữ khóa nên không dại dột làm sai để tự chịu trách nhiệm.
Khi còn sống, ông Chinh thường nói cho vợ nghe về những thuộc cấp của ông, họ cũng biết chỗ giữ khóa và mã số mở khóa nhưng công an không điều tra rõ mà lại bắt ông…
Bí ẩn một vụ mất trộm tang vật tại công an
Để hiểu về vụ án “tham ô tài sản” mà ông Chinh bị cáo buộc oan, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thức - nguyên phó trưởng Công an huyện Duyên Hải năm xưa.
Dù tuổi đã ngoài 70 nhưng khi nhắc lại câu chuyện xưa về ông Chinh - người thuộc cấp của mình, ông Thức vẫn nhớ ông Chinh là một cán bộ nghiêm khắc trong công việc và cuộc sống.
Theo ông Thức, sau giải phóng, do địa bàn giáp biển nên công an huyện phối hợp biên phòng bắt giữ nhiều người mang tài sản vượt biên như hột xoàn, vàng, tiền, đồng hồ...
Số tài sản lập biên bản đựng trong tủ, giao chìa khóa cho ông Chinh coi giữ. Năm 1982, ông Hai Phèn (trưởng công an huyện) kêu ông Chinh mở tủ cho ông mượn đồng hồ đeo tay đi dự đại hội.
Lúc này ông Chinh mở tủ, mới tá hỏa nói: “Anh Hai ơi, trong tủ bị mất đồ”. Sau họp bàn, lãnh đạo công an huyện cùng ông Chinh thống nhất báo công an tỉnh điều tra.
Công an tỉnh cử người xuống làm việc thì thấy tài sản trong tủ không mất hết mà chỉ mất khoảng 6 lượng vàng. Sau đó, ông Chinh bị bắt tạm giam bởi ông là người giữ khóa nhưng không chứng minh được ngoại phạm, trong khi công an tỉnh xác minh hiện trường không có dấu hiệu bị trộm đột nhập.
Ông Thức bảo vụ án nhiều uẩn khúc bởi ông tin ông Chinh không làm chuyện đó. Cách bảo quản chìa khóa, mở tủ có thể nhiều người biết.
“Thằng Chinh có một vài thuộc cấp làm việc chung, chắc biết cách mở tủ. Trong đó có một thằng tham lam, sau khi Chinh bị bắt, thằng đó cũng bị công an huyện bắt quả tang nhận hối lộ của người vượt biên”, ông Thức nói.
Bà Mai rưng rưng nước mắt nhìn chiếc ghe chắp vá của chồng - Ảnh: Sơn Bình |
Lần thêm manh mối, chúng tôi gặp một đại tá công an tỉnh Trà Vinh, người từng công tác cùng ông Chinh tại Công an huyện Duyên Hải, cùng tham gia bắt giữ những người vượt biên, lập biên bản tạm giữ tài sản với ông Chinh.
Vị đại tá tâm sự sau khi mở tủ thấy bị mất tài sản, ông Chinh cũng đi làm bình thường bởi cho rằng mình vô can và công an sẽ lần ra thủ phạm.
Tuy nhiên sau mấy ngày điều tra, công an tỉnh thông báo buổi họp mời ông Chinh giải quyết vụ việc, không cho ông mang súng theo bên người. Khi ông đang ngồi họp thì công an đến khống chế từ phía sau, đưa lên xe chuyển đi.
Theo vị đại tá này, ông Chinh là một sĩ quan công an có trình độ, nghiêm khắc và thanh liêm trong công việc. Sự nghiệp ông Chinh sáng sủa khi sớm được đề cử làm phó trưởng công an huyện. Ngày ông Chinh bị bắt, nhiều anh em bất ngờ bởi mọi người nghĩ nghi can phải là một người khác.
Vị đại tá phân tích: Nếu có tham thì anh Năm (ông Chinh) có nhiều cách lấy. Biên bản tạm giữ tài sản hồi đó chỉ ghi mấy hột trắng (hột xoàn), mấy chiếc màu vàng đậm (vàng 24k), mấy chiếc màu vàng nhạt (vàng 18K).
"Anh Năm biết rõ chỉ cần mang hột xoàn hay vàng giả về tráo đổi thì không ai bắt bẻ được. Tội tình gì anh Năm tự lấy tài sản trong tủ mà chính ông chịu trách nhiệm coi giữ để lãnh hậu quả?”.
Trước khi ông Chinh mất, vị đại tá này có thăm ông Chinh, lúc hai người gặp nhau, ông Chinh khóc, nói: “Anh không bao giờ làm chuyện sai trái mà phải gánh chịu tình cảnh như thế này ”.
Vị đại tá chia sẻ năm 1982 pháp luật còn hạn chế nhưng tạm giam để điều tra một hành vi phạm tội hơn 5 năm, rồi cho tạm tha, không tiếp tục điều tra, kết luận vụ án khiến ông Chinh phải mang thân phận bị can cho đến chết thật là đau khổ!
Chết không nhắm mắt!
Theo gia đình ông Chinh, khi trở về địa phương trình diện, ông mong mỏi cơ quan điều tra sớm có kết luận vụ việc, minh oan cho ông nhưng thời gian cứ trôi qua trong tuyệt vọng. Năm 2011, vẫn còn phải ôm nỗi uất ức khi tuổi già sức yếu, ông bị tai biến qua đời.
Trước khi chết ông căn dặn người thân tìm cách giải oan cho ông ra đi thanh thản. Và lúc chết, ông Chinh không nhắm mắt, tất cả vợ con thay phiên nhau vuốt mắt nhưng mắt ông cứ mở trừng trừng...
Tác giả: Sơn Bình
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ