Vài năm trở lại đây, trong khi thị trường xe máy tại Việt Nam nói chung đã có dấu hiệu bão hòa thì phân khúc xe tay ga và xe thể thao vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Cuộc chiến giữa các hãng xe máy cũng chủ yếu tập trung trên 2 phân khúc này.
Giá càng cao càng hút khách
Một điểm chung giữa nhiều hãng phân phối xe trong năm 2015 là tình hình kinh doanh sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, cả SYM và Suzuki đều giảm tới 30% doanh số. Hiếm hoi có hãng vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương như Yamaha, nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ 2% so với năm 2014.
Ông Lã Thiên Phúc, Tổng giám đốc SYM Việt Nam cho biết, năm 2015 là năm kết quả kinh doanh của hãng không cao khi chỉ bán được 160 ngàn xe (trong đó tiêu thụ nội địa 50 ngàn xe và xuất khẩu là 110 ngàn xe), giảm tới 30% so với năm 2014. Một trong những lý do của sự sụt giảm này là do trong năm 2015 SYM đã không đưa ra thị trường được dòng xe mới nào, đặc biệt là các dòng xe tay ga vốn đang hút khách rất mạnh.
“Ở nhiều thị trường khác như Campuchia, Malaysia… người tiêu dùng chuộng xe số hơn. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam nhiều năm qua tình hình tiêu thụ xe máy có dấu hiệu bão hòa và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng xe tay ga nhiều hơn, do thu nhập tăng lên và do tính tiện lợi của dòng xe này”, ông Phúc cho hay.
Theo ông, hiện tổng tiêu thụ xe của toàn thị trường đang có xu hướng nghiêng về xe ga với 60%, trong khi đó xe số chỉ còn chiếm 40% lượng tiêu thụ. SYM vốn là hãng xe có thế mạnh về dòng xe số, vì vậy trong năm 2015, trong tổng lượng xe bán ra của hãng chỉ 20% là xe ga, chiếm khoảng 2% thị phần.
Trước sự dịch chuyển về nhu cầu tiêu dùng năm 2015, SYM đã đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là dòng xe tay ga và sẽ trình làng trong năm 2016. Với chiến lược mới này, ông Phúc kỳ vọng hãng ông sẽ đạt số lượng xe bán ra 200 ngàn chiếc trong năm 2016.
Tình hình tương tự đối với Suzuki. Không có thế mạnh về dòng xe tay ga, năm 2015 Suzuki chỉ bán được 23 ngàn xe, giảm 30% so với 2014. Ông Shozo Ono, Tổng giám đốc Suzuki Việt Nam cho biết, sự sụt giảm trên chủ yếu đến từ việc Suzuki chưa cho ra thị trường dòng xe phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Theo quan sát của ông Ono, phụ nữ Việt Nam sử dụng xe máy nhiều hơn so với phụ nữ tại các nước Đông Nam Á khác. Đây là lý do mà Suzuki quyết định sẽ đầu tư mạnh hơn vào dòng xe tay ga cho phái nữ trong năm 2016.
Nhanh nhạy hơn trong việc chuyển hướng chiến lược kinh doanh là lý do mang đến mức tăng trưởng dương cho Yamaha trong năm 2016, trong khi doanh số bán hàng của hầu hết các đối thủ đều sụt giảm mạnh. Trong năm 2015, tổng lượng xe bán ra của 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,8 triệu xe thì Yamaha chiếm tới 720 ngàn xe.
Các hãng xe vẫn đang dày công nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều dòng xe mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng
Ông Yano Takeshi, Tổng giám đốc Yamaha Việt Nam cho rằng, thị trường xe máy Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển, đặc biệt có nhiều phân khúc thị trường vẫn còn thiếu và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như dòng xe tay ga. Theo ông Takeshi, từ nhu cầu thực tế là người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển sang những dòng xe tiện lợi, dễ lái và có nhiều tính năng hơn. Trong năm 2015, mặc dù lượng xe số bán ra vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo là 55% (chiếm 36% thị trường xe số), trong khi xe ga là 45% (chiếm 12% thị trường xe ga), nhưng đại diện Yamaha Việt Nam cho rằng, phân khúc xe tay ga sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển và sẽ tăng trưởng ít nhất 2% mỗi năm.
“Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh thị phần trong phân khúc xe tay ga, sản phẩm đang tạo sự cạnh tranh mạnh nhất trên thị trường với đối tượng mục tiêu là nữ giới”, ông Takeshi khẳng định.
Lý giải về việc giá xe ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là xe tay ga, ông Takeshi cho hay, bên cạnh yêu cầu công nghệ cao, chất lượng tốt thì một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy giá xe tại Việt Nam lên cao là do thị hiếu có vẻ “ngược đời” của người tiêu dùng Việt Nam, đó là giá xe càng cao thì người tiêu dùng càng thích mua. Với chiến lược mới này, Yamaha kỳ vọng sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng 2-3% trong năm 2016.
Ngách nhỏ nhiều tiềm năng
Bên cạnh việc đẩy mạnh cho ra đời những mẫu xe tay ga mới trong năm 2016, Suzuki sẽ đầu tư mạnh hơn vào dòng xe thể thao, đặc biệt là xe backbone, vốn là thế mạnh của Suzuki. Ông Ono, Tổng giám đốc Suzuki Việt Nam cho hay, đây là chiến lược toàn cầu của hãng trong năm 2016 chứ không riêng gì tại thị trường Việt Nam. Dòng xe thể thao backbone cũng là dòng xe vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt trong 2015, trong khi dòng xe số và xe ga sụt giảm mạnh.
Nhận định dòng xe phân khúc thể thao vẫn còn rất tiềm năng, ông Takeshi, Tổng giám đốc Yamaha Việt Nam cũng khẳng định, trong năm 2016, bên cạnh dòng xe tay ga, Yamaha sẽ tập trung mạnh hơn vào dòng xe đua thể thao. Vốn có sản phẩm thế mạnh đang dẫn đầu phân khúc này là Exiter, ông Takeshi cho hay, sắp tới câu lạc bộ Exiter sẽ ra mắt và Yamaha sẽ mang nhiều những dòng xe đua trên toàn cầu về Việt Nam. Hãng cũng dự định sẽ tổ chức những giải đua xe chuyên nghiệp nhằm tạo sân chơi cho các fan hâm mộ. “Mặc dù phân khúc xe này vẫn còn nhỏ, nhưng Yamaha sẽ ở vị trí dẫn đầu trong dòng xe thể thao”, ông Takeshi khẳng định.
Một gương mặt mới trong dòng xe thể thao phải kể đến Benelli. Vào Việt Nam từ 2012, nhưng hãng xe này vẫn chưa gây được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, đây cũng là định hướng riêng của hãng khi chú trọng đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng hệ thống hậu mãi, bảo trì bảo hành thay vì chiến lược đẩy mạnh bán hàng.
Chỉ tập trung vào sản phẩm duy nhất là xe mô tô thể thao phân khối lớn, ông Jacky Chen, Tổng giám đốc Benelli Việt Nam cho rằng, việc xây dựng được hệ thống cửa hàng hậu mãi là hết sức quan trọng trong chiến lược dài hạn của Benelli tại thị trường Việt Nam. Khác với những dòng xe phổ thông khác, dòng xe thể thao phân khối lớn khá kén khách và yêu cầu hệ thống bảo dưỡng riêng với những phụ kiện đi kèm và phụ tùng đặc thù riêng.
“Những năm qua, mẫu Exiter của Yamaha bán hơn 100 ngàn xe mỗi năm, những người đã lái xe này sẽ có nhu cầu và thích những mẫu phân khối lớn hơn và Benelli hy vọng mình sẽ là lựa chọn tiếp theo cho họ. Khi dòng xe phân khối lớn ngày càng được ưa chuộng thì khâu dịch vụ chăm sóc khách hàng và hậu mãi sẽ hết sức quan trọng. Chúng tôi đang chú trọng xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sữa chữa để người tiêu dùng cảm thấy thoải mái khi được chăm sóc đầy đủ”, ông Chen nhận định.
Ông cho biết, trong năm 2015, tổng lượng xe mô tô phân khối lớn và xe thể thao bán ra là khoảng 7.000 xe, trong đó riêng Benelli bán khoảng 500-600 xe. Năm nay, hãng đang hy vọng chiếm 10% thị phần xe phân khối lớn với lượng bán ra dự tính đạt 1.500 xe, tăng gấp 3 lần 2015. Để đạt mục tiêu này, hãng đã đưa về Việt Nam nhiều mẫu xe mới. Hiện tại đã có 5-6 mẫu xe và dự tính 1-2 mẫu xe nữa sẽ được đưa về Việt Nam trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Trái với kết quả kinh doanh ảm đạm của nhiều hãng xe và với thế mạnh là các dòng xe phổ thông, trong năm 2015, Ducati Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng 40% như nhiều năm về trước. Bà Trang Vũ, Tổng giám đốc Ducati Việt Nam cho hay, năm 2016 dự kiến sẽ khó khăn hơn do có nhiều thương hiệu mới vào hơn, cạnh tranh mạnh hơn, nhưng hãng vẫn kỳ vọng đạt mức tăng trưởng từ 30% trở lên. Năm 2015 là năm khá thành công của Ducati Việt Nam ở dòng Scrambler và Scrambler Sixty 2.400 phân khối. Đây là những dòng xe có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với thể trạng cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Trong khi đó, mặc dù nhận định dòng xe phân khối lớn sẽ ngày càng có dư địa phát triển, nhưng ông Lã Thiên Phúc, Tổng giám đốc SYM Việt Nam lại tỏ ra lo lắng về hạ tầng giao thông Việt Nam. Đó là lý do mà SYM vẫn còn đang cân nhắc có nên đầu tư mạnh vào dòng xe này hay không.
Cuộc chiến xe máy tại thị trường Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt khi thị trường đã đạt ngưỡng bão hòa. Để duy trì được đà tăng trưởng, các hãng xe vẫn đang dày công nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều dòng xe mới, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng
Tác giả bài viết: Lê Dung