Bức tranh hòa bình tại Syria đang sáng dần lên
Có thể nói, việc quân Chính phủ Syria cùng các lực lượng thân cận như Hezbollah, quân đội Iran dưới sự hậu thuẫn của Không quân Nga đã giải phóng được Aleppo là một “bước ngoặt” lớn trong cuộc chiến này.
Đây có thể coi là chiến thắng mang tính biểu tượng cả về chính trị và quân sự đối với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh, nhất là Nga.
Tuy nhiên, thắng lợi này đã bị “phủ bóng đen” bởi vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị ám sát tại thủ đô Ankara ngày 19/12. Tên sát nhân Mevlut Mert Altintas trong quá trình nổ súng sát hại ông Karlov đã hô vang: “Đừng quên Aleppo! Đừng quên Syria!”.
Mặc dù vậy, cần nhớ rằng, lệnh ngừng bắn tại Syria, dù rất mong manh, vẫn còn hiệu lực và các bên có liên quan đến cuộc chiến tại Syria dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng 1 này tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Trong bối cảnh, tình hình tại Syria vẫn chưa rõ ràng và lãnh thổ quốc gia Trung Đông này đang bị “chia năm xẻ bảy” bởi rất nhiều lực lượng khác nhau, trong đó có IS, có thể nói, bức tranh về tương lai hòa bình ở Syria đang sáng rõ hơn bao giờ hết.
Biểu hiện rõ rệt nhất là việc ông Assad sẽ tiếp tục nắm quyền tại Syria bất chấp những bình luận “không mấy thiện cảm” và những nỗ lực hòng lật đổ chính quyền của ông Assad từ các nước phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama đều bất thành.
Việc Tổng thống Syria Assad có thể tiếp tục tại vị được coi là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của đồng minh Nga- nước đã liên tục ủng hộ chính thể của gia đình Assad [trong đó có cha của Tổng thống Bashar al-Assad hiện nay, cố Tổng thống Hafez Assad] bắt đầu từ Chiến tranh Lạnh dưới thời Liên Xô.
Ngay cả khi cộng đồng quốc tế có thể gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Assad phải tiến hành bầu cử trong tương lai, vẫn chưa có gì bảo đảm được rằng, phe đối lập do phương Tây hậu thuẫn có thể đánh bại được chính quyền của ông Assad trong các cuộc bầu cử như vậy.
Vai trò của Mỹ ngày càng nhạt dần
Trong bối cảnh đó, vài trò của Mỹ tại Syria cũng như trên toàn Trung Đông ngày một suy giảm. Những “chú ngựa nòi” mà Mỹ dày công huấn luyện như phe đối lập hay lực lượng người Kurd tại Syria đã không còn đóng vai trò quan trọng như trước nữa.
Những lực lượng do Mỹ hậu thuẫn này đã đặt mục tiêu chiếm lại Mosul tại Iraq rồi tiến tới giải phóng “thủ phủ” Raqqa của IS tại Syria. Tuy nhiên, cho đến nay lực lượng được mệnh danh là “những tay súng giải phóng” này vẫn chưa tiến được vào rìa Mosul.
Thậm chí, lời đe dọa sẽ không tham dự các cuộc đàm phán về hòa bình tại Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian của phe đối lập tại Syria với lý do “lệnh ngừng bắn đang bị quân Chính phủ Syria liên tục vi phạm” cũng không thay đổi được thực tế rằng, vai trò của phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn đã trở thành thứ yếu tại Syria. Tiếng nói của họ cũng không còn có trọng lượng như trước nữa.
Thậm chí, quyền chủ động về việc phe phái nào sẽ tham gia đàm phán về hòa bình tại Syria giờ hoàn toàn nằm trong tay Nga. Bộ Quốc phòng Nga đã “chỉ đích danh các nhóm mà họ coi là phe đối lập ôn hòa có quyền tham gia vào các cuộc đàm phán sắp tới”, trong đó ngoài nhóm Quân đội Tự do Syria (FSA) còn có các nhóm khác như Faylaq al-Sham, Ahrar al-Sham, Jaysh al-Islam, Thuwwar Ahl al-Sham, Jaysh al-Mujahidin, Jaysh Idlib và Jabhah al-Shamiya.
“Nhượng bộ” duy nhất của Nga là việc chấp nhận cho tổ chức Jaysh al-Islam- một tổ chức mà Nga liệt vào dạng khủng bố- tham gia vào cuộc đàm phán này. Trong khi đó, nhiều tổ chức khác có tư tưởng chống ông Assad đều bị Nga “gạt ra ngoài”.
Trên bình diện quốc tế, có thể thấy rằng, những thành công tại Syria hiện tại phần lớn là nhờ sự trung gian của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Trong khi đó, Mỹ chỉ còn đóng vai trò là “kẻ chầu rìa”. Mọi chuyện chỉ có thể thay đổi sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức ngày 20/1.
Tại thời điểm đó, những chính sách về Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ được ông Donald Trump xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tổng thống đắc cử Mỹ khi đó sẽ không chỉ phải “đau đầu” tính toán từng “đường đi nước bước” để tránh sa vào “vũng lầy” Syria như ông Obama mà còn phải tính đến cách đối phó với liên minh Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù đây là vấn đề không hề dễ dàng nhưng với quan hệ thân thiết giữa Nga và ông Donald Trump, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, hòa bình tại Syria có thể đạt được những đột phá trong năm 2017.
Tác giả bài viết: Trần Khánh
Nguồn tin: