Bệnh viện Bethlem vốn thường được biết đến hơn với tên gọi dân dã là "Bedlam", tọa lạc bên cạnh nhà thờ Westminster (London) và sở thú.
Nơi đây là nguồn cảm hứng cho vô số những bài thơ, vở kịch và tác phẩm nghệ thuật bởi, kiến trúc của nó xa hoa đến mức được so sánh với Cung điện Versailles của Pháp.
Bethlem là nguồn cảm hứng cho vô số những bài thơ, vở kịch và tác phẩm nghệ thuật
"Một danh thắng ở khu Tài chính London, nằm ngay cạnh Bishopsgate. Đây cũng là một trong những nơi đầu tiên chuyên điều trị cho những bệnh nhân được coi là "điên" hay "mất trí." - Mike Jay, tác giả cuốn sách "This Way Madness Lies" nói. Và rồi chẳng hiểu sao, cứ nói đến Bedlam ở London, người ta lại nghĩ ngay đến những nhà thương điên.
Cũng giống như nhiều bệnh viện khác thời xưa, Bethlem khởi đầu là một cơ sở tôn giáo. Nó được thành lập vào thế kỷ thứ 13 để làm tu viện thờ phụng thánh Mary.
Cho đến trước năm 1400, Bethlem đã trở thành một "nơi an dưỡng" thời Trung cổ - tức là địa điểm không nhằm để chăm sóc y tế mà chỉ đơn thuần là nơi an dưỡng cho những người cần được cứu giúp, những ai không chốn nương thân có thể đến gõ cửa.
Nhưng rồi đến thế kỷ 17, Bethlem tập trung vào chăm sóc cho những người không chỉ đơn thuần là nghèo khổ mà còn không có khả năng tự chăm sóc mình - nhất là những người bị cho là thần kinh không bình thường.
Cung điện tráng lệ cho những người "mất trí"
Khi bệnh viện được xây dựng vào năm 1676, nó không giống bất kỳ viện điều dưỡng nào mà mọi người từng thấy. Bệnh viện được thiết kế bởi Robert Hooke, một kiến trúc sư của Khu Tài chính London, với sự trợ giúp của kiến trúc sư tài hoa Christopher Wren.
Ấn tượng chung là nó giống như cung điện lộng lẫy của Hoàng đế nước Pháp ở Versailles chứ không phải là một viện an dưỡng. "Trong nhiều năm liền, đó là công trình duy nhất trông giống như một cung điện ở London" - trích lời một nhà văn vào năm 1815.
Đó cũng là lúc những bệnh viện tư bắt đầu được mở cửa ở London. Thiết kế xa hoa của viện cũng là một trong những nỗ lực để cạnh tranh với thị trường. Tuy nhiên, thiết kế bên trong của bệnh viện lại hoàn toàn khác.
Do mặt tiền quá nhiều chi tiết tới mức trở nên nặng nề, ngay lập tức nó bị nứt ở phía sau. Mỗi khi trời mưa, nước chảy đầy trên các bức tường. Và bởi vì bệnh viện được xây trên đống đổ nát cạnh bên bức tường La Mã của London nên thậm chí nó còn chưa được làm móng tử tế.
Vào năm 1699, cây bút châm biếm Thomas Brown viết rằng: "Kiến trúc của công trình khiến chúng ta tự hỏi "Liệu những người cho xây dựng cho trình này hay những người được chăm sóc bên trong mới là những kẻ bị ảo tưởng? Tôi nghĩ họ thực sự mất trí khi cho xây dựng một công trình tốn kém như thế cho những người có đầu óc không bình thường."
Mọi người thường đùa nhau rằng ở nơi đây, người tỉnh hóa ra lại điên, còn người điên thì lại tỉnh là như vậy.
Những góc khuất phía sau vẻ hào nhoáng
Với vẻ ngoài xa hoa, Bethlem đã trở thành một điểm đến rất thu hút. Ước tính vào năm 1681, có khoảng 96.000 người ghé thăm nơi này mỗi năm. Chính những nhà chức trách cũng khuyến khích du khách đến thăm để họ có thể quyên góp tiền cho bệnh viện.
Nhưng không chỉ du khách, Bethlem cũng là một trong những bệnh viện có số bệnh nhân cực kỳ đông. Đây là một hiện tượng khá phi lý, vì không lẽ người Anh thời đó thần kinh dễ bất ổn định đến thế?
Nguyên nhân là vì Đạo luật Hỗ trợ người nghèo vào năm 1601 quy định rằng chỉ những người nghèo không còn khả năng làm việc mới được cộng đồng chăm sóc. Những người còn lại, nếu nghèo thì phải đến công xưởng, còn không sẽ bị tống vào tù.
Do đó, những người ăn xin đã ồ ạt giả vờ vào bệnh viện làm người tâm thần để khỏi bị tống giam hay đi lao động khổ sai. Chỉ có điều, họ không ngờ rằng khi bước chân vào Bethlem cũng đồng nghĩa với việc họ đã mở ra cánh cửa đến "địa ngục trần gian".
Hai bức tượng có vẻ ngoài đầy u sầu và cay đắng, được đặt ở cổng bệnh viện như ngầm báo hiệu một "địa ngục trần gian" ở bên trong
Những phương pháp điều trị bệnh tâm thần ở đây khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Ví dụ như "chiếc ghế xoay" được sáng chế bởi nhà vật lý Erasmus Darwin. Người bệnh sẽ bị cột vào một chiếc ghế treo trên không, sau đó ghế xoay vòng liên tục đến hơn 100 vòng mỗi phút, liệu trình kéo dài lên đến hàng giờ.
Các bệnh nhân bị choáng váng đến mức nôn ra mật xanh mật vàng, nhưng đó lại được xem là… những phản ứng tích cực của quá trình điều trị. Ngoài ra, việc bệnh nhân bị nhốt trong phòng tắm lạnh, bị bỏ đói, xiềng xích và đánh đập là chuyện hết sức bình thường.
Thật may mắn, với sự phát triển của y học và xã hội, bệnh viện Bethlem đã xóa bỏ những phương pháp trị liệu đáng sợ của mình. Đến năm 1815, viện tâm thần Bethlem bị đập bỏ, thay vào đó là một cơ sở hiện đại tại Beckenham - nơi những bác sĩ có trình độ và đạo đức sẵn sàng tiếp nhận và đối xử tử tế với bệnh nhân.
Tuy "cung điện" Bethlem đã không còn, nhưng có thể thấy, những y bác sĩ tại đây đang nỗ lực để xóa bỏ những vết nhơ trong quá khứ, và cố gắng kiến tạo nên một "cung điện" thật sự, xoa dịu tinh thần cho những bệnh nhân của mình.
Tác giả: Ta Ta
Nguồn tin: helino.ttvn.vn