Kinh tế

Cùng công ty bầu Đức, ngân hàng bầu Hiển cũng báo lãi lớn năm qua

Ngân hàng SHB, nơi ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đang làm Chủ tịch HĐQT, đã trải qua một năm kinh doanh với kết quả vượt 65% kế hoạch đặt ra.

Cùng với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), ông Đỗ Quang Hiển được biết đến với vai trò ông bầu bóng đá có tiếng tại Việt Nam. Bầu Hiển cũng là người rất chú trọng vào đào tạo bóng đá trẻ với nhiều lò đào tạo trên cả nước.

Cầu thủ Quang Hải, người ghi 5 bàn thắng tại giải U23 châu Á, được đào tạo tại câu lạc bộ bóng đá của bầu Hiển. Từ năm 2015, Quang Hải khoác áo số 7 của CLB Hà Nội (đổi tên thành CLB bóng đá Sài Gòn vào năm 2016).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nơi ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch HĐQT, vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 với kết quả lợi nhuận ròng tăng tới 65% so với năm 2016. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đang chờ ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, giải quyết.

Bầu Hiển hiện là Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng SHB. Ảnh: Thanh Hà.

Cụ thể, năm 2017 vừa qua, SHB đã giải ngân cho vay khách hàng thêm hơn 34.000 tỷ đồng, đẩy dư nợ tín dụng của ngân hàng lên ngưỡng 196.000 tỷ đồng, tăng gần 21% so với đầu năm.

Chính khoản tín dụng tăng hàng chục nghìn tỷ này đã giúp thu nhập lãi thuần (thu nhập ròng từ lãi các khoản cho vay) tăng tới 18% đạt hơn 4.964 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý IV/2017, khoản này đã lên tới 2.142 tỷ đồng, cao nhất trong 4 quý năm qua.

Bên cạnh thu nhập từ hoạt động chính là cho vay tăng mạnh, các hoạt động như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, đầu tư… của ngân hàng năm qua đều tăng trưởng giúp ngân hàng này thu về tới gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Cùng với đà tăng tín dụng thì nợ xấu tại SHB cũng tăng lên trong năm qua. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, SHB ghi nhận 3.736 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tại đây vẫn được duy trì ở mức 1,9% tổng dư nợ.

Trong khi nợ xấu tăng thêm 700 tỷ đồng năm qua thì ngân hàng này cũng lập tích trích lập thêm từng đó số tiền vào khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nâng tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2017 của ngân hàng ở mức 2.035 tỷ đồng (năm 2016 số tiền trích lập là 1.323 tỷ đồng). Dù vậy, SHB vẫn ghi nhận kết quả lợi nhuận cao kỷ lục kể từ đỉnh năm 2012 đến nay.

Cụ thể, năm qua SHB thu về tới 1.939 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 67% năm trước, sau khi trừ thuế và các chi phí tương tự, ngân hàng báo lãi ròng 1.550 tỷ đồng, tăng 65% và cao nhất trong 5 năm qua. Riêng lợi nhuận quý IV thu về được đã đóng góp gần 1/3 số đó.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tại SHB là hơn 196.000 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản thế chấp của các khách hàng dùng để đảm bảo các khoản vay này lại lên tới hơn 485.000 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần.

Trong đó, tài sản thế chấp nhiều nhất tại SHB là bất động sản với giá trị tại thời điểm lập báo cáo hơn 180.700 tỷ đồng, sau đó là đến tài sản động sản với giá trị hơn 44.400 tỷ đồng, chứng từ có giá gần 32.000 tỷ đồng và các tài sản khác tổng cộng là hơn 228.200 tỷ đồng.

Trong năm 2017, ngân hàng cũng đã tăng mạnh khoản chi phí cho nhân viên từ mức 1.374 tỷ đồng năm 2016 lên 1.556 tỷ đồng. Với số lượng nhân viên tính đến cuối năm 2017 là 6.210 người, bình quân năm qua mỗi nhân viên SHB năm qua đã nhận được tới 250 triệu đồng thu nhập, tương đương gần 21 triệu đồng/tháng, tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2016..

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok