Nửa đầu tháng 8/2018, giá heo (lợn) hơi trong nước đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm dao động từ 52.000- 55.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hai tuần vừa qua, giá lợn hơi đã bắt đầu có xu hướng giảm. Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn dao động từ 49.000- 52.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng so với hồi đầu tháng 8.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, kể từ cuối tháng 3/2018 đến nay, giá lợn tăng đã thúc đẩy hoạt động đầu tư tái đàn và nuôi thâm canh trở lại. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường lợn hơi được cải thiện trong các tháng cuối năm 2018.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau hơn 1 năm giá lợn thấp, người chăn nuôi thua thiệt lớn thì đến tháng 4/2018, giá lợn mới có dấu hiệu hồi phục và tăng dần lên. Hiện nay giá lợn đang ở mức 50.000-52.000 đồng/kg.
“Với giá này tôi cho là tốt, có lợi cho người chăn nuôi, bởi đây là cơ hội để họ có thể lấy lại thua thiệt sau một năm, có điều kiện tích lũy, tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau”, ông Dương cho hay.
Tại một số nơi, giá lợn hơi lên mức 55.000- 56.000 đồng/kg, ông Dương cho rằng đó là cục bộ, chủ yếu ở khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Dự kiến quý 3, 4/2018 sản lượng thịt lợn tăng 1,5- 2% (920.000-990.000 tấn).
“Năm 2017, tỷ lệ số hộ chăn nuôi lợn ở khu vực này giảm, không đủ nguồn cung cho người giết mổ nhỏ lẻ. Những người giết mổ nhỏ lẻ lại không tiếp cận được với các trang trại, doanh nghiệp lớn, chính vì thế giá lợn cao cũng phải mua. Bên cạnh đó, vừa qua do ảnh hưởng của bão lũ nên việc vận chuyển, điều hòa khó khăn, dẫn đến tăng giá cục bộ”, ông Dương cho hay.
Theo ông, nếu trục giá lợn từ 50.000- 52.000 đồng/kg thì người tiêu dùng vẫn chấp nhận được vì một năm qua chúng ta đã được ăn thịt giá rẻ. Năm nay chúng ta có thể chấp nhận sử dụng giá cao hơn một chút để hỗ trợ người chăn nuôi.
Mặt khác, giá tăng cũng kích thích doanh nghiệp, các nhà đầu tư tăng đầu tư vào chăn nuôi.
Tuy nhiên, nếu đẩy giá lợn tăng trên mức 55.000 đồng/kg là tăng ảo, không tốt, ảnh hưởng lớn đến chính ngành hàng thịt lợn. Chẳng hạn như giá thịt lợn tháng 6 so với tháng 5 tăng 8,1% đã làm CPI tăng 0,34%.
“Giá cao kích hoạt người chăn nuôi tăng đàn ồ ạt và chúng ta đã mất hẳn một năm để trả giá, bây giờ mới lấy lại được trật tự thế này. Nếu duy trì trục giá 45.000- 50.000 đồng từ nay đến Tết, thậm chí giữa năm sau thì ngành chăn nuôi sẽ hình thành được một trật tự mới. Còn nếu đẩy giá lên cao, có thể nhập khẩu, thẩm lậu thịt lợn từ các nước xung quanh, người chăn nuôi sẽ mất thị trường”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Dương cho biết, năm nay chăn nuôi phát triển, tổng thể đến cuối năm người chăn nuôi sẽ tăng năng suất sinh sản, tăng sản lượng thịt cung cấp cho các tháng cuối năm, thịt lợn sẽ dương 2%.
Mới đây Bộ NN&PTNT đã có công văn yêu cầu các tỉnh điều tra nắm rõ nguồn cung, giá lợn thịt và thịt lợn; Thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng như: không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg; khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn.
Theo ông Dương, với tình hình này, giá chăn nuôi sẽ tốt trong năm nay và sang năm. Giá lợn từ nay đến Tết và sau Tết vẫn duy trì cao sẽ có lợi cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi có cơ hội tái đàn nhưng phải có kiểm soát. Những hộ nhỏ phải thận trọng. Còn những hộ có chuồng trại, quản trị chăn nuôi tốt, gắn với thị trường, hiểu biết về thị trường, nguồn giống tốt thì có thể tái đàn.
Tại Đồng Nai, giá heo hơi tăng đẩy giá heo giống cũng tăng từ mức dưới 60.000 đồng/kg vọt lên 80.000-90.000 đồng/kg. Giá heo giống tăng chủ yếu vì một số hộ chăn nuôi bắt đầu mua trở lại để tái đàn với kỳ vọng giá heo hơi tăng trở lại.
Tác giả: D. Thùy
Nguồn tin: Báo Infonet