Giáo dục

Cứ xử lý thật nghiêm, Hiệu trưởng có dám sai phạm?

Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ngân sách giáo dục đã trở thành hiện tượng “nở rộ” trong mấy năm gần đây, gây bức xúc trong toàn ngành.

LTS: Bàn về những sai phạm trong quản lý tài chính trường học, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết phản ánh, bình luận sát thực, đáng suy ngẫm để nói lên vai trò của những người đứng đầu một ngôi trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả ý kiến này!


Các năm qua, không ít cán bộ, Hiệu trưởng trường có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, thậm chí xảy ra những vụ tham nhũng ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Sai phạm trong quản lý tài chính ở ngành giáo dục “nở” rầm rộ

Xin minh chứng ra đây một số vụ việc:

Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh từng làm rõ những sai phạm của cán bộ quản lý, hội đồng quản trị trường Đại học Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh) trong việc quản lý, sử dụng, thu chi tài chính.

Cách đây 6 năm, trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) cũng làm xôn xao dư luận vì để xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt là về thu chi, sử dụng tài chính, khiến Hiệu trưởng trường này bị đình chỉ công tác, xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền.

Trong tháng 4 năm 2014, Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) ra quyết định kỷ luật hình thức hạ một bậc lương đối với bà Phạm Thị Hương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh, thành phố Đà Lạt) vì sai phạm về quản lý, sử dụng tài chính.

Theo kết luận của Thanh tra thành phố Đà Lạt, bà Hương không theo dõi báo cáo tài chính và báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp các khoản thu từ năm 2011 đến tháng 11/2013 với tổng số tiền gần 537 triệu đồng; tổ chức dạy thêm và thu tiền sai quy định hơn 246 triệu đồng; chi thu nhập tăng thêm sai quy định 37 triệu đồng.

3333
Siết chặt quản lý tài chính trong nhà trường là một cách để nâng cao chất lượng giáo dục (Ảnh: baobacgiang.com.vn).

Bà Hương cùng với bà Nguyễn Thị Ngọc Ly (kế toán nhà trường) lập hai hệ thống sổ sách, tự nâng giá thực phẩm, tự ý hợp thức hóa các bảng định lượng thực phẩm của học sinh bán trú để hưởng chênh lệch số tiền gần 22 triệu đồng; chia nhau hơn 40 triệu đồng phần trăm hoa hồng; dùng tiền bán trú của học sinh mua bánh, sữa cho các giáo viên gần 21 triệu đồng; chi sai tiền nước hơn 11 triệu đồng...

Năm 2015, thông tin từ Sở Nội vụ Cà Mau cho biết, Uỷ ban Nhân dân tỉnh vừa có báo cáo việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức về Bộ Nội vụ.

Theo đó, trong năm 2014 trên địa bàn có 37 công chức, 50 viên chức bị xử lý kỉ luật.

Trong số công chức bị kỷ luật có nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo như:

Ông Nguyễn Quốc Định (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) bị cảnh cáo vì vi phạm trong công tác tài chính, đấu thầu.

Bà Chung Ngọc Nhãn (nguyên Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội) bị cách chức vì vi phạm công tác quản lý tài chính...

Đặc biệt, trong số các công chức bị kỷ luật tập trung nhiều trong lĩnh vực giáo dục:

Lãnh đạo có ông Thái Văn Long (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục) bị kỷ luật khiển trách vì vi phạm trong công tác tài chính, vận động thầu.

Ông Ngô Trìu Mến (Phó Giám đốc Sở Giáo dục) bị cảnh cáo vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong gói thầu mua sắm bàn ghế học sinh.

Ngoài ra nhiều Hiệu trưởng các trường trong tỉnh bị kỷ luật như ông Trần Hồng Dương (Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cái Nước) bị cảnh cáo vì vi phạm nội quy, quy chế cơ quan.

Ông Lê Quốc Thới (Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Đông Thới, huyện Cái Nước) bị kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm hành chính.

Bà Nguyễn Thị Tiên (Hiệu trưởng trường mẫu giáo Họa My, huyện Phú Tân) bị cảnh cáo vì vi phạm công tác quản lý tài chính...

Mới đây, báo Hà Tĩnh phản ánh có đến 32 trường học ở Hương Sơn thu tiền sai quy định.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài về một Hiệu trưởng Trung học Cơ sở ở quận Ba Đình (Hà Nội) có biểu hiện lộng quyền, trù dập giáo viên, thu chi vô tội vạ tiền của phụ huynh, học sinh.

Danh sách dài các cá nhân, đơn vị trong ngành Giáo dục “dính” sai phạm có lẽ kể mãi không hết cho thấy một môi trường không còn “trong” và “sạch” như xưa.

Thực tế cho thấy, phần lớn các đơn thư tố cáo tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục hầu hết đều liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài chính của Hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng buộc phải xử lý kỷ luật không ít cán bộ quản lý giáo dục do mắc nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng và thu chi tài chính.

Theo bộ phận thanh tra Phòng, Sở giáo dục ở nhiều địa phương cho biết, số vụ việc kiện tụng, tố cáo liên quan đến thu chi ở các trường đang có chiều hướng gia tăng, với diễn biến phức tạp.

Họ phải tốn nhiều thời gian để xác minh, điều tra, làm rõ các sai phạm và kiến nghị cấp trên xử lý, kỉ luật.

Có những vụ việc dù đã được qua cơ quan công an điều tra, xử lý nhưng dư âm của nó vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, làm mất đi niềm tin vào năng lực, phẩm chất của các nhà quản lý giáo dục.

Nguyên nhân của những sai phạm

Vì sao nhiều cán bộ quản lý, Hiệu trưởng ở các trường bậc phổ thông lại mắc nhiều lỗi vi phạm trong lĩnh vực thu, chi ngân sách như vậy?

Với vốn sống công tác nhiều năm trong ngành, theo chúng tôi có mấy nguyên nhân như sau:

Trước hết, các Hiệu trưởng thường xuyên bận rộn với nhiều việc, lại có khi xem nhẹ việc quản lý tài chính nên chưa dành thời gian để học hỏi, nghiên cứu.

Từ việc thiếu kiến thức nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý tài chính này, họ dễ mắc các sai lầm về quản lí thu chi, thậm chí phải trả giá đắt bằng những hình thức kỉ luật…

Cũng có trường hợp Hiệu trưởng bị cấp dưới, kế toán “gài bẫy” làm trái quy định pháp luật mà không hề hay biết.

Tiếp đến, khi đã có chức quyền, được nhiều người tâng bốc, nịnh nọt, Hiệu trưởng dần bị tha hóa, phát triển đầu óc cá nhân chủ nghĩa.

Họ coi kinh phí của Nhà nước cấp, tiền bạc phụ huynh học sinh đóng góp là có quyền định đoạt chi tiêu, bất chấp quy định pháp luật.

Từ những quyết định thiếu minh bạch về tài chính đã dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, kiện tụng kéo dài, đặc biệt, với các cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu thường có tâm lý “tung hoành” trước khi về “vườn”.

Mặt khác, không ít Hiệu trưởng khi lên được chức vụ lãnh đạo rồi, được vài năm đầu nghiêm túc, đạt một số thành tích sau đó lại chủ quan, thiếu rèn luyện về đạo đức.

Hơn nữa, công tác thanh tra ở các trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, thành phần Ban Thanh tra nhân dân bầu ra theo nhiệm kỳ hai năm một lần, dưới sự chỉ đạo của ban chấp hành công đoàn nhà trường; vừa thiếu kiến thức, hiểu biết nghiệp vụ kế toán lại vừa chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Ban thanh tra như vậy thường bị Hiệu trưởng khống chế, cho nên khó phát hiện, ngăn chặn được sai phạm của Hiệu trưởng và kế toán.

Về phía cấp trên, đơn vị chủ quản hằng năm có cử bộ phận tài chính về kiểm tra, quyết toán tài chính đơn vị nhưng vì nể nang, rồi quan hệ “lợi ích” hai chiều nên bỏ qua những sai phạm.

Có trường hợp bị tập thể, giáo viên tố cáo thì cấp trên lại lơ là, bao che gây bức xúc dư luận.

Hiệu trưởng được đà cứ thế làm tới, gây nhiều thất thoát về tài chính cho tập thể, Nhà nước, tạo ra hình ảnh xấu trong môi trường giáo dục.

Để công tác quản lý tài chính luôn minh bạch, hiệu quả theo chúng tôi, trước hết, người lãnh đạo cần tu dưỡng đạo đức, giữ gìn phẩm chất trong sạch, liêm khiết, tránh xa những cám dỗ về vật chất, tiền bạc.

Mặt khác, các cấp quản lý cần mở thêm những lớp bồi dưỡng, tập huấn về quản lý tài chính để Hiệu trưởng nâng cao hiểu biết nghiệp vụ của mình.

Các khoản thu chi phải được công khai, bàn bạc thống nhất trong toàn hội đồng nhà trường, tạo điều kiện cho tập thể, thanh tra giám sát công tác tài chính, góp phần lành mạnh hóa nhà trường.

Và tất nhiên, công tác thanh tra, xử lý sai phạm phải nghiêm túc, công tâm, tránh tình trạng nể nang, xuề xòa.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok