Kinh tế

Cú rớt thảm của người từng giàu nhất sàn chứng khoán TQ

Từ người giàu nhất sàn chứng khoán Trung Quốc với khối tài sản ròng lên đến 32,7 tỷ USD nhờ cổ phiếu tăng giá thần tốc, Lý Hà Quân mất hơn 14 tỷ USD trong nửa giờ giao dịch.

Tháng 11/2014, Hanergy, một công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bắt đầu lên sàn Hong Kong. 4 tháng sau, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng gấp 4 lần, lên mức 6,8 USD một cổ phiếu.

Lý Hà Quân, người sáng lập Hanergy, trở thành người đàn ông giàu nhất trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Vốn hóa trên thị trường của doanh nghiệp có lúc vượt ngưỡng 40 tỷ USD, gấp gần 10 lần so với công ty năng lượng mặt trời lớn nhất của Mỹ, First Solar Inc.

Theo Forbes, tháng 2/2015, tỷ phú họ Lý là người giàu nhất Trung Quốc và thứ 28 thế giới với khối tài sản ròng là 26 tỷ USD. 2 tháng sau, con số này tăng lên 32,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, cú sốc trên sàn chứng khoán xảy ra vào ngày 20/5 cùng năm khiến ông mất 14 tỷ USD trong vòng nửa tiếng giao dịch. Hôm đó, cổ phiếu của Hanergy giảm gần 50%.

Trước đó, việc cổ phiếu của doanh nghiệp tăng giá thần tốc khiến nhiều người hoài nghi. Sự thiếu minh bạch về hoạt động kinh doanh của công ty khiến nghi ngờ càng lan rộng. Các nhà quan sát cho rằng Hanergy phóng đại sức mạnh tài chính.

Ngày 13/7/2015, FTSE tuyên bố loại Hanergy khỏi chỉ số FTSE China 50 và các chỉ số khác từ ngày 20/7/2015. Ảnh: Getty.


Việc Lý Hà Quân không xuất hiện trong cuộc họp cổ đông thường niên ở Hong Kong vào hôm cổ phiếu lao dốc khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng.

Cuối năm đó, ông quyết định bán số cổ phần trị giá khoảng 70 triệu USD với mức giá rẻ hơn 94,5% trong bối cảnh công ty đang bị chính quyền điều tra và đình chỉ giao dịch trên sàn.

Tài sản ròng của người đàn ông này hiện chỉ còn 1,93 tỷ USD.

Thành công từ sớm

Đế chế của phú ông họ Lý bắt đầu tại làng Quán Đường, nơi những cánh đồng xanh tươi chạy dọc thành hàng. Với những đóng góp vào xây dựng công viên, trường học cũng như đường xá, dân làng coi ông là biểu tượng của hy vọng bởi vùng đất này gần như bị sự phát triển lãng quên.

Khi còn là một đứa trẻ, Lý Hà Quân trội hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa. Giữa những năm 1980, ông đỗ vào một trường đại học ở Bắc Kinh, điều hiếm có tại vùng quê nghèo. Cha mẹ ông rất cố gắng để ông đi học.

Tại Bắc Kinh, người đàn ông này xây dựng một doanh nghiệp thương mại nhỏ và sau đó trở về quê hương vào khoảng năm 2000 với mong muốn chuyển đổi công ty thành một nhà sản xuất năng lượng sạch. Cuối cùng, Lý Hà Quân đổi tên công ty thành Hanergy.

Khi ấy, Quán Đường muốn một nhà máy thủy điện và ông nhận dự án. Lý Vệ Cường, một quan chức, cho biết tuy là doanh nghiệp tư nhân, ít kinh nghiệm và không có nhiều tiền nhưng Lý Hà Quân có một lợi thế: ông là người địa phương.

Năm 2002, nhà máy thủy điện Mu Jing đi vào hoạt động với công suất 30 MW. Cùng năm, ông Lý bắt tay vào án thủy điện Jin’anqiao ở tỉnh Vân Nam. Đó là dự án thủy điện tư nhân lớn nhất Trung Quốc.

Đặt cược vào công nghệ màng mỏng

Năm 2010, ông chớp một cơ hội khác từ chính sách công nghiệp của Trung Quốc: năng lượng mặt trời. Bắc Kinh muốn thay đổi nền kinh tế theo hướng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Với các khoản trợ cấp và cho vay, chính quyền thúc đẩy sự ra đời của hàng chục nhà sản xuất.

Với suy nghĩ năng lượng mặt trời sẽ là điểm sáng trong tương lai, Lý Hà Quân bắt đầu xây dựng nhà máy trên khắp Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc công bố hạn mức tín dụng của doanh nghiệp là 4,8 tỷ USD.

Ban đầu, các nhà máy của Hanergy chủ yếu mua thiết bị và nguyên liệu từ Apollo Solar Energy Technologies Holdings Ltd. Sau đó, doanh nghiệp thâu tóm Apollo. Cuối cùng, sau khi giữ ít nhất 73% cổ phần, tỷ phú họ Lý đổi tên công ty này thành Hanergy Thin Film.

Không giống hầu hết các nhà sản xuất quang năng khác, Hanergy đánh cược vào công nghệ màng mỏng bởi tính năng nhẹ và linh hoạt hơn so với các tấm tinh thể silicon. Tuy nhiên, công nghệ mới này lộ nhiều nhược điểm như chi phí cao trong khi hiệu quả thấp và tốc độ lão hóa nhanh hơn so với mức trung bình.

Shyam Mehta, một nhà phân tích của GTM Reseacrh, nhận định: “Công nghệ màng mỏng không có tương lai”. Ảnh: Hanergy.


Nhìn từ bên ngoài, Hanergy làm rất tốt. Doanh thu của Hanergy Thin Film tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2011-2012 và 19% trong năm 2013. Cổ phiếu của công ty trở thành ngôi sao sáng trên sàn chứng khoán.

Doanh nghiệp lần lượt công bố thỏa thuận với các công ty lớn như IKEA, Tesla và Aston Martin. Bên cạnh đó, Hanergy cũng tham gia một số dự án tại Ghana và Nhật Bản.

Lập lờ đánh lận con đen với nhà đầu tư

Song mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hàng loạt công ty sụp đổ vì tình trạng thừa cung trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Trong khi đó, Hanergy lại tăng quy mô khi mua lại 3 startup của Mỹ và mở hàng loạt cửa hàng trên khắp Trung Quốc.

Đầu tư không hiệu quả khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Nhiều ngân hàng từ chối cho Hanergy vay tiền bởi thông tin thiếu minh bạch. Do đó, Lý Hà Quân phải quay sang vay ngân hàng ngầm với lãi suất cao và dùng số tiền này đầu tư và mua cổ phiếu của công ty.

Bên cạnh đó, ông cố gắng chuyển tiền qua lại giữa 2 công ty nhằm qua mắt các nhà đầu tư rằng dòng tiền vẫn đang chảy vào. Các nhà điều tra phát hiện khách hàng của Hanergy Thin Film thực tế rất ít. Doanh thu chủ yếu, 62% vào năm 2014, đến từ việc mua thiết bị của công ty mẹ.

Lý Hà Quân liên tục mua cổ phiếu của công ty vài ngày trước khi sự cố xảy ra. Ngay trước thời điểm đó, một loạt lệnh bán cổ phiếu với mức giá thấp gửi đi trong vòng một giây và không rõ người thực hiện.

Trong ngôi làng mà ông Lý sống thuở niên thiếu, người dân cảm thấy lúng túng trước thông tin này. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng Hanergy sẽ vượt qua.

Lý Vệ Cường chia sẻ: “Người dân ở đây nói đùa rằng dù nắng, mưa hay gió, Lý Hà Quân sẽ luôn kiếm ra tiền”.

Tác giả bài viết: Kim Ngân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok