Giao diện của ứng dụng quản lý và “khoe” thành tích du lịch đang được cư dân mạng Việt Nam yêu thích |
Chỉ cần cập nhật newsfeed trên Facebook, mọi người đều có thể nhận thấy rất nhiều lượt chia sẻ của bạn bè về một tấm bản đồ với hai màu xanh và xám. Đi cùng với đó là những dòng chú thích với nội dung như: “Đi mỏi cả chân rồi mà mới được 50% thôi á?” hay “Mới được 27 tỉnh thành thôi. Phải cố gắng thêm mới được”…
Được biết đây là chức năng MyTravelMap Viet Nam (trình theo dõi bản đồ du lịch) thuộc một ứng dụng quản lý du lịch bao gồm nhiều chức năng khác nhau như chuyển đổi tiền tệ, hướng dẫn du lịch, cung cấp số khẩn cấp ở từng địa phương…
Nói một cách đơn giản, đây chính là một bản đồ trực quan sinh động giúp người dùng dễ dàng liệt kê được những quốc gia, tỉnh thành mình đã từng đến du lịch và còn bao nhiêu nơi mà họ chưa có dịp ghé thăm. Cũng từ đó, một trào lưu mới đã ra đời, được cư dân mạng Việt Nam hào hứng tham gia.
Ảnh 2: Theo thống kê của ứng dụng này, người dùng Đào Kim Nhi đang là người “check in” nhiều nhất với tấm bản đồ được tô màu trọn vẹn.
“Cái này vừa giúp mình điểm lại những nơi đã đi qua trong hành trình du lịch, vừa có thể khoe khéo “máu xê dịch” của bản thân. Trước đây, mình đã tự làm đồ họa và in một bản đồ Việt Nam của riêng mình, mỗi khi đặt chân đến đâu là mình lấy bút màu tô lên tỉnh đó. Nay có ứng dụng này, mình có thể dễ dàng theo dõi “thành tích” của mình.”, tài khoản N.H.M để lại bình luận.
Tấm bản đồ tự in của N.H.M |
Nữ nhiếp ảnh gia Thủy Nguyễn chia sẻ: “Thấy mọi người check map, mình cũng check map xem đã đặt chân đc những đâu trên Việt Nam mình, ngồi gõ cảm nhận và kỷ niệm về từng tỉnh thành nơi mình ngang qua mà nó không cho share, nên chụp lại màn hình vậy.
Cho đến giờ vẫn luôn nuối tiếc vì chưa thể xách balo lên và đến Tây Nguyên - nơi mình vẫn luôn mong ước 1 lần chạm đến. Chắc đâu đó trong tương lai, hy vọng một ngày nào đó sẽ đặt chân nốt đến hai khoảng trống trên bản đồ Việt Nam! Việt Nam đẹp! Tuyệt đẹp !”
Ảnh 5: Là một nhiếp ảnh gia có tiếng, Thủy Nguyễn có nhiều cơ hội được đi đến các tỉnh thành tại Việt Nam và nước ngoài. Cô cũng được biết đến là một người yêu và luôn trân trọng vẻ đẹp của đất nước ta.
Song, cũng không ít ý kiến cho rằng, trong số những người tham gia ứng dụng này thì chỉ có một số là thực sự đi du lịch, còn đa phần là những bạn trẻ thích… “sống ảo”. “Bản đồ này hiển thị dựa vào những thông tin mà người dùng cung cấp. Nhiều “sống ảo” cũng giả bộ đánh dấu vào cho xanh bản đồ chứ chắc gì đã đi thật”, tài khoản có tên Yen Nguyen nhận xét.
Để có cái nhìn khách quan hơn, PV Dân trí đã liên lạc với một số bạn trẻ tham gia trào lưu kể trên và nhận được rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh chuyến du lịch của các bạn.
N.H.M chia sẻ: “Việc liệt kê những địa điểm mình đã từng đi giúp mình nhớ lại từng kỷ niệm trong quãng thời gian đó. Chuyến đi gần nhất của mình là đến đảo Lý Sơn bé, và thành phố Quảng Ngãi.
Khác với những khách du lịch khác, chỉ lưu lại trên đảo khoảng 2, 3 tiếng để đi dạo, chụp ảnh và tắm biển, mình ở lại đảo bé hơn một tuần. Bởi vậy, mình như được nếm trọn tất cả cảnh sắc của hòn đảo xinh đẹp này khi trời mưa, nắng, khi bình minh, hoàng hôn, khi đêm xuống trăng lên...
Thời gian đó đã cho mình rất nhiều trải nghiệm và để nhận ra rằng đất nước mình đẹp lắm. Tuy ứng dụng này chỉ cho phép người dùng tô xanh cả tỉnh dù chỉ mới đặt chân đến một huyện, nên dễ gây hiểu lầm, và cũng không nói lên rằng bạn đó đi nhiều, đi ít, nhưng cũng là một cách để mình nhìn lại quãng đường “lang bạt” tuổi trẻ ấy”.
Và thống kê du lịch bằng ứng dụng của N.H.M sau nhiều năm "xê dịch” |
Sơn Trần – phượt thủ đi xuyên Việt cùng mẹ hào hứng: “Dù đã đi xuyên Việt nhưng vẫn có những nơi mình chưa có dịp đặt chân đến. Có những tỉnh thành mình đã đi qua 2 3 lần nhưng vẫn có cảm giác mình chưa thể khám phá hết vẻ đẹp trong từng góc nhỏ của địa phương đó...
Ứng dụng này giống như một cách ghi nhật kí du lịch thời hiện đại, nhìn vào đó người dùng sẽ biết nơi nào họ muốn đến tiếp theo, nơi nào họ muốn quay lại, nơi nào đã cho họ những trải nghiệm đáng nhớ... để có động lực “nhấc chân lên và đi” tiếp.”
Bên cạnh những chia sẻ trên, hầu hết các bạn trẻ đều có chung nhận định rằng: “Đồng ý với những ý kiến cho rằng có khá nhiều bạn “check in ảo”, hoặc cũng đã đến địa điểm đó nhưng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” chứ cũng chưa hẳn hiểu rõ về văn hóa địa phương, phong tục, ẩm thực... của nơi đó.
Tuy nhiên, việc này không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến ai và nó cũng chỉ là một hình thức giải trí khá thú vị mà thôi”.
Tác giả: Hồng Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí