Xã hội

Cụ bà bất ngờ sống lại khi gia đình đang lo hậu sự ở Ninh Bình

Hơn 23 năm trước, cụ Hảo bỗng nhiên sống lại khi gia đình đang lo hậu sự. Từ đó đến nay, cụ vẫn khỏe mạnh, đi chăn bò, quét nhà cửa.

Căn nhà của cụ Đỗ Thị Hảo (88 tuổi - Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình) nằm ở xóm 7. Ba năm nay, cụ chuyển sang xóm khác, sống cùng vợ chồng con trai, sau khi chồng qua đời.

Cụ chia sẻ, mình sống cùng con không phải do sức khỏe yếu mà sợ nhớ chồng, tủi thân lại khóc. Trước đó, cụ đã quen với tiếng gọi: “Bà ơi, ra ăn sáng” của cụ ông.

Cụ Đỗ Thị Hảo từng chết đi, sống lại.

Hai mươi ba năm trước, cụ Hảo từng “qua đời” nhưng sau đó sống lại trước sự ngỡ ngàng của gia đình. “Tôi tưởng ông ấy để tang vợ, không ngờ, tôi lại để tang chồng”, cụ Hảo rơm rớm nước mắt nói.

Câu chuyện của cụ Hảo vẫn thường được bà con dân làng kể lại cho những vị khách phương xa.

Ly kỳ chuyện người chết sống lại

Ông Nguyễn Văn Thảo (SN 1963) - con trai cụ Hảo chia sẻ, mẹ ông sức khỏe kém. Năm 1997, cụ đau ốm liên miên, điều trị thuốc men cả năm không đỡ. Trong bàng quang của cụ có nhiều sỏi, đau buốt.

Ông Thảo - con trai cụ Hảo kể lại câu chuyện của mẹ mình.

Một lần, cụ nằm viện suốt nửa tháng, tình trạng ngày càng xấu, bỏ ăn. Bác sĩ khuyên gia đình chuẩn bị tâm lý, đưa cụ về nhà chăm sóc, được ngày nào hay ngày đó. Vợ chồng ông Thảo đành đưa mẹ về, đút từng thìa nước cháo cho mẹ cầm hơi.

“Nhà tôi cách nhà bố mẹ khoảng 3km. Hôm ấy, sau khi vệ sinh cá nhân cho mẹ, tôi về nhà tranh thủ chợp mắt. Vì mấy tuần cụ nằm viện, tôi xuyên đêm trông nom.

Khoảng 11h đêm, có người làng chạy vào báo hung tin, mẹ tôi đã qua đời”, ông Thảo nhớ lại.

Hai vợ chồng con trai vào đến nơi, cụ Hảo đã được buộc tay, buộc chân, khăn phủ kín mặt. Hàng xóm đang mang gạo sang thăm hỏi, bên cạnh là bát cơm úp lồng, 2 cái bát kê dưới lưng.

Ông Thảo cho biết, theo phong tục địa phương, gia đình nào vừa có người mất, hàng xóm sẽ mang gạo sang thăm, người nhà làm thủ tục buộc 2 ngón tay cái, 2 ngón chân cái vào nhau. Đồng thời, họ lấy 2 bát lật úp, kê dưới lưng.

“Bố tôi kể, mẹ tôi ăn cháo, uống thuốc xong một lúc, tay chân bắt đầu cứng đờ, lạnh toát, không còn phản xạ, ngừng thở. Cụ run rẩy, nhờ hàng xóm vào gọi con”, ông Thảo nói tiếp.

Đêm muộn nhưng hàng xóm láng giềng, họ hàng kéo đến nhà cụ Hảo khá đông, bàn bạc, giúp đỡ gia đình lo tang ma. Ai vào đều khẳng định cụ Hảo đã “đi”.

Từ ngày "sống lại", cụ Hảo gầy nhưng khỏe hơn trước.

Những người già trong nhà dự tính, khoảng 2h nữa sẽ làm công tác khâm liệm, nhập quan. Ông Thảo gọi điện nhờ người mua hộ áo quan, mời thầy về làm lễ… Những nén nhang bắt đầu được thắp lên.

"Do đêm khuya, gia đình tôi cũng chưa ra UBND khai tử cho mẹ theo thủ tục", ông Thảo nói.

Khi ông Thảo ngồi bên cạnh, lòng đầy đau đớn vì mất mẹ, bỗng thấy đôi mắt cụ Thảo khe khẽ động đậy, miệng mấp máy.

Mười phút sau thì cụ Hảo choàng mở mắt ra, thấy con trai liền hỏi: “Sao lại trói mẹ thế con?”. Ông Thảo ngỡ ngàng, người cứng đờ ra vì cảnh tượng kỳ lạ.

Ông định thần lại rồi gọi người nhà vào, nhanh chóng tháo dây buộc tay, chân mẹ ra.

Cụ bà gần 90 tuổi vẫn còn tinh tường.

“Lúc mở mắt, tôi chỉ nghĩ mình vừa ngủ dậy, không biết mình vừa “chết”. Đến lúc thấy cộm cộm dưới lưng, tôi đưa tay sờ, thấy 2 cái bát úp. Hóa ra, mọi người tưởng tôi đã chết nên làm thủ tục như vậy”, cụ Hảo mỉm cười tiếp lời con trai.

Trong trí nhớ của cụ Hảo, hôm ấy, nhà nhốn nháo người, tiếng khóc xen lẫn tiếng sụt sùi, gọi tên mình. Cụ nhổm người, ngồi dậy, cả làng nghe tin, kéo đến xem.

Chia sẻ về giây phút “âm-dương”, cụ Hảo cho hay, cụ nghĩ mình ngủ say, mơ một giấc mơ lạ rồi giật mình tỉnh dậy, không có gì quá đặc biệt.

Mỗi ngày ăn 4 bát cơm, đi chăn bò

Sau khi tỉnh dậy, sức khỏe cụ Hảo dần khá hơn, ăn uống ngon miệng. Con dâu cụ là bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1963) cho mẹ chồng uống thuốc tây y, kết hợp xoa bóp thuốc Nam, dần dần cụ đi lại được.

Bà Ngọc là người trực tiếp chăm sóc cụ Hảo vài năm gần đây.

Cụ Hảo không đi cấy nữa, bàn với chồng vay mượn, mua đôi bò về chăn thả. “Tôi bảo với ông Cù (chồng cụ Hảo - nv): “Tôi không ra ruộng được, ông mua cho tôi đôi bò, tôi chăn cho vui, vừa có tiền, vừa khuây khỏa. Giờ còn sức khỏe, ở nhà ăn rồi ngủ, tay chân thừa thãi, càng ốm thêm”.

Vợ chồng cụ Hảo sống riêng, ngày ngày cụ Hảo lùa bò ra đồng, trưa về thổi cơm, làm vườn. Ngoài cặp bò, vợ chồng cụ Hảo nuôi thêm đàn vịt, lấy trứng, tăng gia. Cách đây 3 năm, cụ Cù mắc bạo bệnh, đột ngột qua đời.

Cụ Hảo nhớ thương chồng, khóc hết nước mắt. Con trai đón mẹ sang sống cùng, tiện việc chăm sóc. Cụ định không đi nhưng ở nhà, thấy đâu cũng có bóng dáng người chồng quá cố nên đành thu dọn theo con.

Cụ bà 88 tuổi vẫn tự dọn dẹp nhà cửa, đi lại nhanh nhẹn.

Bà Ngọc cho biết, mỗi bữa, bà xới 2 bát cơm, chuẩn bị ít thịt, cá, canh, bưng xuống mời mẹ chồng. Cụ Hảo ăn tốt, không để thừa đồ ăn bao giờ.

“Bốn năm trước, mẹ tôi ốm một trận cũng “thập tử, nhất sinh”, phải mổ lấy sỏi ra. Người đã gầy càng teo tóp, chúng tôi sợ cụ không qua khỏi. Bố chồng tôi khỏe mạnh, chăm vợ cẩn thận. Ai ngờ, mẹ tôi mổ năm trước, năm sau bố tôi mất”, bà nói.

Theo bà Ngọc, đến giờ cụ Hảo vẫn minh mẫn, nhớ cả những chuyện từ lúc còn nhỏ, xem ti vi, quét nhà bình thường. Việc vệ sinh cá nhân, cụ tự làm, không lệ thuộc vào con cháu.

“Hôm nào cụ mệt, mới đồng ý để tôi rửa mặt, chải đầu cho”, con dâu cụ Hảo nói thêm.

Ông Trần Thanh Chinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Thiện thông tin: "Trường hợp cụ Hảo là người cao tuổi tại địa phương. Chuyện cụ chết đi, sống lại tôi không nắm rõ, chỉ nghe phong thanh.

Vì nếu gia đình có người mất, sẽ phải làm thủ tục khai tử, kế hoạch tổ chức tang ma, báo cáo lên chính quyền địa phương theo quy định pháp luật.

Có thể, thời điểm đó, cụ mới chỉ bất tỉnh, rồi hồi sức lại, gia đình chưa báo ra chính quyền".

Tác giả: Minh Khuê

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok