Khó đạt tăng trưởng như dự báo
Trong 6 tháng đầu năm Việt Nam có mức tăng trưởng GDP 1,81% - mức thấp nhất trong 10 năm qua, song vẫn là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương nhờ những thành công trong việc kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố hôm 21/7, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn có thể tăng trưởng dương từ 2,2% đến 3,8% nhờ vào nguồn lực nội tại và những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Tuy nhiên, các dự báo trên đều mới chỉ tính đến tình hình kiểm soát dịch COVID-19 trên thế giới mà chưa tính đến trường hợp Việt Nam xuất hiện đợt dịch lần 2. Vì thế, trước khả năng dịch bùng phát đợt hai đang ngày càng rõ nét, giới chuyên gia e ngại nền kinh tế Việt Nam rất khó để đạt được kết quả tăng trưởng như các dự báo.
Trả lời báo chí, chuyên gia Nguyễn Đức Thành, cựu Viện trưởng VEPR, cho biết, với thực tế hiện nay, VEPR sẽ có dự báo mới, trong đó nhiều khả năng kinh tế có thể tăng trưởng âm khi khả năng dịch bùng phát đợt hai hiện hữu. Lý do là hoạt động tiêu dùng và du lịch từng khiến giới chuyên gia kỳ vọng giúp GDP có thể hồi phục trong quý III nay lại bị vùi dập vì chịu thiệt hại nặng nề từ COVID-19.
Chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng âm khi khả năng dịch bệnh bùng phát đợt hai hiện hữu. (Ảnh minh hoạ). |
TS.Bùi Trinh - Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, cũng phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang hết sức khó khăn do những tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần trước, khả năng chống chọi lúc này rất thấp. Nếu phải gánh tiếp ảnh hưởng của đợt dịch lần hai thì chắc chắn tác động sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa.
“Chúng ta đã mất 1 tháng không hoạt động sản xuất, bên cạnh đó nền kinh tế còn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 với số người mất việc làm tăng cao, nhiều doanh nghiệp phá sản, làm ăn thua lỗ, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn... Nếu bây giờ dịch tiếp tục bùng phát đợt 2, phải tiếp tục thực hiện cách ly, giãn cách xã hội quy mô lớn thì nền kinh tế sẽ khó tiếp tục tăng trưởng. Đạt mức tăng trưởng bằng 6 tháng đầu năm đã là một thành công”, ông Trinh nói.
TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu- Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng nêu quan điểm, khả năng dịch COVID-19 bùng phát sẽ tạo ra tâm lý e ngại đầu tư, e ngại sản xuất kinh doanh, từ đó chắc chắn sẽ tạo ra tiêu cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để biết mức độ ảnh hưởng như thế nào thì cần phải có thêm thời gian theo dõi, ít nhất là trong 2 tuần nữa trên cơ sở mức độ lây lan của dịch bệnh mới có thể đưa ra được những dự đoán chính xác hơn về dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cũng theo TS.Vũ Thành Tự Anh, xét về mặt kinh tế vĩ mô, nếu dịch COVID-19 bùng phát sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thậm chí là tiêu cực hơn đợt 1.
"Giải ngân" sớm các gói hỗ trợ
Bàn về các giải pháp giảm thiểu sự tác động của COVID-19 đến nền kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định cần tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ thiết thực và đúng lúc cho doanh nghiệp gặp khó, đặc biệt là về nguồn vốn.
“Vai trò của Ngân hàng Nhà nước, vai trò của hệ thống tài chính trong việc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng nhưng hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn từ đợt dịch trước nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn vốn hay những doanh nghiệp mới trong giai đoạn phục hồi cũng cần được sự hỗ trợ để tiếp tục tồn tại và phát triển", chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói.
Cũng theo ông Thành, việc cần làm ngay lúc này là phải xem xét tình hình thực tế của các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào có thể tồn tại để hỗ trợ, doanh nghiệp nào đang đứng bên bờ vực phá sản để có những phương án giải quyết hậu quả.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng nhận xét, nhiều chính sách được thiết kế tốt, ra đời nhanh nhưng thực thi không hiệu quả.
“Các gói hỗ trợ của Việt Nam nhanh, quy mô tương đối lớn nhưng chưa thực sự đến được doanh nghiệp, người lao động. Vẫn rất nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách, nguyên nhân là do sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa chính sách và việc thực thi chưa tốt. Hạn chế này cần khắc phục ngay để giúp doanh nghiệp, người dân chống chọi với những tác động của dịch COVID-19”, ông Tự Anh nói.
Theo dự báo mới nhất của VEPR, có 2 kịch bản cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam 2020. Tuy nhiên cả 2 kịch bản này đều không tính đến tình huống COVID-19 quay lại, bùng phát ở Việt Nam. Cụ thể: - Trường hợp thứ nhất, với kịch bản cơ sở (khả năng cao): Trong kịch bản này, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam. Theo đó, mức độ tác động của COVID-19 lên các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%. Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản. - Trường hợp thứ hai, kịch bản bất lợi (khả năng thấp): Ở kịch bản này, bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu dịch COVID-19 ở các trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV/2020, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Song song với đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%. |
Tác giả: Lan Hương
Nguồn tin: Báo VTC News