Giáo dục

Covid-19: Không thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất

Nếu trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8 như kế hoạch, thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất.

Ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý việc kéo dài thực hiện cách ly xã hội với 12 tỉnh thành ít nhất thêm 1 tuần, đến 22/4, dỡ bỏ “lệnh cấm” với 36 tỉnh thành khác.

Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan.

Chính vì vậy, ngành giáo dục cũng đang "đau đầu" về phương án cho học sinh đi học trở lại như thế nào, kỳ thi THPT quốc gia sẽ ra sao mặc dù đã trình các phương án kế hoạch thi tới Chính phủ để xin ý kiến, vì quan trọng nhất hiện nay vẫn là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân.

Còn về phía thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay cũng đang tràn ngập nỗi lo lắng nếu không thi THPT quốc gia.

Cho dù dịch bệnh diễn biến như thế nào thì chúng em cũng phải trải qua một kỳ thi, hoặc là THPT quốc gia hoặc là thi tuyển sinh đại học của từng trường

Em vẫn phải thi

Mong đợi kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn được tổ chức, em Phạm Tô Huyền Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An lí giải, thứ nhất, em thấy tình hình hiện tại vẫn đủ để học sinh 12 hoàn thành chương trình học và ôn thi THPT quốc gia. Và như vậy vẫn đảm bảo các yếu tố để thi THPT quốc gia bình thường.

Thứ hai, phương án không thi THPT quốc gia theo em là không phù hợp. Khi không thi THPT quốc gia đồng nghĩa các trường đại học sẽ phải tổ chức thi riêng, mà việc này sẽ rất lộn xộn và khó khăn cho nhiều học sinh, như là không thể đăng ký tất cả trường mình muốn (trùng lịch thi...) hay là phải di chuyển đi xa đến nơi tổ chức thi.

“Các hạn chế này của kỳ thi riêng từng trường rất rõ ràng trước đây và đã được khắc phục bằng cách thi chung cả nước thì tại sao bây giờ lại tách ra để lại có những bất cập” - Trang đặt câu hỏi.

Thứ ba, khi thi riêng từng trường thì mỗi trường sẽ có yêu cầu riêng và sẽ khác rất nhiều so với bài thi THPT quốc gia, đơn cử như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cho thêm phần thi tự luận vào bài thi Toán. Điều này rất bất lợi cho học sinh 2002 chúng em vì chúng em đã có ít thời gian hơn, gấp rút hơn, lại phải thích ứng, thay đổi theo yêu cầu của từng trường, sẽ rất khó khăn.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút gọn, tinh giản chương trình học và thi nên đã đỡ hơn được một phần. Cho dù dịch bệnh diễn biến như thế nào thì chúng em cũng phải trải qua một kỳ thi, hoặc là THPT quốc gia hoặc là thi tuyển sinh đại học của từng trường.

Với các lí giải như trên, Huyền Trang mong muốn, kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn được tổ chức, đây cũng là mong muốn của bố mẹ em, bởi cách thức xét tốt nghiệp ở từng địa phương và thi đại học ở từng trường sẽ dẫn tới nhiều bất cập và bất lợi cho học sinh. Với em và gia đình, kết quả kỳ thi THPT không phải chỉ để xét tốt nghiệp mà mục tiêu quan trọng hơn là để vào đại học.

Em không xoay sở kịp

Ủng hộ cách tổ chức thi THPT như những năm gần đây, em Nguyễn Đắc Minh, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cách thi trắc nghiệm đã thành mô típ chung, học sinh đã được ôn luyện từ khi bắt đầu năm học. Nếu trong những tháng cuối cùng mà quyết định thay đổi phương án thi thì những học sinh như em sẽ không thể xoay sở kịp.

Đắc Minh cho biết, đến thời điểm này các em đã học xong kiến thức cơ bản, giờ đang tập trung ôn tập. Vì vậy, việc nghỉ học kéo dài thời gian qua rất có lợi cho việc tự ôn tập của em. Nếu trong trường hợp không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, theo Đắc Minh, các bạn học sinh có mong muốn thi nhiều hơn một nguyện vọng sẽ rất vất vả và mệt mỏi.

“Em chỉ mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tìm ra được phương án thi, tuyển sinh tốt nhất cho năm học đầy biến động này” - Đắc Minh giãi bày.

Đối với em Mai Anh Tuấn, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Thái Bình, kỳ thi THPT quốc gia không chỉ giúp em tốt nghiệp THPT mà quan trọng hơn là giúp em có cơ hội đỗ được vào trường đại học yêu thích. Với những gì đã chuẩn bị suốt thời gian qua, Mai Anh Tuấn mong muốn được tham gia kỳ thi chung của cả nước.

Em lí giải, em không thích cơ chế thi riêng theo từng trường, vì như vậy sẽ khó đảm bảo tính khách quan và khó có tương quan so sánh. Ví dụ trường A là trường ở tốp cao và có nhiều người muốn vào nhưng vì không đủ tự tin dự thi riêng nên nộp hồ sơ vào trường B, kéo theo điểm sàn trường B sẽ cao, trong khi đó có thể điểm sàn vào trường A lại thấp, sẽ rất "hên xui".

“Vậy nên em nghĩ thi chung là tối ưu, vì sẽ quy sức học của học sinh về cùng một hệ quy chiếu” - Mai Anh Tuấn chia sẻ.

Chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp mới không tổ chức kỳ thi

Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho biết, tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia sẽ tốt hơn, bởi từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi.

Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.

“Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường đại học để được vào học tiếp…

Nhóm học sinh khá giỏi ước mơ vào giảng đường đại học đã phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tâm tư nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Quyết định này, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này” - Ông Quyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho rằng, việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo.

“Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia này” - Ông Bình nói.

Khi đưa ra lí do để có thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trưởng THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo, nội dung kiến thức chủ yếu là học kỳ I lớp 12, kiến thức của học kỳ II chỉ ở mức nhận biết, thông hiểu, đề tham khảo được các chuyên gia, các nhà giáo đánh giá là vừa sức, phù hợp, đảm bảo các yêu cầu phân loại học sinh.

"Nếu tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ có nhiều thuận lợi, ít xáo trộn" - ông Bình nhấn mạnh.

Tác giả: Thu Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok