Thể thao

Công Vinh, ông chủ tịch Giang Đông và cuộc chiến giành 'cô gái Sài Gòn'

18h chiều nay trên sân Thống Nhất, sẽ có trận derby Sài thành ở V-League giữa CLB Sài Gòn và CLB TP.HCM – một trận derby quen mà lạ.

Lần gần đây nhất người ta nói tới “derby Sài thành” là tháng 4 năm 2012. Đó là trận đấu lượt về giữa Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và Navibank Sài Gòn. Nó diễn ra đúng vào ngày giải phóng miền Nam (30/4).

Nhưng phải nói thẳng, đó chỉ là cuộc derby xứ Nghệ trên đất Sài Gòn. Xi măng Xuân Thành Sài Gòn của bầu Thụy là đội bóng xuất phát từ Hà Tĩnh còn Navibank Sài Gòn có tiền thân là CLB Quân khu 4 đóng ở Vinh.

Thế nên ngoài 2 cái tên gắn phía sau chữ “Sài Gòn” họ chẳng có gì thuộc về Sài Gòn cả. Và cũng thế nên, 6000 người (theo thống kê của BTC) đến sân Thống Nhất xem trận “derby” này thực ra là đã… nhiều và phải mất thêm cả vài chương trình ca nhạc tạp kỹ đi kèm.

Đình Luật là cái tên gắn liền với các đội bóng mang danh Sài thành. Anh xuất thân từ Quân khu 4, rồi trở thành cầu thủ của Navibank Sài Gòn, rồi là đội trưởng Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và giờ là cầu thủ của CLB TP.HCM.

Vì không phải sinh ra ở Sài Gòn, không mang văn hóa Sài Gòn và làm bóng đá theo kiểu ăn xổi mà cả đội bóng của bầu Thọ lẫn bầu Thụy đã biến mất khỏi đất Sài Gòn và biến mất luôn khỏi bản đồ bóng đá nước nhà.

Bầu Thọ lặng lẽ buông Navibank Sài Gòn tháng 9 năm 2012 sau 4 năm “đốt tiền” vào bóng đá. 3 tháng sau, đội bóng tuyên bố giải thể.

Xi măng Xuân Thành Sài Gòn thì cố bám trụ nhưng chưa hết mùa giải 2013 cũng giải tán nốt. Cuộc “tháo chạy” khỏi bóng đá của anh em bầu Thụy khiến nhà tổ chức “méo mồm” và suýt đi cả mùa giải 2013.

Chiều nay, Sài Gòn lại có derby nhưng lại phải nói thẳng, nó mới chỉ là bán derby Sài thành.

Vì sao? Vì CLB Sài Gòn giờ này năm trước là tân binh của V-League đang chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên gặp HAGL trên sân nhà Hàng Đẫy (diễn ra ngày 22/1) dưới cái tên CLB Hà Nội.

Nghĩa là đội bóng của chủ tịch Nguyễn Giang Đông mới chỉ định cư ở đất Sài Gòn chưa đầy 1 năm. Trong 1 năm ấy, bảo người Sài Gòn coi đội bóng từng lấy đất Nhổn làm đại bản doanh là con cưng của mình, nghe chừng rất khó.

Đội bóng con cưng của người Sài Gòn phải là CLB TP.HCM mà Lê Công Vinh đang nắm quyền chủ tịch. Chính xác thì đội bóng này từng là con cưng của người Sài Gòn.

Phong cách chơi bóng của CLB TP.HCM giờ đây dẫu không còn bóng dáng của Cảng Sài Gòn oanh liệt năm nào song không ai xóa đi được lịch sử thăm trầm và cái gốc Sài thành của đội bóng này. Ông Lư Đình Tuấn – người đang là trợ lý của HLV Alain Antoine Fiard ở CLB có thể làm chứng.

Lư Đình Tuấn là một người gốc Hà Nội vào Sài Gòn cùng gia đình sau giải phóng 1975 rồi gia nhập đội bóng Cảng Sài Gòn, thi đấu giành chức vô địch quốc gia mùa bóng 1993-1994 và 1997. Đó cũng là những năm tháng hoàng kim của Cảng Sài Gòn.

Chỉ tiếc rằng, khi Tuấn “nhím” bước vào cabin huấn luyện cũng là lúc Cảng Sài Gòn thay tên đổi chủ theo vòng xoáy “chuyên nghiệp kiểu V-League”. Ngôi Á quân mùa giải 2001-2002 chỉ càng làm cho những ai yêu mến Cảng Sài Gòn sau đó thêm đau, thêm hối tiếc khi nhìn đội bóng chìm sâu.

Cũng bởi vậy, năm 2009, để bảo vệ cái tên "Cảng Sài Gòn” – tài sản tinh thần và là một thương hiệu lớn mang tầm vóc lịch sử của bóng đá Sài thành, Hội CĐV Cảng Sài Gòn đã quyết định giải tán. Năm đó, Cảng Sài Gòn đã chuyển tên thành CLB Bóng đá TP Hồ Chí Minh, phải đi “thuê” CĐV cổ vũ ở khán đài B, rồi rớt xuống hạng Nhì.

Bây giờ CLB TP.HCM đã trở lại V-League trong một diện mạo mới, hy vọng mới. Công Vinh đang làm tất cả để hàn gắn quá khứ, để một Cảng Sài Gòn năm nào trở lại trong tim người Sài Gòn.


Công Vinh đang cùng đội bóng làm tất cả để giành được tình yêu của người hâm mộ Sài thành

Cũng giống như CLB TP.HCM, CLB Sài Gòn không còn cách nào khác phải “hóa tâm hồn” để trở thành một Sài Gòn không chỉ ở cái tên. Bóng đá cần khán giả để sống. Người Hà Nội không thể mãi chạy vô Sài Gòn cổ vũ cho thày trò Đức Thắng được. Và ông chủ tịch Nguyễn Giang Đông cũng đang làm tất cả để lấy lòng người Sài Gòn.

Thế nên, trận bán derby Sài thành chiều nay chúng ta hãy cứ tưởng tượng nó như một cuộc chiến tình yêu, đội bóng của Công Vinh là chàng trai Sài thành từng sống chết vì cô gái Sài thành xinh đẹp, nhưng phải ra đi, nay quay về nối lại tình xưa. Còn đội bóng của chủ tịch Giang Đông là một chàng trai Hà thành mới vào Sài Gòn định cư cũng đem lòng yêu cô gái Sài thành tha thiết.

Tác giả bài viết: Hà Thành

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok