Trong tỉnh

Công ty TNHH ĐTXD&DVTM Đông Phương (Thanh Hoá): Ngang nhiên "đổ đất" trái phép

Trong quá trình ghi nhận việc khai thác đất với cách gọi là tận thu từ giai đoạn 1 đến đầu giai đoạn 2 của Công ty TNHH đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Đông Phương tại xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), chúng tôi liên tục phát hiện các xe tải chở đất từ điểm tận thu đến đổ tại kho chứa của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh khác và chở vào san lấp tại các nhà máy gạch trên địa bàn. Chiếu theo giấy phép, các điểm tập kết này không đúng với quy định được cấp phép.

Toàn cảnh khu vực tận thu đất của DN Đông Phương ngày 5/1.

Theo ghi nhận, sau khi có giấy phép giai đoạn 2, DN Đông Phương bắt tay ngay vào việc san gạt và múc đất. Ngày 30/12/2022, chúng tôi ghi nhận xe tải BKS: 35H - 003.83 kéo theo rơ moc 35R - 011.64 chở đất từ điểm tận thu ra tỉnh lộ 522, sau đó đi về thị trấn Vân Du (Thạch Thành) rồi mang ra ngoài Ninh Bình. Tiếp đó, các xe này chạy tiếp từ Ninh Bình ra khu vực nhà máy xi măng Thành Thắng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) để đổ đất. Hành trình theo xe từ vị trí điểm tận thu đến nơi đổ đất kéo dài hơn 60 km.

Xe tải BKS: 35H – 003.83 kéo theo rơ moc 35R – 011.64 chở đất từ điểm tận thu xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành ra Nhà máy xi măng Thành Thắng tại tỉnh Hà Nam.

Tiếp đó, vào ngày 5/1/2023, chúng tôi tiếp tục ghi nhận các xe BKS: 35C – 043.25 kéo theo rơ móc 35R – 004.19; 35C – 045.91 kéo theo rơ móc 35R – 003.29; 35C – 043.71 kéo theo rơ móc 35R – 003.87; 35C – 044.23 kéo theo rơ móc 35R – 003.83… chở đất từ điểm tận thu thành Tâm ra tỉnh lộ 522, sau đó đi tiếp trên Quốc lộ 217B qua huyện Hà Trung rồi nhập vào Quốc lộ 1A ở thị xã Bỉm Sơn. Điểm đến cuối cùng của các xe này là bãi tập kết tại khu vực Thung Lang thuộc tổ 6, phường Nam Sơn (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).

Hành trình chở đất từ mỏ tận thu ở xã Thành Tâm đưa đi tiêu thụ của 4 chiếc xe đầu kéo BKS Ninh Bình

Qua trao đổi với lái xe 35C – 043.71 kéo theo rơ móc 35R – 003.87 thì anh này cho biết, đất trên xe là đất giàu sắt làm phụ gia xi măng chứ không phải đất san lấp thông thường. Xe tải này, anh chở cho công ty, lấy đất từ điểm tận thu ở xã Thành Tâm, sau đó, đổ tại bãi tập kết để sau cung cấp cho Nhà máy xi măng Pomihoa.

Ngoài các xe này, còn có các xe BKS: 35H – 020.21 kéo theo rơ móc 35R – 020.05; 35H – 020.08 kéo theo rơ móc 020.13; 35H – 000.66 kéo theo rơ móc 35R xxx-26… sau khi rời khỏi điểm tận thu đã di chuyển về hướng Ninh Bình, có dấu hiệu giống lịch trình của các xe chở phụ gia xi măng cho các nhà máy ở tỉnh Hà Nam mà chúng tôi đã đề cập trước đó.

Từ điểm tận thu, 4 xe đầu kéo rơ móc chở đất về tập kết tại khu vực Thung Lang thuộc tổ 6, phường Nam Sơn (TP Tam Điệp, Ninh Bình). Theo một lái xe cho biết, đất lấy từ điểm tận thu là đất giàu sắt làm phụ gia xi măng.

Không chỉ xe biển số Ninh Bình, ngày 5/1/2023, chúng tôi còn thấy một số xe BKS tỉnh Nghệ An như: 37H – 045.36 kéo theo rơ móc 37R. 041.84; 37H – 045.30 kéo theo rơ móc 37R – 041.83; 37H – 045.32 kéo theo rơ móc 37R – 041.96… chở đất từ điểm tận thu Thành Tâm di chuyển theo đường QL 217B, sau đó nhập vào QL 1A và mang đất đi tiêu thụ.

Toàn cảnh khu vực khai thác tại điểm tận thu của DN Đông Phương vào ngày 20/2.

Sau thời điểm Tết Nguyên đán 2023, 'công cuộc' đào núi, khoét đồi của Công ty Đông Phương ngày càng diễn ra rầm rộ hơn. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, đơn vị này đã khai thác phân nửa quả đồi có diện tích 53.878 m3 đất. Ngày 19 và 20/2, tại khu vực khai thác, chúng tôi ghi nhận có tới 3 máy múc loại lớn đang múc đất cho nhiều xe tải nằm chờ. Sau khi ăn đủ 'hàng', các xe lũ lượt kéo đi thành đoàn.

Các xe ra vào ăn đất tấp nập, nhiều xe không phủ bạt che chắn khi băng ra đường lớn

Chỉ trong gần 1h ghi nhận, chúng tôi chứng kiến hàng chục lượt xe tải Howo 4 chân ra vào ăn đất, gây nên tình trạng bụi mù mịt, mất an toàn giao thông. Nghiêm trọng hơn, nhiều xe còn không thèm che bạt, phóng như bay ra đường, làm người dân nhiều phen 'hú vía'.

Các xe chở đất từ điểm tận thu tại xã Thành Tâm đưa vào san lấp tại Nhà máy gạch Hà Bắc.

Sau khi đi theo các xe Howo BKS: 36C-308.92; 36H-010.26; 36C-077.67; 36C-014.18..., chúng tôi ngỡ ngàng khi lần này, địa điểm đổ đất là bên trong Nhà máy gạch Hà Bắc (xã Hà Bắc, huyện Hà Trung). Chiếu theo giấy phép được cấp, Công ty Đông Phương lại tiếp tục đổ đất sai quy định, và theo ghi nhận, đây đã là địa điểm thứ 3 mà doanh nghiệp đổ đất trái phép, điều này chứng tỏ từ trước tới nay, doanh nghiệp không hề tuân thủ giấy phép mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp.

Trao đổi với bà Đinh Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, được biết, việc ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác đất ở điểm tận thu là có. Đối với việc DN Đông Phương múc đất ngoài điểm khai thác, bà Trang cho võ đoán: "DN Đông Phương chỉ múc để san gạt đường đi, hiện chưa bán ra ngoài"?.

Quả đồi nằm ngoài ngoài phạm vi khai thác, hiên nay đã doanh nghiệp 'xẻ' ra để làm đường đi cho các xe tải.

Việc đường sá hư hỏng do từng đoàn xe trọng tải lớn ngày đêm quần thảo như đại công trường tại điểm tận thu của DN Đông Phương, bà Trang thừa nhận là có. Đối với xe quá tải trọng, bà Trang cho rằng thẩm quyền của xã có hạn nên không thể kiểm soát được, đây là trách nhiệm của các lực lượng chức năng khác.

Với tình trạng DN Đông Phương bán, đổ đất tại các khu vực không đúng với giấy phép tỉnh Thanh Hóa cấp, bà Trang cho biết, xã không thể kiểm soát được việc này. “Họ bán đất đi đâu thì ai mà biết được, nhân lực của xã có hạn, đâu phải lúc nào cũng kè kè để theo dõi, kiểm tra được đâu. Từ khi xuất hiện điểm tận thu này, chúng tôi cũng rất mệt mỏi”, bà Trang nói.

Các xe đầu kéo BKS Ninh Bình có dấu hiệu chở đất theo cung đường ra nhà máy xi măng mà ngày 30/12 chúng tôi đã ghi nhận.

Như vậy, qua ghi nhận tại giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của điểm tận thu đất của DN Đông Phương này có thể khẳng định, một số lượng lớn đất tại đây đã được mang bán trái phép, không đúng như các vị trí mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu trong giấp phép tận thu.

Ngoài ra, cần phải xác định lại rằng, đất tại khu vực tận thu ở thôn Nông Lý (xã Thành Tâm) là đất san lấp thông thường hay đất giàu sắt làm phụ gia xi măng? Việc các xe đầu kéo với tải trọng lớn mang BKS Ninh Bình liên tục vào một điểm tận thu nhỏ lẻ này lấy đất cho thấy, chất đất ở đây không đơn thuần là đất san lấp như trong giấy phép mà tỉnh Thanh Hóa đã cấp cho DN Đông Phương.

Cỏ cây hai bên đường dân sinh phủ một lớp bụi dày do hoạt động khai thác đất tại điểm tận thu.

Bên cạnh đó, QĐ của UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu DN Đông Phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, mất an ninh trật tự trong khu vực, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các công trình khác có liên quan.

Đồng thời, UBND xã Thành Tâm giám sát quá trình thực hiện thi công phương án và tận thu đất thừa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực và thực hiện đúng phương án, thời gian đã được chấp thuận; quản lý chặt chẽ việc thu hồi, vận chuyển đất thừa trong quá trình thực hiện phương án nêu trên, đảm bảo đúng mục đích, tránh lợi dụng để khai thác khoáng sản trái phép.

Đường dân sinh xuống cấp do hoạt động của các loại xe có dấu hiệu quá tải.

Trường hợp có dấu hiệu về hành vi vi phạm trong hoạt động tận thu đất thừa nêu trên, phải yêu cầu dừng ngay để khắc phục kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ thực tế đang diễn ra tại điểm tận thu của DN Đông Phương, ngành chức năng liên quan cầm sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của DN này trong việc mang đất đi dổ không đúng nơi quy định? Cần làm rõ khối lượng khai thác tận thu dưới hình thức hạ cốt nền, sao lại được vục múc thẳng vào quả đồi với một khối lượng lớn đến vậy để có biện pháp xử lý đối với DN Đông Phương theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Đình Minh

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok