Một thành viên của một cơ quan vận tải quân sự đang dỡ các thỏi vàng từ một chiếc máy bay để vận chuyển đến Ngân hàng Trung ương Venezuela ở Caracas. (Nguồn: Manaure Quintero/Bloomberg)
Công ty đã bắt đầu kinh doanh với một giao dịch chấn động vào tháng 1/2018 khi nhập khẩu khoảng 41 triệu USD vàng từ Venezuela. Giao dịch đầu tiên này đã đánh dấu thương vụ lớn nhất giữa hai nước trong 50 năm qua.
Đáng nói, trong tháng tiếp theo, khối lượng nhập khẩu vàng của công ty này tăng hơn gấp đôi với gần 100 triệu USD vàng từ Venezuela đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến tháng 11 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp ban hành các lệnh trừng phạt đối với vàng của Venezuela. Tuy nhiên, sau khi Mỹ gửi một phái viên để cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được giao dịch vàng với Venezuela, công ty Sardes vẫn giúp vận chuyển 900 triệu USD vàng ra khỏi đất nước đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng này. Điều này không tệ cho một công ty chỉ có 1 triệu USD vốn, theo hồ sơ tại Istanbul.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là “phao cứu sinh” cho các quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hay có khả năng làm suy yếu các nỗ lực của Washington để cô lập các chính phủ mà họ coi là thù địch hoặc có tham nhũng.
Đáng chú ý, là một trong những đối tác có giá trị nhất của Mỹ trong một khu vực nằm ở châu Âu và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tìm thấy lợi ích chung với các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran và Venezuela.
Ví như khi ông Juan Guaido tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp của Venezuela hồi tháng trước, Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây khác đã vội vã tuyên bố ủng hộ ông trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại liên kết với những người đứng sau ông Maduro.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí