Chủ tịch Quốc hội thăm người có công đang nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên. |
Theo Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) Đào Ngọc Lợi, 71 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Qua đợt tổng rà soát về chính sách người có công năm 2014-2015 và giải quyết chế độ chính sách từ đó đến nay, đại bộ phận NCC đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân tích cực tham gia chăm sóc NCC với cách mạng, từng bước ổn định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nói chung và các gia đìnhcó công với cách mạng nói riêng.
Trong từng giai đoạn, điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, các chính sách đã được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp nhằm bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của người có công cho nền độc lập tự do của tổ quốc.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, hệ thống chính sách,pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với NCC, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi NCC.
Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 đã được tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới và quá trình cải cách hành chính vào các năm 1998, 2000. Và đặc biệt vào năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng thay thế Pháp lệnh ưu đãi năm 1994.
Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng năm 2005. Ngày 09/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng.
“Có thể thấy chính sách ưu đãi NCC đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng như đối với xác nhận liệt sĩ, thương binh…”, ông Đào Ngọc Lợi cho biết.
Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người (trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,… với ngân sách nhà nước hàng năm trên 30.000 tỷ đồng; hàng năm Chủ tịch nước cũng dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.
Các chế độ ưu đãi được quy định đối với từng diện đối tượng NCC, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân. Bên cạnh đó NCC và thân nhân còn được hưởng các ưu đãi khác là: về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng...
Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng từ ngân sách Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được duy trì và phát huy từ Trung ương đến địa phương hàng năm hàng nghìn tỉ đồng để tặng sổ tiết kiệm; xây, sửa nhà tình nghĩa; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng. Đến nay cả nước 98% số hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
“Bên cạnh đó, toàn ngành lao động - thương binh và xã hội đã tập trung, quyết liệt phối hợp với các địa phương chú trọng triển khai công tác rà soát, xác nhận đối với người có công thực sự đến nay chưa vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước này. Đây là công việc tuy rất khó khăn, phức tạp do qua các thời kỳ kháng chiến, hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản lý người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc và không còn bất kì loại giấy tờ nào ghi nhận sự việc hy sinh, bị thương trong kháng chiến...” , Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết.
Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) trên toàn quốc, đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sĩ, đồng thời tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, trong số liệt sĩ được công nhận có những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm nhưng do không còn thân nhân cùng nhiều yếu tố khác, đến nay mới được công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận và giải thích thấu đáo đối với đối tượng.
Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.
Tác giả: XC
Nguồn tin: Báo Tin tức