Bàn thắng vào lưới Club Brugge trong trận thua 1-2 của đội trẻ Sint-Truidense hôm 28/8 là pha lập công đầu tiên của Công Phượng ở CLB mới. Đây cũng là bàn đầu tiên của Phượng trong mùa giải 2019. Gần một năm dưới màu áo Sint-Truidense và trước đó là Incheon United, Phượng vẫn chưa có bàn nào ở các trận chính thức.
Công Phượng vẫn duy trì phong độ cao trong màu áo đội tuyển Việt Nam bất chấp khó khăn ở cấp độ CLB. Ảnh: Minh Chiến. |
Nếu bàn thắng là tất cả, một cầu thủ như Công Phượng chắc chắn không thể có tên trong danh sách tuyển Việt Nam đấu Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022. Đương nhiên, HLV Park Hang-seo không nghĩ như vậy nên Công Phượng vẫn được triệu tập.
Khi được hỏi về 8 bàn của Hồ Tuấn Tài ở V.League, ông Park vặn lại: “Hỏi như thế về số bàn thắng thì ta sẽ đánh giá thế nào về các tiền đạo của tuyển Việt Nam hiện tại? Các bạn sẽ nghĩ sao về Hà Minh Tuấn, Nguyễn Tiến Linh? Số bàn thắng rất quan trọng nhưng nó chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá cầu thủ thôi. Đó không phải 100% tiêu chí của tôi”.
HLV Park không nói sai. Ông cũng không định dành một sự ưu ái riêng nào cho Công Phượng. Thực tế chứng minh, phong độ ở CLB, cụ thể là số bàn thắng tại giải quốc nội, đôi khi không liên quan gì tới sự thể hiện của một cầu thủ ở đội tuyển quốc gia.
Công Phượng, người chưa ghi bàn nào ở cấp CLB trong năm 2019, vẫn là chân sút tốt nhất của tuyển Việt Nam tại AFF Cup và Asian Cup với 5 lần lập công. Người đứng thứ hai trong danh sách với 4 bàn là lão tướng Anh Đức. Mùa 2019, Anh Đức mới có 2 bàn cho Bình Dương ở V.League.
Anh Đức là tiền đạo duy nhất của tuyển Việt Nam lập công tại King’s Cup. Ảnh: Minh Chiến. |
Một bằng chứng khác cho hiện tượng này là Hà Đức Chinh. Tiền đạo U23 Việt Nam sút tung lưới Brunei và Thái Lan sau 3 trận vòng loại U23 châu Á hồi tháng 3. Ở V.League, anh có 2 bàn sau... 21 trận.
Chiều ngược lại, ba chân sút cực kỳ ổn định ở giải quốc nội là Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Quyết và Tiến Linh chỉ có duy nhất một bàn tại AFF Cup (trước Campuchia). King’s Cup 2019 vừa qua, Văn Toàn và Anh Đức cùng đá chính. Kết quả vẫn không đổi khi lão tướng của Bình Dương tiếp tục ghi bàn duy nhất hạ gục Thái Lan.
Còn ai dám nói bàn thắng (ở cấp độ CLB) là tất cả?
Ở cấp độ đội tuyển, sự ăn ý, kinh nghiệm thi đấu quốc tế, năng lực đối đầu với các hàng phòng ngự mạnh mẽ, khả năng tận dụng những cơ hội nhỏ nhất nơi một tiền đạo quan trọng hơn rất nhiều pha lập công ở giải quốc nội. Về phương diện này, Anh Đức hay Công Phượng đều có phần trội hơn các đồng nghiệp.
Ông Park không phải HLV đầu tiên và cũng chẳng phải người cuối cùng nghĩ như vậy. Bên kia chiến tuyến, HLV Akira Nishino có lẽ cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Hai tiền đạo của Thái Lan là Supachai Jaided và Chananan Pombuppha mới có tổng cộng 4 bàn mùa này nhưng vẫn được triệu tập còn thần đồng Suphanat Mueanta (7 bàn) bị gạch tên.
Công Phượng phải chơi ở một môi trường khốc liệt hơn hẳn so với các đồng đội ở Việt Nam. Ảnh: STVV. |
Trở lại với trường hợp Công Phượng, không thể bỏ qua việc tiền đạo này đang chơi bóng ở nước ngoài, thi đấu trong một môi trường giàu tính cạnh tranh, tại một giải đấu có độ khó cao hơn V.League rất nhiều. Mùa trước, khi còn đá cho HAGL, Phượng ghi 12 bàn và kết thúc V.League 2018 với tư cách Vua phá lưới nội.
HLV Park Hang-seo cũng xác nhận ông vẫn theo dõi và cập nhật đầy đủ mọi thông tin về Công Phượng. Ông bảo Phượng vẫn có phong độ tốt, không chấn thương và đã sẵn sàng ra sân. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) quy định các tuyển thủ quốc gia chỉ được rời CLB về đội tuyển 4 ngày tính cả hôm thi đấu (5 ngày nếu ở lục địa khác). Bởi vậy, Công Phượng chỉ được rời Sint-Truidense hôm 1/9. Anh sẽ có mặt tại Thái Lan hôm 2/9 và có 3 ngày chuẩn bị trước trận.
Chưa ghi được dù chỉ một bàn ở giải Bỉ, Công Phượng vẫn xứng đáng là con bài quan trọng của tuyển Việt Nam trước Thái Lan.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: zing.vn