Thể thao

Công Phượng có bị quá tải?

HLV Park Hang Seo có một phen hú vía trong những ngày vừa qua khi tiền đạo chủ lực Công Phượng chấn thương. Ngôi sao này sau đó được thông tin rằng sẽ đủ thể lực tham dự VCK U23 châu Á, nhưng liệu cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam có bị quá tải?

Chấn thương của Công Phượng xảy ra trong một buổi tập của đội tuyển U23 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho VCK U23 châu Á. Điều đó tạo nên sự lo ngại rằng cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam bị quá tải vì phải “cày ải” quá nhiều.

Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng từ khi nổi lên thành ngôi sao của bóng đá nội cách đây 3 năm, Công Phượng là một trong những cầu thủ thi đấu nhiều nhất làng cầu Việt Nam.

Khác với các cầu thủ khác, vì Công Phượng quá nổi tiếng nên hầu như trận nào, giải nào anh cũng phải ra sân, có khi còn không vì mục đích chuyên môn, mà ra sân vì những mục đích ngoài chuyên môn.

Phải thi đấu liên tục, Công Phượng luôn đối diện với nguy cơ quá tải (ảnh: Gia Hưng)
Phải thi đấu liên tục, Công Phượng luôn đối diện với nguy cơ quá tải (ảnh: Gia Hưng)

Ví dụ như năm 2015, trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018, trước trận đấu với Thái Lan, thay vì tập trung cho trận đấu này, Công Phượng lại phải về nước đá trận giao hữu cùng đội tuyển U23 Việt Nam với U23 Myanmar.

Trận đấu đấy sau này trở thành trận cầu tai hại, vì U23 Myanmar từ đó đọc được bài của Công Phượng nói riêng và U23 Việt Nam nói chung, rồi đánh bại chính Công Phượng và các đồng đội ở trận bán kết SEA Games 28 sau đó.

Mà không chỉ có trận đấu đấy, nhiều trận khác, nhiều giải đấu giao hữu khác, Công Phượng vẫn cứ phải đều đặn ra sân, dù đằng nào thì anh cũng đã chắc suất đá chính ở mọi cấp độ đội tuyển quốc gia, tức là về lý thuyết không cần phải thử nghiệm Công Phượng thêm nữa.

Nghịch lý của bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ, nếu như tại các nền bóng đá trên thế giới, các giải đấu trẻ, các đội trẻ chỉ là bàn đạp cho những các cầu thủ từ đấy tiến lên chuyên nghiệp, rồi khoác áo đội tuyển quốc gia.

Sau khi lên đến đội tuyển quốc gia rồi, nhiều ngôi sao gần như đoạn tuyệt với các giải trẻ, các đội bóng trẻ, ngay cả khi họ vẫn còn trong độ tuổi cho phép dự giải đấy. Ví dụ như trường của Messi, Aguero (Argentina), Owen, Rooney (Anh)… họ đều thành danh từ khi còn trẻ, nhưng sau khi thành danh rồi, họ không mất công quay lại “cày ải” ở các đội trẻ và các giải trẻ nữa.

Trong bóng đá Việt Nam thì Công Phượng dù đã là tuyển thủ quốc gia, thậm chí luôn chắc suất chính thức ở đội tuyển quốc gia, nhưng cứ phải đá từ giải này qua giải khác, kể cả phải quay lại đá các giải trẻ và cả những sân chơi giao hữu, vì áp lực thành tích.

Với cường độ và mật độ phải thi đấu nhiều như vậy, trong khi tố chất chưa chắc khoẻ hơn cầu thủ bình thường, nên Công Phượng luôn đối diện với nguy cơ quá tải rất cao.

Đấy có lẽ cũng là một phần lý do mà Công Phượng thường đá rất hay ở giai đoạn chuẩn bị của các đội tuyển trước thềm các quan trọng của bóng đá Việt Nam, nhưng khi vào đến giải chính thức thì anh lại đá kém.

Chẳng biết những nhà quản lý bóng đá nội nghĩ gì, cũng chẳng rõ họ toan tính gì? Bởi giữa việc để cho Công Phượng liên tục phải xuất hiện ở hàng loạt giải trẻ, giải chuẩn bị, với việc để Công Phượng và các đồng đội tập trung vào các giải lớn, cái nào lợi hơn?

Bài học của SEA Games năm 2015, AFF Cup 2016 và SEA Games năm 2017 vẫn còn nguyên đấy…

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok