Thể thao

Công Phượng: Chưa ngừng cố gắng nghĩa là vẫn còn hy vọng

Tiền đạo tuyển Việt Nam, số 10 của đội U23, từng biểu tượng truyền cảm hứng của bóng đá Việt, đang sống qua những ngày tháng tồi tệ nhất trong sự nghiệp.


Công Phượng gây thất vọng trong năm 2016 trong màu áo cả đội tuyển và câu lạc bộ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

1. Chuyện về Công Phượng là chuyện về chàng trai đã mê hoặc tất cả những trái tim yêu bóng đá Việt, là chuyện về người đã ghi bàn vào lưới U19 Nhật Bản, đã hủy diệt U19 Australia, đã đi bóng, đã đột phá, đã chinh phục khung thành đối thủ và chinh phục cả bao nhiêu trái tim Việt Nam.

Cho tới một năm về trước, Công Phượng vẫn khiến người ta yêu và thổn thức. Anh ghi 9 bàn cho U23 Việt Nam sau 11 trận, 6 bàn cho Hoàng Anh Gia Lai trong mùa giải V-League đầu tiên. Giải U21 quốc tế 2015, anh năm lần sút tung lưới đối thủ, đoạt Vua phá lưới và danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải.

Bệ phóng hoàn hảo ấy là nền tảng cho Công Phượng bước vào năm 2016. Việc Hữu Thắng thay thế huấn luyện viên Toshiya Miura càng khiến cơ hội của Công Phượng trở nên rõ ràng hơn. Nhưng chính trong điều kiện thuận lợi ấy, Phượng lại đánh mất mình. 17 trận đã qua trên mọi đấu trường, Công Phượng chỉ ghi được ba bàn. Anh “mất tích” ở cả ba sân chơi được kỳ vọng nhiều nhất là AFF Cup, J-League 2 và Giải U21 quốc tế. Trong màu áo tuyển Việt Nam, Phượng năm lần vào sân từ ghế dự bị, chỉ ghi được một bàn trong trận giao hữu với Indonesia.


Bàn đạp U19 Việt Nam từng giúp Công Phượng bay cao trong đoạn đầu sự nghiệp. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Lối chơi của Phượng bị chỉ trích là rườm rà và thiếu hiệu quả. Anh cầm bóng là mất, đi bóng là bị cướp. Lối chơi của Phượng “tối,” bước chân của anh nặng trịch. Anh thích chọn chỗ có đông cầu thủ đối phương nhất để lao vào. Anh lạc lõng giữa các đồng đội, bối rối vì không thể tìm cho mình một vị trí phù hợp.

Tuyển Việt Nam, AFF Cup 2016 với Công Phượng là những con số không tròn trĩnh. Không bàn thắng, không kiến tạo, không dấu ấn, không một lần đá trọn 90 phút. Và cú đá phạt kiểu panenka hôm 24/12 chỉ là một giọt nước làm tràn ly.

2. Cả mùa giải 2016 ùa về, chạy chậm lại trong khoảnh khắc Phượng nghiêng người thực hiện cú sút ấy. 365 ngày được gói gọn lại trong vài chữ: cá nhân, thất bại và lạc lõng.


Quả phạt đền hỏng ăn ở Giải U21 quốc tế 2016 là đỉnh cao thất vọng của Phượng. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Nhiều người chỉ trích Công Phượng đã cư xử quá ngôi sao và tỏ ra vô trách nhiệm trong tình huống ấy. Nhưng với Công Phượng, khoảnh khắc đó còn hơn cả một sự giằng xé. Chàng trai 21 tuổi, trong áp lực ngàn cân từ sự chỉ trích (và cả kỳ vọng), sau một kỳ AFF Cup thảm hại, hẳn rất muốn thể hiện mình, hắn rất muốn tạo dấu ấn, hẳn rất muốn mang tới sự khác biệt.

Nhưng dù có thế nào, khoảnh khắc ấy cũng không thể là biểu hiện của sự kiêu ngạo. Công Phượng trên chấm đá phạt ấy rõ ràng là một kẻ tự ti. Cú đá panenka là biểu hiện cuối cùng của một kẻ yếm thế luôn khao khát được thể hiện mình. Bởi một người đàn ông sẽ hành động khác chàng trai mới lớn, ở một tình thế cần phải tìm giải pháp đơn giản và quyết đoán thì không nhất thiết phải chọn một cú đá quá phức tạp.

Mỗi lần dẫn bóng thất bại, mỗi quyết định qua người không thành công chỉ càng khiến Phượng bế tắc hơn. Bi kịch của Phượng là bi kịch của cầu thủ đã lấy lừa bóng làm lẽ sống, đã không ngừng sáng tạo và đã thành công trong suốt những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp. Nhưng đến hôm nay, cách lừa bóng ấy vẻ như hoàn toàn bị bắt bài.


Phượng bị chỉ trích rất nhiều vì những pha bóng thế này ở tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

3. Những giá trị từng làm nên tên tuổi của Công Phượng giờ đang trở lại chôn vùi tên tuổi của anh. Dường như mọi nỗ lực xưa nay đều chỉ là cát bụi. Công Phượng, như mọi người trẻ khác, có lẽ đang cảm thấy mình là kẻ vô dụng nhất thế giới. Ở tuổi 21, anh lạc lối và đang… chìm.

So với các đồng đội như Văn Toàn, Xuân Trường, cuộc chiến cá nhân của Công Phượng cũng khốc liệt hơn rất nhiều. Anh phải cạnh tranh với hai tiền đạo hay nhất của bóng đá Việt Nam Lê Công Vinh - Nguyễn Văn Quyết. Người thứ nhất là đội trưởng, huyền thoại sống, chân sút số một của đội bóng. Người thứ hai là chủ nhân số áo của Phượng ở tuyển quốc gia, đã hai năm liền giành Quả bóng Bạc.

Những điều từng mang tới vinh quang cho Phượng ở các giải trẻ, giờ trở thành trở lực ngăn cản anh trong cuộc chiến ở tuyển quốc gia.

Người hâm mộ và đồng đội vẫn đặt nhiều kỳ vọng ở Công Phượng. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Trưởng thành là một quá trình vô cùng khó khăn. Và Công Phượng đang trải qua đoạn đường khó đi nhất trên hành trình ấy. Trên sân đấu, Phượng vẫn chạy rất nhiều, vẫn nỗ lực tranh cướp. Quyết tâm của anh được nhìn thấy rõ ràng, được cảm nhận bởi tất cả. Huấn luyện viên Hữu Thắng, huấn luyện viên Graechen, các chuyên gia và người hâm mộ đều biết điều đó.

Nghĩa là dù chưa tìm thấy đường, Công Phượng cũng đã nỗ lực bước đi. Nghĩa là Phượng chưa ngừng cố gắng, nghĩa là anh sẽ không buông xuôi. Và như thế, tương lai của Phượng vẫn còn những hy vọng./.

Tác giả bài viết: Thùy Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok