Thể thao

Công Phượng cần thêm bao nhiêu thời gian để đáp ứng sự kỳ vọng?

Cầu thủ nổi tiếng nhất nước ghi bàn vào lưới Gangwon (Hàn Quốc) tại giải U21 quốc tế đang diễn ra, nhưng bảo Công Phượng đá hay thì chưa hẳn hay, bảo Công Phượng đáp ứng được sự kỳ vọng thì càng khiêng cưỡng.

Sau một kỳ AFF Cup mờ nhạt, người ta chờ đợi Công Phượng sẽ toả sáng ở giải U21 quốc tế, qua đó tìm lại chính mình cho mùa giải 2017 được dự báo sẽ có nhiều thách thức cho Công Phượng.

Giải đấu đang diễn ra thuận lợi cho Công Phượng ở điểm thứ nhất tiền đạo nổi tiếng nhất nước được quay về với các đồng đội cũ tại CLB HA Gia Lai. Thứ nhì, so với AFF Cup có sự hiện diện của các đội tuyển quốc gia nhiều kinh nghiệm, các đối thủ mà Công Phượng phải đụng độ tại giải U21 quốc tế 2016 – cúp Clear Men dễ chịu hơn nhiều.

Thế nhưng, qua 2 trận đấu đầu tiên của vòng bảng giải năm nay, Công Phượng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Có thể Công Phượng chưa tìm lại cảm giác không gian, cảm giác thi đấu tốt nhất sau gần cả năm ngồi dự bị tại Mito Hollyhock. Nhưng như thế dường như vẫn chưa đủ.


Công Phượng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng (ảnh: Nguyễn Đình)

Tuấn Anh cũng từng ngồi dự bị rất lâu tại Yokohama FC (Nhật Bản) trong mùa giải vừa rồi, Xuân Trường cũng chỉ thi đấu vài trận cuối ở CLB Incheon United (Hàn Quốc) trong năm 2016. Thế nhưng phong độ của họ vẫn khá hơn nhiều so với Công Phượng.

Khi được gọi vào đội tuyển quốc gia trong năm 2016, Tuấn Anh và Xuân Trường hoà nhập tốt hơn với các đồng đội ở đội tuyển, trong khi Công Phượng lại cho người ta cảm giác lạc lỏng trong môi trường mới.

Vấn đề có thể nằm ở cách chơi. Tuấn Anh và Xuân Trường đều có lối đá đơn giản và hiện đại hơn Công Phượng. Cách đá bóng của 2 tiền vệ nọ mang nhiều dấu ấn của chiến thuật, của tính kỷ luật chiến thuật, trong khi lối chơi của Công Phương cho đến giờ vẫn mang nhiều màu sắc cá nhân.

So sánh với một đồng đội khác từng nổi lên cùng thời là Văn Toàn, khả năng thích nghi của Công Phượng vẫn kém hơn. Văn Toàn cũng bắt nhịp với đội tuyển quốc gia, vẫn dần “lớn” trong môi trường bóng đá đỉnh cao, trong khi Công Phượng đến giờ vẫn chỉ mới đá tốt ở các giải trẻ.

Văn Toàn bắp nhịp với bóng đá đỉnh cao nhanh hơn nhờ anh thích ứng nhanh hơn, có lối chơi thiên về đồng đội hơn. Sự thật thì Văn Toàn được đào tạo cho vai tiền đạo, nhưng đến giờ cầu thủ này có thể đáp ứng được vị trí tiền vệ cánh như trong sắc áo các đội tuyển. Riêng Công Phượng khi bị đặt hơi lệch so với vị trí quen thuộc tiền đạo lùi, anh gần như vô hại.

Đúng là Công Phượng cần thêm thời gian để tìm lại chính mình, tìm lại cảm giác có vẻ như không còn tốt sau cả năm ngồi dự bị tại Mito Hollyhock. Nhưng vấn đề là thời gian của cầu thủ này cũng không còn nhiều, bởi vài ngày nữa Công Phượng đã bước sang tuổi 22, độ tuổi không thể gọi là bỡ ngỡ trong môi trường bóng đá đỉnh cao.

Để rút ngắn khoảng thời gian lấy lại phong độ tốt nhất, có lẽ Công Phượng nên có sự chuyển biến cho chính mình, như những gì mà người ta từng thấy HLV Miura sử dụng Công Phượng trước đây. Về lý thuyết, các đội bóng trẻ hiện tại cũng có thể bắt bài được Công Phượng, thì môi trường V-League, môi trường bóng đá chuyên nghiệp còn khó đá hơn với tài năng này, trong trường hợp anh chậm thay đổi!

Tác giả bài viết: Trọng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok