Trong tỉnh

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá

Ngày 26-4-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện hỏa tốc số 12 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá.

Ảnh minh họa.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 5 đợt lốc, mưa lớn và mưa đá trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Như Thanh, Mường Lát, Lang Chánh, làm 3 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 721 nhà bị thiệt hại một phần; 12,6 ha lúa, 29 ha cây trồng lâu năm, 120 ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại. Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 26 và 27-4 khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa rải rác, có nơi mưa rào và dông, trong cơn dông đề phòng xảy ra gió giật mạnh, lốc sét, mưa đá.

Thực hiện Công điện số 481/CĐ-TTg ngày 25-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yeu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả dông, lốc, mưa đá (đồng thời lưu ý đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19); tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị thiệt hại, không để người dân bị thiếu đói. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, tổng hợp nhu cầu gửi về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá có thể xảy ra trong thời gian tới.

3. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá như: Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi có cảnh báo dông lốc, mưa đá; gia cố, bảo vệ mái nhà sử dụng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (fibro xi măng, ngói), thay thế bằng các vật liệu đảm bảo (mái tôn mạ kẽm); xem xét việc thu hoạch sớm hoặc che chắn, bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo nhanh tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

5. Đài PT và TH Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa tiếp tục đưa tin kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai và cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

6. Giao Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện./.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok