Trong tỉnh

Công an TP Thanh Hóa xây dựng thế trận an ninh vững chắc

Với nhiều thành tích nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong năm 2022, Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền thành phố biểu dương, khen thưởng, đánh giá cao.

Trao đổi với báo chí, Thượng tá Lê Ngọc Anh - Trưởng Công an TP Thanh Hóa cho hay: Có thể khẳng định, trong năm 2022, Công an thành phố đã làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ; công tác phòng ngừa xã hội và giải quyết tốt việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Do đó, an ninh quốc gia được giữ vững ổn định, không có đột xuất bất ngờ xảy ra.

Về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an thành phố đã duy trì và phát huy tốt ba mô hình (Công nhân môi trường - Chiến sĩ tuần tra, Camera an ninh giám sát, An ninh công nhân), mang lại hiệu quả phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo ANQG và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Công an TP Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Hiện nay, TP Thanh Hóa có 34 phường, xã với số dân hơn 400.000 người; trên 2.500 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, 15.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút trên 70.000 người từ các địa bàn khác đến lao động, học tập, sinh sống. Theo thống kê của Công an thành phố, hằng năm, số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về hình sự trên địa bàn thành phố chiếm từ 30 - 40% tổng số vụ việc trên toàn tỉnh, nhất là các loại tội phạm cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm về ma túy... Thành phố hiện có gần 4.000 đối tượng hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội, trong đó, số nghiện ma túy là 1.500 người, số nghi nghiện ma túy là 160 người, trên 1.200 đối tượng đặc xá, tù tha, 330 đối tượng được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách... Đây là những yếu tố tiềm ẩn gây mất ANTT, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Trước tình hình trên, để đảm bảo ổn định ANTT, Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 138 thành phố đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và quần chúng nhân dân phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong công tác bảo đảm ANTT.

Trong năm qua, Công an TP Thanh Hóa đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời phối hợp xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, sáng tạo và phát động nhiều phong trào tự quản về ANTT. Đến nay, thành phố có 42 mô hình đang hoạt động hiệu quả, nổi bật là mô hình “Công nhân môi trường - chiến sĩ tuần tra”, “Camera với ANTT”, “Cựu chiến binh với công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông tại các cổng trường học”, “Tổ an ninh công nhân”... Ngoài ra, để phòng ngừa tội phạm, Công an thành phố đã triển khai lực lượng tuần tra vũ trang, kết hợp tuần tra nghiệp vụ phòng ngừa tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đồng thời huy động các lực lượng ở cơ sở tổ chức tuần tra nhân dân phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT ở địa bàn các phường, xã.

Cùng với đó, để củng cố “thế trận lòng dân” trong công tác bảo đảm ANTT, Công an thành phố, Công an các phường, xã đã rà soát, củng cố, kiện toàn 34/34 ban chỉ đạo ANTT phường, xã, 24 tổ bảo vệ ANTT thôn, 2.240 tổ an ninh xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng làm công tác ANTT ở cơ sở. Công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng, bài bản.

Trong năm 2022, Công an thành phố đã viết, đăng tải hơn 1.000 tin, bài tuyên truyền về pháp luật, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên các trang mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt tương tác. Đáng chú ý, Công an thành phố cũng đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm như cao điểm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy và trộm cắp tài sản...

Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2022, Công an thành phố đã đấu tranh, phá 14 chuyên án về trật tự xã hội, trong đó có nhiều chuyên án lớn như Chuyên án số 095-K, đấu tranh với nhóm đối tượng mua bán các loại dao, kiếm, bình xịt hơi cay, dùi cui điện với số lượng lớn. Chuyên án 191-T, đấu tranh với nhóm trộm cắp xe máy tại các khu chung cư trên địa bàn, bắt, khởi tố 4 đối tượng về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản. Quá trình đấu tranh mở rộng, làm rõ 16 vụ trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác như Hà Nội, Hưng Yên...

Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã khởi tố 160 vụ, 259 bị can; phá 13 chuyên án; triệt xóa 5 đường dây, 127 điểm mua bán trái phép chất ma túy; đưa 176 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điển hình như phá Chuyên án 122-H, triệt xóa 2 điểm phức tạp, 3 điểm mua bán trái phép chất ma túy tại phường Đông Hương, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ gần 3kg ma túy các loại; phá Chuyên án số 622-H, triệt xóa 2 đường dây, 84 điểm mua bán trái phép chất ma túy, bắt giữ, khởi tố 116 đối tượng, thu giữ số lượng lớn ma túy các loại, 6 khẩu súng, 45 viên đạn cùng nhiều tang vật liên quan.

Đặc biệt, trong công tác đấu tranh chống tội phạm về kinh tế và môi trường, Công an thành phố đã phá 5 chuyên án, khởi tố 19 vụ, 32 bị can. Xử lý vi phạm hành chính 111 vụ việc các loại về kinh tế, môi trường. Điển hình là Chuyên án P-223, đấu tranh với các đối tượng sản xuất hàng giả là phân bón, thu giữ 100 tấn phân các loại có dấu hiệu làm giả tại 3 công ty; Chuyên án T222, đấu tranh với đối tượng phát hành trái phép hóa đơn thu nộp ngân sách Nhà nước, trốn thuế, khởi tố 1 bị can về tội phát hành trái phép 32 hóa đơn giá trị gia tăng

Tác giả: Trần Thắng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok