Nhân ái

Con trai bệnh tật, mẹ nghèo chỉ dám xin chiếc xe lăn

Chồng mất do bạo bệnh, con gái bị chết đuối, nay bất hạnh lại xảy đến với chị khi đứa con trai duy nhất bỗng không đi lại được. Không có tiền thay khớp chân cho con, người đàn bà bất lực chỉ dám cầu xin một chiếc xe lăn để con có thể di chuyển được.

Chồng mất, con gái chết đuối

Con đường nhỏ dẫn vào căn nhà cấp 4 tồi tàn, xập xệ của hai mẹ con chị Mai Thị Danh (54 tuổi), trú xóm 10, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đầy bùn đất và lầy lội.

Nằm trên giường bệnh với đôi chân không đi lại được, em Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1993, con trai chị Danh) buồn bã, tự hỏi mình và và hỏi cả mẹ: “Nhẽ ra tuổi của con là tuổi để yêu, để lập gia đình và làm việc. Tại sao con lại nằm đây?”

Anh Hiệp bật khóc vì đôi chân không thể đi lại được

Nghe Hiệp hỏi, chị Danh lặng lẽ quẹt vội những giọt nước mắt vì không biết nên trả lời con như thế nào. Bởi chính chị cũng đang bất lực trước nỗi đau quá lớn của gia đình.

Chị Danh nên duyên với anh Phạm Văn Đường (sinh năm 1962) và có với nhau ba mặt con. Những đồng tiền ít ỏi mà hai vợ chồng kiếm được từ công việc đốt củi, bán than đều dồn cả vào việc chăm sóc con.

Thế nhưng cuộc sống không được êm đềm như mong muốn, dù những người lao động nghèo vẫn cố gắng vượt qua khó khăn từng ngày. Nỗi đau liên tiếp ập đến với gia đình khi năm 2004, em Phạm Thị Thảo (9 tuổi, con gái út của chị Danh) theo bố mẹ vào rừng sâu đốt than, không may bị rơi sông chết đuối.

“Lỗi là do tôi nên con gái tôi mới chết đuối. Giá như lúc đấy để con gái ở nhà thì đã không xảy ra chuyện. Hơn chục năm nay, cứ nghĩ đến Thảo là đêm nào lòng tôi cũng quặn đau, hối hận”, chị Danh tâm sự.

Một năm sau ngày mất con, tinh thần suy sụp, sức khỏe chị Danh cũng yếu đi nhiều. Thế nhưng chị vẫn gắng gượng, cố nén nỗi đau để tiếp tục công việc đốt than kiếm tiền. Năm 2005, người đàn bà bất hạnh một lần nữa nhận hung tin khi bác sĩ kết luận chồng bị bệnh xơ gan.

Chị vay mượn, cầm cố mọi thứ để chạy vạy tiền đưa chồng đi khám bệnh. Gần 5 năm chạy chữa cho chồng, chị Danh sức cùng lực kiệt. Năm 2009, anh Đường mất để lại cho chị nỗi đau tinh thần và khoản nợ không biết bấu víu vào ai.

Hằng ngày, chị Danh ngồi bóp chân cho con bớt con đau. Mọi sinh hoạt của con đều phụ thuộc vào đôi tay chị.

Con trai đổ bệnh, mẹ chỉ dám xin chiếc xe lăn

Chồng mất vì bạo bệnh, con gái chết đuối, chị Danh cứ nghĩ nỗi bất hạnh chỉ dừng lại ở đó. Ấy thế nhưng số phận lại một lần nữa đưa đẩy người đàn bà khốn khổ vào bước đường cùng khi cậu con trai Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1993) đang khỏe mạnh cũng bỗng dưng đổ bệnh.

Năm 2016, Hiệp thấy đau nhức khớp chân. Nghe con kêu đau, chị Danh hoảng loạn chạy khắp nơi vay mượn tiền đưa con đi bệnh viện khám bệnh. Chị chết lặng người khi bác sĩ thông báo con trai mình bị bệnh đái tháo đường, khô khớp háng và niêm mạc dạ dày...

Vài tháng sau, đôi chân của cậu con trai bị cứng đờ, tê liệt, đau đớn không thể đi lại được. Mỗi lần chứng kiến con gào khóc vì đau, chị Danh lại ôm con vào lòng và khóc cho số phận của mình. Từ đấy mọi sinh hoạt, vệ sinh cho con đều trên đôi tay chị.

Người đàn bà thất thần trước cảnh ngộ của gia đình mình

“Tại sao ông Trời lại đối xử bất công với mẹ con tôi như vậy. Chồng tôi mất, con tôi chết, giờ còn một đứa con trai duy nhất mà ông Trời cũng muốn cướp mất thì tôi biết sống như thế nào đây”, chị Danh nấc nghẹn.

Không đành lòng để con trai nằm chờ chết, người phụ nữ đã ở tuổi ngũ tuần gõ cửa khắp nơi vay tiền cứu con. Thế nhưng, số tiền thay khớp chân cho con trai là quá lớn, một mình người mẹ bất hạnh không kham nổi.

Chị Danh kể: “Bác sĩ nói muốn con đi lại được buộc phải thay khớp háng, nhưng số tiền gần 200 triệu đồng thì tôi không biết lấy đâu ra để cứu con.

Hiệp khóc vì đau, nó cứ hỏi tôi ‘Tại sao con phải nằm ở đây? Tuổi của con là tuổi đi làm và tuổi để yêu mà mẹ’, tôi không biết trả lời với con như thế nào. Xin cứu lấy con tôi. Không có tiền thay khớp cho con, thì tôi xin mọi người cho Hiệp một chiếc xe lăn để tiện di chuyển vì mỗi tháng phải đưa con đi viện khám 3 lần”, chị Danh cầu cứu.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Chị Mai Thị Danh, xóm 10, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Tác giả: Thiện Lương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok