Giáo dục

Con thi lớp 10, cha mẹ ‘ngồi trên đống lửa’

Trong thực tế, câu chuyện 21.000 học sinh TP.HCM sắp bị “văng” ra khỏi lớp 10 trường công gắn với số phận của 21.000 gia đình hoàn toàn khác với phát biểu “không lo thiếu chỗ học” của lãnh đạo ngành.

Chỉ còn vài hôm nữa (ngày 2 và 3-6), gần 90.000 học sinh (HS) TP sẽ tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10, trong khi đó tổng chỉ tiêu của 103 trường THPT công lập trên địa bàn TP là 68.690 HS. Như vậy, sau kỳ thi này, sẽ có hơn 21.000

HS bị “văng” ra khỏi lớp 10 công lập.
Thế nhưng đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng HS thi vào lớp 10 ở TP.HCM năm nay “không phải lo thiếu chỗ học”. Theo vị này, hiện hệ thống các trường ngoài công lập, các trường khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp trực thuộc Sở GD&ĐT sẽ tuyển gần 40.000 HS.

Cả nhà vào cuộc luyện thi trối chết

Trước viễn cảnh bị “văng” ra khỏi lớp 10 công lập, gần như tất cả HS lớp 9 đều đang trong cuộc chiến trần ai khoai củ luyện thi, hòng mong có thể đặt chân cho bằng được vào lớp 10 công lập.

Anh Nguyễn Đức Trung, phụ huynh HS lớp 9, Trường THCS Văn Lang, quận 1, than thở: “Năm nay thí sinh tăng đột biến, trong khi đó chỉ tiêu quá ít khiến cuộc đua quá cẳng thẳng”.

Nam, con trai anh Trung, chín năm liền có học lực loại giỏi. Nam mong muốn được học lớp 10 Trường THPT Gia Định hay Nguyễn Thị Minh Khai. Vậy nhưng theo anh Trung, năm nay khi xem số liệu ban đầu mà Sở GD&ĐT công bố, tỉ lệ chọi ở hai trường này quá cao nên gia đình khuyên cháu nên chuyển trường. “Cuối cùng, sau khi cân nhắc kỹ, cháu chọn nguyện vọng (NV) 1 là THPT Phú Nhuận, NV2 là Võ Thị Sáu, NV3 là Hoàng Hoa Thám” - anh Trung nói.

Anh Trung cho biết thêm, hiện nay Nam vừa học ở trường vừa học thêm tại nhà, không có thời gian nghỉ ngơi. “Tôi lo từ khi con tôi đăng ký chọn trường cho đến bây giờ. Tôi cố gắng đầu tư, hỏi thăm thầy cô, theo dõi sức học cháu hằng ngày với hy vọng kiểu gì cháu cũng phải có suất vào công lập. Bởi trường công dù sao chất lượng, việc quản lý, kỷ luật cũng tốt hơn trường tư. Mặt khác, học trường công chi phí sẽ ít hơn” - anh Trung nói.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trong buổi tư vấn tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: N.QUYÊN

Anh Trung bày tỏ thêm: “Gia đình tôi đang ở nhà trọ. Hai năm nay tôi thất nghiệp ở nhà, chỉ làm mấy việc linh tinh, lương ba cọc ba đồng. Trong khi đó, vợ tôi làm bảo mẫu ở một trường mầm non, thu nhập tháng khoảng 3-4 triệu đồng. Cho nên với điều kiện gia đình như thế, tôi cố gắng động viên để con đậu vào trường công. Nếu rớt thì gia đình tôi thực sự không đủ khả năng để cho cháu học trường tư”.

Tương tự anh Trung, để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 diễn ra ngày 2 và 3-6, nhiều phụ huynh ở TP đã cho con học thêm ngày đêm tại các trung tâm luyện thi, điểm học thêm hoặc thuê gia sư kèm tại nhà cho con.

“Tôi thấy kỳ thi vào lớp 10 năm nay còn căng hơn cả thi đại học. Con thi mà cha mẹ như ngồi trên đống lửa” - bà PTT, phụ huynh một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, cảm thán.

Theo bà T., hiện lịch học trong tuần của con gái bà là khép kín. “Học ở trường cả ngày, đến tối đi học thêm, hôm nào không học thì tự học ở nhà. Nhiều hôm con than mệt lắm. Tôi thương con lắm nhưng cố gắng động viên con. Vì chỉ có học tốt, nắm chắc kiến thức con mới có thể thi đạt kết quả cao và mới có thể vào công lập” - bà T. nói.

Nhiều HS học lực trung bình khá, dù chọn trường tốp dưới có tỉ lệ chọi không cao nhưng phụ huynh vẫn không yên tâm, muốn con luyện thi. “Con vừa học ở trung tâm vừa học thêm nhà thầy ở trường. Dù một tháng tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền nhưng tôi vẫn ráng cho con theo học. Bởi dù sao vào được trường công thì sẽ tốt hơn, chi phí cũng ít” - phụ huynh là một công nhân đã nghỉ hưu, đang làm giúp việc theo giờ tại quận Gò Vấp chia sẻ.

“Nếu quyết tâm, TP sẽ có đủ trường lớp cho các em”

Trở lại toàn cảnh cuộc đua vào lớp 10 công lập, nhà giáo Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, cho rằng thi tuyển vào lớp 10 ngày càng căng vì số lượng HS ngày càng nhiều, trong khi đó trường lớp phát triển không đủ.

Ông Minh đặt vấn đề hiện TP thực hiện việc phân luồng sau THCS. Đối với các HS không đậu vào công lập thì sẽ học tư thục, học nghề hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Vậy nhưng liệu việc phân luồng này có là tự nguyện?

Theo ông Minh, hiện nay chuyện phân luồng sau THCS rất đa dạng. Thế nhưng đâu phải HS nào cũng có thể tự do chọn lựa hướng đi cho mình vì các em còn phải phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Hầu như các em buộc phải chọn một trong hai: Thi đậu vào công lập, còn không thì phải học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn chuyện học ở các trường tư thục, trường quốc tế hay du học thì rất khó, thậm chí trong mơ. Nó chỉ phù hợp với hoàn cảnh gia đình của một số ít HS. Cho nên các em bị phân luồng một cách không tự nguyện và phải học trong tình thế bất khả kháng nếu bị “văng” ra khỏi lớp 10 công lập.

“Bản thân tôi chỉ mong TP có đủ trường lớp để làm sao tất cả các em HS lớp 9 đều có chỗ học cấp III trên mỗi địa bàn. Việc để các em có chỗ học ở lớp 10, tôi nghĩ nếu quyết tâm thì chúng ta có thể làm được. Tại vì biết bao nhiêu công trình chục ngàn tỉ đồng chính quyền TP còn thực hiện được huống hồ mở thêm mạng lưới trường lớp. Như thế, chuyện thi cử sẽ trở nên nhẹ nhàng. Còn việc thi tuyển, tôi nghĩ chỉ nên dành cho những đối tượng có trình độ học tập xuất sắc hay năng khiếu đặc biệt” - ông Minh nêu ý kiến.

Tỉ lệ “chọi” cao nhất: 1 “chọi” 4

Dù dựa theo quy định đăng ký NV, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký ba NV vào lớp 10 thường và bốn NV vào lớp 10 chuyên, tức là có thí sinh vừa đăng ký thi tuyển vào lớp 10 thường vừa đăng ký vào lớp 10 chuyên thì tổng số thí sinh dự thi sẽ giảm xuống nhưng không đáng kể.

Theo thống kê đăng ký NV ban đầu của thí sinh được Sở GD&ĐT TP.HCM công bố, hầu hết trường THPT nằm ở tốp đầu đều tăng tỉ lệ “chọi” so với năm học trước. Dẫn đầu về tỉ lệ “chọi” cao nhất ở hệ lớp 10 thường là THPT Nguyễn Thượng Hiền: 450/1.780 NV1 (3,96), kế đến là THPT Gia Định: 630/2.084 NV1 (3,31).

Tác giả: NGUYỄN QUYÊN

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok